Doanh thu từ than của TKV tăng 135 lần trong 30 năm

(PLO)- 30 năm qua, doanh thu từ than của Tập đoàn Công nghiệp Than – Khoáng sản Việt Nam (TKV) đã tăng từ gần 1.300 tỉ đồng năm 1994 lên 175.000 tỉ đồng năm 2024 (tăng gần 135 lần).

0:00 / 0:00
0:00
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam

Tổng công ty Than Việt Nam (TVN), tiền thân của TKV ngày nay được thành lập theo Quyết định số 563/TTg ngày 10-10-1994 của Thủ tướng Chính phủ và chính thức đi vào hoạt động từ năm 1995. Quá trình hình thành và phát triển trong 30 năm qua của TKV trải qua 3 giai đoạn lớn: Giai đoạn 1994 - 2005 là giai đoạn hình thành và phát triển trong mô hình Tổng công ty 91, giai đoạn từ 2005 đến 2013 là giai đoạn phát triển trong mô hình tập đoàn kinh tế, giai đoạn 2014-2024 là giai đoạn thực hiện tái cơ cấu tập đoàn gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng bền vững.

Trong chặng đường hình thành, xây dựng và phát triển 30 năm qua, TVN trước đây và TKV sau này đã đạt được nhiều thành tựu to lớn trong việc thực hiện nhiệm vụ của Đảng và Nhà nước giao. Đó là đẩy mạnh phát triển sản xuất kinh doanh than là ngành chủ lực, ngành chiến lược theo hướng tăng trưởng nhanh, đáp ứng nhu cầu than trong nước ngày càng tăng cao, góp phần đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia, ổn định kinh tế vĩ mô và phát triển kinh tế - xã hội. Tổng doanh thu than đã tăng từ gần 1,3 ngàn tỉ đồng năm 1994 lên 175 ngàn tỉ đồng năm 2024 (tăng gần 135 lần).

doanh-thu-tu-than-cua-tkv-tang-135-lan-trong-30-nam.jpg
Doanh thu của TKV đã có bước tăng trưởng vượt bậc, đều đặn với tốc độ tăng trưởng bình quân 18%/năm.

TKV đẩy mạnh phát triển ngành công nghiệp khoáng sản theo chiều rộng lẫn chiều sâu theo hướng tăng cường chế biến sâu, nhờ đó tạo ra sự phát triển đột phá, nâng cao giá trị gia tăng và hiệu quả kinh tế của ngành.

Từ chỗ trước đây chủ yếu khai thác và sản xuất quặng tinh, phần lớn để xuất khẩu, TKV đã đẩy mạnh đầu tư chế biến sâu khoáng sản, luyện kim như nhà máy luyện đồng (Lào Cai) để sản xuất đồng kim loại công suất 10.000 tấn/năm (đi vào hoạt động năm 2008) đến nay đã đầu tư mở rộng nâng lên 30.000 tấn/năm; nhà máy kẽm điện phân (Thái Nguyên) công suất 10.000 tấn/năm (đi vào hoạt động năm 2007); nhà máy alumin Tân Rai (Lâm Đồng) công suất 650 ngàn tấn/năm (đi vào hoạt động năm 2013), Nhà máy alumin Nhân Cơ (Đắc Nông) công suất 650 ngàn tấn/năm (đi vào hoạt động năm 2017). Hai nhà máy này hàng năm đạt sản lượng 1,45 triệu tấn Alumin quy đổi vượt 10 % công suất thiết kế mang lại hiệu quả kinh tế cao.

Việc đưa các nhà máy luyện kim và 2 nhà máy chế biến alumin nêu trên đi vào hoạt động đã tạo ra sự phát triển đột phá về chất của của ngành công nghiệp khoáng sản Việt Nam theo hướng chế biến sâu đáp ứng nhu cầu trong nước, giảm nhập khẩu, tiết kiệm ngoại tệ, vừa nâng cao giá trị gia tăng và tạo thêm việc làm, góp phần cải thiện cán cân thương mại, ổn định kinh tế vĩ mô và phát triển kinh tế - xã hội, tại địa bàn Tây Bắc và Tây Nguyên.

Từ khi thành lập đến hết năm 2023, tổng lợi nhuận trước thuế của TKV đạt 91,3 ngàn tỉ đồng; vốn chủ sở hữu tăng từ 778 tỉ đồng lên 40,9 ngàn tỉ đồng. Trong 30, TKV đã nộp NSNN với số tiền trên 280 ngàn tỉ đồng. Đồng thời, TKV cùng các đơn vị thành viên luôn tích cực tham gia thực hiện các hoạt động xóa đói giảm nghèo, phát triển nông thôn mới, phát triển kinh tế - xã hội biển đảo, đền ơn đáp nghĩa, bảo trợ trẻ em, người tàn tật, công tác từ thiện

Với những thành tựu to lớn đạt được CNCB của Tập đoàn TKV đã được Đảng và Nhà nước tặng thưởng nhiều phần thưởng cao quý: Huân chương Sao vàng năm 1996 và Anh hùng Lao động năm 2005; Huân chương Lao động hạng Ba năm 2014. Nhiều tập thể, cá nhân được tặng danh hiệu Anh hùng lao động, Anh hùng lực lượng vũ trang, Huân chương các loại và nhiều phần thưởng cao quý khác.

Định hướng thời gian tới, TKV đặt mục tiêu trở thành tập đoàn kinh tế nhà nước mạnh, có cơ cấu kinh doanh hợp lý; tập trung vào các lĩnh vực sản xuất kinh doanh chính là than, khoáng sản, điện, vật liệu nổ công nghiệp; mở rộng hợp tác và phát triển kinh doanh quốc tế; nâng cao hiệu quả, sức cạnh tranh, phát triển bền vững đi đôi với bảo vệ môi trường sinh thái; góp phần quan trọng đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia và thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội.

Doanh thu từ than của TKV tăng 135 lần trong 30 năm.jpg
Ông Đặng Thanh Hải (giữa), Tổng Giám đốc TKV làm việc với Than Khe Chàm (Quảng Ninh) vào tháng 7-2024.

Cụ thể, TKV tiếp tục là nhà sản xuất, nhập khẩu và cung ứng than chính của nền kinh tế, trở thành nhà sản xuất và cung ứng các sản phẩm từ các khoáng sản: đồng, chì kẽm, thiếc, bôxít, sắt, titan, đất hiếm bao gồm đồng tấm, chì thỏi, kẽm thỏi, thiếc thỏi, thép, alumin, hydrat nhôm, nhôm thỏi, pigment, titan xốp, titan kim loại… với khối lượng lớn, có sức cạnh tranh trên thị trường trong và ngoài nước.

TKV là nơi đào tạo cung cấp công nhân lành nghề chất lượng cao, cung cấp dịch vụ y tế chữa bệnh nghề nghiệp bụi phổi, phục hồi chức năng; cung cấp các dịch vụ địa chất, khoa học công nghệ, tư vấn đầu tư... cho Việt Nam và khu vực. Xây dựng và phát triển TKV "Giàu mạnh – Thân thiện – Hài hòa”.

Đến năm 2030, sản lượng than thương phẩm đạt từ 35 đến 40 triệu tấn, nhập khẩu than 15 đến 20 triệu tấn. Tổng doanh thu của tập đoàn đạt 8 tỉ USD.

Từ bài học kinh nghiệm 30 năm qua, TKV sẽ phải đổi mới tư duy kinh doanh theo hướng “Tiếp tục phát huy truyền thống “Kỷ luật và Đồng tâm”, huy động sức mạnh tổng hợp của toàn bộ hệ thống chính trị trong tập đoàn, tuân thủ phương châm phát triển hài hòa với cộng đồng và xã hội”.

TKV đưa ra phương châm chung của công tác quản trị tài nguyên là thăm dò khoáng sản "Đảm bảo độ tin cậy cao là số 1”; Tăng cường công tác quản trị đầu tư trên cơ sở nâng cao chất lượng lập và quản lý dự án; Đổi mới công nghệ, nâng cao trình độ cơ giới hóa; Đẩy mạnh công tác bảo vệ môi trường trong hoạt động khai thác chế biến than, khoáng sản, trong đó trọng tâm là nghiên cứu đầu tư tái chế chất thải công nghiệp, tận thu tối đa các khoáng sản đi kèm, đặc biệt là bùn đỏ của các nhà máy chế biến Alumina,…

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm