Tờ South China Morning Post ngày 2-5 dẫn thông tin từ tập đoàn năng lượng Nga Gazprom cho biết lượng khí đốt tự nhiên xuất khẩu từ nước này sang Trung Quốc đã tăng vọt 60% trong 4 tháng đầu năm so với cùng kỳ năm 2021.
Thông tin trên được đưa ra trong bối cảnh chiến dịch quân sự đặc biệt của Moscow tại Ukraine đã khiến nhiều khách hàng lớn về dầu khí của Moscow, như các quốc gia châu Âu, quyết định giảm hoặc chấm dứt việc mua khí đốt từ Nga.
Gazprom hôm 1-5 tiết lộ thêm rằng doanh số xuất khẩu khí đốt tự nhiên sang các nước không thuộc Cộng đồng Các quốc gia độc lập (CIS) cũng đã giảm xuống 50,1 tỉ mét khối trong 4 tháng đầu tiên của năm 2022, giảm 26,9% so với 2021.
Nguồn khí đốt của Nga được xuất khẩu sang Trung Quốc thông qua đường ống Power of Siberia, bắt đầu hoạt động vào năm 2019. Khoảng 4,1 tỉ mét khối khí đốt đã được vận chuyển sang Trung Quốc thông qua đường ống này vào năm 2020, chiếm một phần nhỏ so với mục tiêu vận chuyển 38 tỉ mét khối khí đốt vào năm 2025 của 2 nước.
Khí đốt tự nhiên của Nga được cung cấp cho Trung Quốc thông qua đường ống Power of Siberia. Ảnh: REUTERS |
Trước đó, vào tháng 2, Tổng thống Nga Vladimir Putin đã ký hợp đồng dầu khí trị giá 117,5 tỉ USD với Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình.
Theo hợp đồng, Gazprom sẽ cung cấp cho Trung Quốc 10 tỉ mét khối khí đốt mỗi năm thông qua một đường ống mới, Power of Siberia 2, sẽ chạy từ đảo Sakhalin (Nga) đến tỉnh Hắc Long Giang ở phía đông bắc Trung Quốc.
Gazprom cho hay đường ống mới dự kiến sẽ hoạt động vào năm 2026, và cùng với đường ống hiện có, nguồn cung cấp khí đốt tự nhiên từ Nga sang Trung Quốc hàng năm có thể tăng lên 48 tỉ mét khối hằng năm từ khoảng 10 tỉ mét khối vào năm 2021.
Gazprom cũng đang lên kế hoạch cho xây dựng một đường ống khác có tên Soyuz Vostok, sẽ chạy từ Nga đến Trung Quốc qua Mông Cổ, dự kiến sẽ cung cấp thêm 50 tỉ mét khối khí đốt đến Trung Quốc mỗi năm.
Trong khi phương Tây đang áp đặt các biện pháp trừng phạt đối với Moscow vì hành động gây hấn ở Ukraine và châu Âu bằng cách chấm dứt sự phụ thuộc vào nguồn cung nhiên liệu của Nga, thì Trung Quốc, quốc gia có lượng tiêu thụ năng lượng lớn nhất thế giới, đã phản đối các lệnh trừng phạt và khẳng định mối quan hệ đối tác thương mại của họ với Nga, bao gồm cả về dầu khí, vẫn sẽ tiếp tục.
Nga đã xuất khẩu 16,5 tỉ mét khối khí đốt sang Trung Quốc vào năm 2021, bao gồm cả qua đường ống và qua dạng khí tự nhiên hóa lỏng (LNG).
Theo số liệu chính thức của Trung Quốc, tổng lượng khí đốt tiêu thụ của Trung Quốc vào năm 2021 là 372,5 tỉ mét khối, trong đó có 167,5 tỉ mét khối khí đốt được nhập khẩu từ bên ngoài. Tỉ lệ khí đốt nhập khẩu của nước này vào năm 2021 đã tăng thêm 19,9% so với một năm trước đó.