Chiều 15-12, trao đổi với Pháp Luật TP.HCM, ông Trần Châu, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định, cho biết tình hình mưa lũ ở tỉnh này đang hết sức nguy cấp.
“Hiện đã có gần 30 xã ở Bình Định bị lũ cô lập. Do phải chống chọi với bốn đợt lũ lớn liên tiếp nên người dân các vùng này đang hết sức khó khăn, cần sự cứu trợ khẩn cấp về lương thực thực phẩm” - ông Châu nói.
Trong hai ngày qua, tỉnh Bình Định đã cứu trợ 1.100 tấn gạo đến các hộ dân bị cô lập trong lũ. UBND tỉnh cũng đã yêu cầu chính quyền các địa phương khẩn trương trợ giúp mì ăn liền, nước uống đến người dân các vùng không thể di chuyển ra ngoài. Tuy nhiên, số hộ gia đình bị lũ cô lập ngày càng tăng nhanh do lũ bao vậy khắp nơi.
Một gia đình bị lũ cô lập ở huyện Tuy Phước (Bình Định).
Lúc 16 giờ 38 cùng ngày, Văn phòng Thường trực Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai - Tìm kiếm cứu nạn tỉnh Bình Định phát cảnh báo tin lũ khẩn cấp cho biết từ tối 14-12 đến nay trên địa bàn tỉnh này có mưa rất to.
Cùng với đó, lượng nước thượng nguồn đổ xuống ngày càng lớn đã khiến lũ tiếp tục lên rất nhanh, dâng cao trên hầu hết các sông gây ngập trên diện rộng. Mực nước lũ trên nhiều sông ở Bình Định đã trên báo động 3.
Cũng theo văn phòng thường trực, hiện nay 166 hồ chứa nước trên địa bàn tỉnh này đã đầy nước. Hồ chứa nước Định Bình - hồ thủy lợi lớn nhất tỉnh Bình Định đã xả xuống hạ lưu với lưu lượng qua tràn 1.000 m3/giây, đập dâng Văn Phong đã mở các cửa van để điều tiết nước đón lũ với lưu lượng qua tuyến đập 972 m3/giây.
Trong khi đó, ông Trần Châu cho hay hầu hết các hồ chứa này đều được xây dựng từ những năm 1980-1990. Có đến 44 hồ đang trong tình trạng nguy cấp. Hiện các hồ đã bị thẩm thấu nước qua thân đập, chảy về hạ lưu. Đây cũng là một trong những nguyên nhân đe dọa vỡ đập.
Trong hai ngày qua, tỉnh Bình Định huy động nhiều lực lượng dùng bao tải đựng cát, sỏi gia cố tạm thời thân đập, các điểm sạt lở ở các hồ chứa, đồng thời chủ động xả nước để hạn chế nguy cơ vỡ đập.
Mặt khác, tỉnh huy động rất nhiều lực lượng ứng trực 24/24 giờ tại các hồ chứa để sẵn sàng khắc phục, kịp thời xử lý khi có sự cố xảy ra. Ngoài ra, chính quyền các địa phương cũng sẵn sàng phương án sơ tán dân trong tình huống khẩn cấp.
Thông tin nhanh từ các địa phương cho biết huyện Tuy Phước đã có gần 600 ngôi nhà bị ngập, thêm bảy căn nhà bị sập. Ngập lụt gây chia cắt ở các xã Phước Nghĩa, Phước Thuận, Phước Thắng, Phước Hòa, tỉnh lộ 640.
120 m đê sông Cây Me tại xã Phước Hòa tiếp tục bị sạt lở và có nguy cơ sạt lở tiếp. Tại huyện Phù Mỹ, gần 500 ngôi nhà tại các xã Mỹ Đức, Mỹ Thọ, Mỹ Thành bị ngập; trong đó đã có năm ngôi nhà bị hư hỏng nặng.
Nhiều xã của huyện Hoài Ân như Ân Hảo Đông, Ân Hảo Tây, Ân Mỹ, Ân Tín bị ngập nặng; các cầu qua sông An Lão, tỉnh lộ 629 không thể lưu thông.
Hàng chục khu dân cư của các huyện Phù Cát, thị xã An Nhơn bị ngập sâu, cô lập hoàn toàn. Mưa lớn cũng gây ngập nhiều khu dân cư, đường phố ở TP Quy Nhơn.