Đó là chỉ đạo của Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thể tại cuộc họp nghe báo cáo phương án lựa chọn công nghệ đường sắt tốc độ cao Bắc-Nam, diễn ra ngày 11-9.
Bộ trưởng nhận định dự án đường cao tốc Bắc-Nam sau khi được thông qua phải 20-30 năm mới xong toàn tuyến: “Như vậy, để triển khai dự án này phải mất 5-7 nhiệm kỳ. Nên cần nghiên cứu kỹ, đưa ra cơ sở lý luận sâu sắc để lựa chọn kỹ công nghệ, tốc độ tàu hợp lý, đảm bảo được yếu tố hiện đại, tiên tiến theo xu hướng chung của thế giới, cũng như các tiêu chí an toàn, hiệu quả, tối ưu với điều kiện địa lý, khai thác, giá cả và phải thuyết phục được người dân và Quốc hội…”, Bộ trưởng nhấn mạnh.
Bộ trưởng Bộ GTVT cho rằng mỗi nhiệm kỳ Quốc hội sẽ dành 10 tỉ USD, như vậy sau nhiều nhiệm kỳ sẽ có một tuyến đường sắt cao tốc hoàn chỉnh. Ảnh: Internet
Để giải bài toán kinh phí, Bộ trưởng cho rằng dự án phải phân kỳ, tức làm từng đoạn, tùy theo tình hình kinh tế đất nước để đạt mục tiêu: “Tôi nghĩ rằng chúng ta sẽ thuyết phục được dư luận xã hội và các đại biểu Quốc hội", Bộ trưởng khẳng định.
Trước đó, liên danh tư vấn do Tổng Công ty Tư vấn thiết kế GTVT (TEDI) đứng đầu, cho biết trên thế giới hiện có hai xu hướng công nghệ, gồm công nghệ đoàn tàu sử dụng động lực phân tán và công nghệ động lực tập trung. Công nghệ phân tán là trong một đoàn tàu có nhiều toa động lực; còn công nghệ tập trung chỉ đặt hai toa động lực ở hai đầu đoàn tàu (kéo - đẩy). Trong đó, công nghệ phân tán được đánh giá có nhiều ưu điểm hơn như hệ số an toàn, sức chở lớn, tiêu thụ ít điện năng hơn, đầu tư hạ tầng một số hạng mục ít hơn…
Ngoài một số nước tự nghiên cứu công nghệ hoặc nhập khẩu công nghệ gốc (Nhật, Ấn Độ, Đài Loan), các nước sử dụng công nghệ tập trung như Đức, Pháp có xu hướng chuyển sang công nghệ phân tán. Do đó, tư vấn đề xuất áp dụng mô hình công nghệ đoàn tàu sử dụng động lực phân tán và thông tin tín hiệu vô tuyến cho dự án.
Dự án đường sắt tốc độ cao Bắc-Nam sẽ được xây mới hoàn toàn với chiều dài 1.545 km, kéo dài từ Hà Nội đến TP.HCM, gồm 23 nhà ga, đi qua 20 tỉnh thành với tổng mức đầu tư khoảng 1,3 triệu tỉ đồng. Dự kiến điểm đầu là ga Ngọc Hồi (Hà Nội) và điểm cuối là ga Thủ Thiêm (phường Phú An, quận 2, TP.HCM). Theo tư vấn, nếu đạt vận tốc 320 km/giờ (tốc độ thiết kế là 350 km/giờ) thì từ Hà Nội đến Vinh mất một giờ 20 phút; từ TP.HCM đến Nha Trang mất 35 phút; từ Hà Nội đến TP.HCM mất 5 giờ 17 phút. |