Hội đồng Bảo an LHQ thông qua dự thảo nghị quyết đầu tiên về Myanmar

(PLO)- Hội đồng Bảo an LHQ đã thông qua dự thảo nghị quyết về Myanmar, yêu cầu chấm dứt xung đột và hối thúc chính quyền quân sự trả tự do cho tất cả tù nhân chính trị, bao gồm bà Aung San Suu Kyi.
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Ngày 21-12, Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc (HĐBA LHQ) đã thông qua dự thảo nghị quyết về Myanmar, yêu cầu chấm dứt xung đột và hối thúc chính quyền quân sự trả tự do cho tất cả tù nhân chính trị, bao gồm cựu Cố vấn Nhà nước Aung San Suu Kyi, theo hãng tin Reuters.

Với 12 phiếu thuận và 3 phiếu trắng (của Trung Quốc, Nga và Ấn Độ), dự thảo nghị quyết đã được thông qua.

Nghị quyết bày tỏ “mối quan ngại sâu sắc” trước tình trạng khẩn cấp tại Myanmar và “tác động nghiêm trọng” của nó đối với người dân nước này.

Nghị quyết kêu gọi “các hành động cụ thể ngay lập tức” để thực hiện tiến trình hòa bình do Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) đề xuất. Văn bản cũng kêu gọi “duy trì các thể chế và quy trình dân chủ, theo đuổi đối thoại và hòa giải mang tính xây dựng, phù hợp với ý chí và lợi ích của người dân”.

Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc bỏ phiếu thông qua dự thảo nghị quyết về Myanmar tại trụ sở LHQ ở thành phố New York (Mỹ) ngày 21-12. Ảnh: AFP

Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc bỏ phiếu thông qua dự thảo nghị quyết về Myanmar tại trụ sở LHQ ở thành phố New York (Mỹ) ngày 21-12. Ảnh: AFP

Đại sứ Myanmar tại LHQ Kyaw Moe Tun (đại diện cho chính phủ đã bị lật đổ của bà Suu Kyi) cho biết mặc dù có những yếu tố tích cực trong nghị quyết nhưng chính quyền dân sự mong muốn HĐBA xây dựng một văn bản mạnh mẽ hơn dựa trên nghị quyết này.

Chính quyền quân sự Myanmar chưa bình luận về nghị quyết của HĐBA.

HĐBA từ lâu đã có sự chia rẽ trong cách giải quyết khủng hoảng Myanmar do quan điểm khác biệt từ Trung Quốc và Nga.

Đại sứ Trung Quốc tại LHQ Trương Quân phát biểu sau cuộc bỏ phiếu: “Trung Quốc vẫn có những quan ngại. Không có giải pháp nhanh chóng cho vấn đề này. Về cơ bản, vấn đề có thể được giải quyết đúng đắn hay không phụ thuộc vào Myanmar”.

Ông cho biết Trung Quốc muốn HĐBA thông qua một tuyên bố chính thức chứ không phải một nghị quyết.

Đại sứ Nga tại LHQ Vassily Nebenzia cho biết Moscow không coi tình hình ở Myanmar là mối đe dọa đối với hòa bình và an ninh quốc tế, do đó HĐBA không nên can dự vấn đề này.

Nghị quyết ngày 21-12 là nghị quyết đầu tiên của HĐBA LHQ về Myanmar kể từ năm 1948. Nghị quyết năm 1948 đề nghị Đại hội đồng LHQ công nhận tư cách thành viên LHQ của Myanmar.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm