Giả danh bạn bè người thân
Ngày 21-7, Phòng Cảnh sát kinh tế và chức vụ (PC46, Công an TP.HCM) vừa ra thông báo việc khám xét khẩn cấp, đề nghị phê chuẩn lệnh bắt khẩn cấp và gia hạn tạm giữ lần một đối với Phan Văn Ngoan (57 tuổi ngụ ấp Gia Bẹ, xã Trung Lập Hạ, huyện Củ Chi) để điều tra về hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản.
Ngoan thường nhắm đến những người già, dễ tin và có người thân ở nước ngoài để lừa đảo
Có mặt tại cơ quan công an, bà Võ Thị Ánh T. (ngụ quận 1, TP.HCM) vẫn chưa khỏi bàng hoàng. Bà T. cho biết vào khoảng 10 giờ ngày 14-4-2016, bà nhận cuộc gọi vào số máy bàn, một người đàn ông xưng tên Sĩ vốn là bạn thân lâu năm của gia đình tại TP.HCM và nói cần giúp đỡ.
“Mặc dù qua điện thoại bàn nhưng người này nói giọng y như anh Sĩ. Thêm nữa anh ta biết rõ chồng tôi đi đá banh giờ nào. Gia đình tôi thân thiết với anh Sĩ ra sao. Nên tôi tin tưởng hoàn toàn” - Bà T. nói.
Theo đó, người đàn ông nói trên cho biết mình đang cùng vợ đi Mỹ thăm con nhưng nhà lại có đứa cháu bị tai nạn giao thông ở Cần Thơ, cần gấp số tiền 45 triệu đồng để mổ cấp cứu. Ngặt một điều ông ta đang ở Mỹ không về kịp, nên nhờ bà T. chuyển số tiền trên vào tài khoản số 0601 2173 2486, ghi tên chủ tài khoản Nguyễn Thị Ánh Hồng, đồng thời hứa hai ngày sau sẽ trả lại tiền cho bà T. Tin người gọi điện thoại là ông Sĩ, bà T. đã chuyển tiền ngay lập tức vào số tài khoản trên. “Vì tin tưởng nên tôi đã chuyển tiền ngay lập tức cho người này bởi nghĩ lúc tai nạn giao thông, mạng người là cấp bách nhất” - Bà T. cho hay.
Tuy nhiên, đến chiều cùng ngày, người đàn ông đó tiếp tục gọi điện thoại cho bà T. nói do người bị nạn làm khó, đòi thêm 100 triệu đồng mới chịu bãi nại, nhờ bà T. giúp lần nữa. Lần này, bà T. chuyển tiếp 100 triệu đồng vào tài khoản nói trên.
Nhiều người đã vay mượn, chuyển cả trăm triệu đồng vì tin tưởng có người thân đang gặp nạn, cần được giúp đỡ
Đến trưa 15-4, người đàn ông này lại tiếp tục gọi điện thoại cho bà T., thông báo các anh em của ông ta ở Mỹ có góp lại được 350 triệu đồng cho đứa cháu để lo chi phí điều trị, nhờ bà T. chuyển số tiền trên trước cho cháu của ông ta và hứa ngày hôm sau sẽ trả lại cho bà T.
Tin lời, bà T. chuyển 200 triệu đồng vào tài khoản số 060120823038, tên chủ tai khoản Lê Thị Bích Ngọc và chuyển 150 triệu đồng vào tài khoản số 060121732486, chủ tài khoản Nguyễn Thị Ánh Hồng. Sau khi chuyển số tiền trên, đến hẹn không thấy người xưng tên Sĩ trả lại tiền, bà T. mới phát hiện bị lừa và gửi đơn tố giác đến cơ quan điều tra.
Bằng thủ đoạn tương tự như đối với bà T., Ngoan đã lừa nhiều người với tổng số tiền trên 1 tỉ đồng. Ít nhất đã có năm bị hại viết đơn trình báo cơ quan công an, trong đó có hai người ở Cần Thơ.
Nhiều người bị lừa bằng thủ đoạn mới
Từ thông tin trình báo, cơ quan điều tra tiến hành vào cuộc xác minh và phát hiện Phan Văn Ngoan chính là đối tượng thực hiện hành vi thu mua các thẻ tài khoản trên và trực tiếp gọi điện thoại vào số máy đăng ký nhà riêng của các bị hại, giả là người thân của họ để lừa đảo chiếm đoạt tiền.
Họ bị lừa, bị chiếm đoạt số tiền đến hàng trăm triệu đồng
Tại cơ quan điều tra, Ngoan khai nhận: Do không có việc làm ổn định, lại mê cờ bạc (cá độ bóng đá) dẫn đến nợ nần không còn khả năng trả nợ.
Đầu năm 2016, Ngoan nảy sinh ý định lừa đảo chiếm đoạt tài sản của người khác. Để thực hiện, Ngoan gọi điện thoại vào số máy bàn của các bị hại, giả là người thân của các bị hại để lừa đảo, giả mượn tiền, chuyển vào các tài khoản do Ngoan chỉ định, sau đó rút chiếm đoạt.
Để thực hiện hành vi, Ngoan ra khu vực bến xe Miền Tây liên hệ một số cá nhân làm cò và mua bán dạo nơi đây (không biết tên họ và địa chỉ) mua các tài khoản thẻ ngân hàng với giá 1 triệu đồng/thẻ.
Ngoan mua nhiều SIM điện thoại, thẻ ngân hàng để phục vụ cho việc lừa đảo
Song song đó, Ngoan mua những tờ rơi có in số điện thoại bàn, tên, địa chỉ của một số cá nhân đăng ký thuê bao và mua nhiều SIM rác điện thoại di động. Sau khi chuẩn bị đầy đủ phương tiện lừa đảo, từ tháng 4 đến ngày 20-6-2016, Ngoan đã thực hiện lừa đảo trót lọt nhiều người, chiếm đoạt số tiền trên 1 tỉ đồng để trả nợ và tiêu xài cá nhân.
Ngoài ra, Ngoan khai còn thực hiện lừa đảo chiếm đoạt tài sản của nhiều người khác bằng thủ đoạn như trên nhưng hiện tại không nhớ hết.
Để tránh cơ quan điều tra truy bắt, sau khi sử dụng SIM điện thoại lừa đảo xong Ngoan bẻ SIM vứt bỏ. Sau khi biết mình bị phát hiện, Ngoan bỏ trốn nhưng bị bắt. “Tôi chỉ một mình thực hiện hành vi lừa đảo và gọi theo số ngẫu nhiên” - Ngoan nói.
Theo một cán bộ điều tra, đây là một thủ đoạn mới, nạn nhân Ngoan nhắm đến thường là những người có tuổi, có người thân ở nước ngoài. Qua trao đổi điện thoại, nếu nạn nhân tiết lộ thông tin có người quen ở nước ngoài là Ngoan nắm lấy để khai thác, lừa đảo.