Để đảm bảo an toàn giao thông (ATGT) và giảm ô nhiễm môi trường, TP Hà Nội đã đề xuất lộ trình từ 1-7-2018 đến 31-12-2019, TP sẽ thu hồi, loại bỏ xe máy cũ nát, không đảm bảo tiêu chuẩn kỹ thuật, tiêu chuẩn khí thải.
Nghiên cứu niên hạn xe máy để thu hồi
Trước vấn đề này, trước đây trao đổi với Pháp Luật TP.HCM, ông Khuất Việt Hùng, Phó Chủ tịch chuyên trách Ủy ban ATGT Quốc gia, cho rằng việc thu hồi xe máy hết niên hạn và không đảm bảo tiêu chuẩn kỹ thuật là chính đáng.
Tuy nhiên, ông Hùng nhấn mạnh: “Hiện nay cần hiểu rằng xe máy quá đát là xe không đủ điều kiện tham gia giao thông chứ không phải là hết ngày, hết giờ, hết niên hạn. Phương tiện có thể cũ nhưng điều kiện an toàn kỹ thuật vẫn đảm bảo thì vẫn có thể được vận hành”.
Ông Vũ Văn Viện, Giám đốc Sở GTVT TP Hà Nội, cho biết thêm Sở đang phối hợp với Bộ GTVT tiếp tục nghiên cứu trình Thủ tướng ban hành tiêu chuẩn khí thải và niên hạn sử dụng xe máy để thu hồi dần xe máy cũ nát, xe máy không đảm bảo điều kiện, gây ô nhiễm môi trường. Khi Thủ tướng có quyết định, việc thu hồi xe máy cũ nát có thể sẽ được thực hiện từ 1-1-2018. Trước mắt, Sở GTVT sẽ thống kê rà soát tất cả số lượng xe hiện có theo từng địa bàn dân cư để có thể quản lý và đề xuất chính sách.
Xe máy cũ nát chạy trên đường phố Hà Nội. Ảnh: T.PHAN
Thu hồi ngay xe tự chế, xe không đăng ký
Ông Nguyễn Hữu Trí, Phó Cục trưởng Cục Đăng kiểm Việt Nam (Bộ GTVT), cũng cho biết đối với xe máy, hiện nay mới kiểm tra chất lượng trong sản xuất, lắp ráp để đưa ra thị trường tiêu thụ, chưa có kiểm tra định kỳ, tiêu chuẩn về chất lượng xe máy đang tham gia giao thông. Khi có chủ trương thông qua việc xây dựng tiêu chuẩn, quy chuẩn và kiểm tra định kỳ đối với xe máy, đơn vị sẽ tiến hành các bước xây dựng văn bản pháp luật nhằm sàng lọc, xác định xe nào hết đát để thu hồi.
Theo ông Nguyễn Hữu Trí, hiện thế giới đang dùng các hàng rào kỹ thuật, tức là đưa ra tiêu chuẩn, quy chuẩn môi trường để xử lý xe hết đát. Ví dụ xe “cổ” nhưng được chăm sóc tốt, người dân thực hiện cải tạo động cơ mới đảm bảo theo quy định của pháp luật thì không thể thu hồi. Tuy nhiên, có những phương tiện niên hạn còn mới nhưng do chủ sử dụng không chăm sóc, bảo dưỡng, khai thác kiệt quệ, khí thải không đảm bảo quy định thì cần buộc dừng vận hành để người dân đi bảo dưỡng, sửa chữa...
“Cũng có một số nước nới lỏng một chút là xe không đảm bảo chất lượng khí thải thì chủ xe phải nộp thuế cao, đến mức không chạy được thì thôi. Riêng Hong Kong, người ta chia ra ba loại, khu trung tâm xe yêu cầu chất lượng khí thải phải đảm bảo cực tốt, vùng giáp ranh yêu cầu tốt, vùng ngoại ô thì gần tốt. Như vậy, Hà Nội có bốn quận trung tâm, chúng ta có thể áp dụng biện pháp tương tự...” - ông Trí nói.
“Nhưng trước tiên việc Hà Nội phải làm là rà soát thu hồi các xe tự chế, xe không đăng ký. Những xe này không đủ điều kiện tham gia giao thông, tuy nhiên số lượng lại ngày càng tăng và gây mất ATGT... Cộng vào đó là xây dựng các tiêu chuẩn, quy chuẩn để loại bỏ dần theo lộ trình, như năm đầu loại bỏ những xe có tiêu chuẩn thấp hoặc quá cũ, sau đó nâng dần lên sẽ đạt được mục tiêu đề ra...” - ông Trí đề xuất.
Phát triển giao thông công cộng tiến tới cấm xe máy Để quản lý giao thông, Sở GTVT TP Hà Nội sẽ phát triển giao thông công cộng, giảm dần phương tiện giao thông cá nhân trên một số tuyến đường. Ngoài ra, các tuyến đường có phương tiện giao thông công cộng tốt sẽ dừng một số loại phương tiện lưu thông. Hiện nay trên tuyến đường có hành lang xe buýt nhanh (BRT), Sở thực hiện dừng hoạt động của taxi. Khi dừng hoạt động của taxi thì thấy rằng phương tiện giao thông công cộng đáp ứng được một phần. Do đó, những tuyến giao thông công cộng tốt thì có thể dừng hoạt động của xe máy. Chúng tôi sẽ mở rộng dần khu vực để tạo thói quen cho người dân đỡ phụ thuộc nhiều vào xe máy, giảm dần nhu cầu tương ứng với phát triển hệ thống vận tải hành khách công cộng. Đến thời điểm năm 2030, khả năng tiếp cận với hệ thống giao thông công cộng đáp ứng 80% trong khu vực nội đô thì đến lúc đó sẽ dừng hoạt động của xe máy. Với liệu trình 13 năm, chúng tôi hy vọng bản thân người dân sẽ thay đổi được thói quen, các doanh nghiệp cũng sẽ thay đổi được thói quen đi lại để chúng ta có được cơ sở hạ tầng tốt thì sẽ dừng hoạt động của xe máy... Ông Vũ Văn Viện, Giám đốc Sở GTVT TP Hà Nội ____________________________ Cục CSGT (Bộ Công an) cho biết hiện Hà Nội có 5,2 triệu xe máy, 10.686 xe máy điện, 30 mô tô ba bánh được cấp đăng ký và 4.367 mô tô ba, bốn bánh tự chế (không được cấp đăng ký). Trong đó có gần nửa số lượng xe máy đã sử dụng lâu năm, nhiều xe sản xuất từ những năm 1980, 1990 vẫn đang tham gia giao thông. |