Chủ tịch UBND tỉnh Ninh Bình Đinh Văn Điến vừa có Thông báo số 28/TB-UBND ngày 8-6 kết luận về việc thanh tra những hoạt động xây dựng trái phép tại núi Cái Hạ - xã Trường Yên, huyện Hoa Lư (thuộc quần thể danh thắng Tràng An) và hoạt động kinh doanh du lịch, dịch vụ của Công ty Cổ phần Du lịch Tràng An.
Công trình xây dựng trái phép "Tràng An cổ". Ảnh: ĐỖ TẤN
Thông báo kết luận ghi rõ, núi Cái Hạ nằm trong vùng lõi quần thể danh thắng Tràng An là Di sản Văn hóa và thiên nhiên thế giới. Ông Nguyễn Văn Son, Giám đốc Công ty Cổ phần Du lịch Tràng An không được Nhà nước giao, cho thuê, sử dụng, đã ngang nhiên xây dựng công trình trái phép trên núi Cái Hạ từ ngày 14-8-2017 đến ngày 13-2-2018.
Quy mô xây dựng: Cầu bằng bê-tông lõi thép có chiều dài 510 m, rộng trung bình 1,4 m cùng một số hạng mục khác. Trong quá trình xây dựng, các cơ quan quản lý nhà nước đã kiểm tra, phát hiện và có nhiều văn bản xử lý vi phạm nhưng ông Nguyễn Văn Son không chấp hành.
Hành vi xây dựng trái phép của ông Nguyễn Văn Son đã vi phạm Điều 13 Luật Di sản văn hóa năm 2001; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều Luật Di sản văn hóa năm 2009; khoản 8 Điều 12 Luật Bảo vệ và phát triển rừng năm 2004; khoản 3 Điều 12 Luật Xây dựng; khoản 1 Điều 12 Luật Đất đai năm 2013 và Quyết định số 230/QĐ-TTg ngày 4-2-2016 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt quy hoạch chung xây dựng quần thể danh thắng Tràng An - Ninh Bình.
Việc công khai xây dựng trái phép trong thời gian dài của ông Nguyễn Văn Son không chấp hành các quyết định xử lý của cơ quan quản lý nhà nước các cấp ở tỉnh Ninh Bình, tạo dư luận xấu trong xã hội.
Ngoài ra, ông Nguyễn Văn Son còn có hành vi xây dựng trái phép trên diện tích đất không được Nhà nước giao quyền sử dụng đất. Hoạt động kinh doanh dịch vụ du lịch của ông Nguyễn Văn Son cũng có nhiều vi phạm pháp luật về Luật Doanh nghiệp và các quy định về tổ chức vận tải hành khách đường thủy nội địa, vi phạm pháp luật về quản lý du lịch và văn hóa, vi phạm về quản lý tài chính, thuế.
Kết luận thanh tra của UBND tỉnh Ninh Bình cũng chỉ rõ trách nhiệm của các cơ quan trực tiếp quản lý nhà nước ở địa phương để xảy ra vi phạm. Đó là, một số cơ quan quản lý nhà nước đã không thực hiện tốt chức năng nhiệm vụ được giao, buông lỏng việc quản lý đất đai, quản lý rừng, quản lý di sản, quản lý du lịch, quản lý văn hóa, quản lý xây dựng, quản lý doanh nghiệp, quản lý lao động, bảo hiểm xã hội.
Mặt khác, khi phát hiện vi phạm của doanh nghiệp, thiếu kiên quyết xử lý dứt điểm, quyết liệt, các cơ quan chưa phối hợp chặt chẽ, đồng bộ để ngăn chặn có hiệu quả dẫn đến doanh nghiệp vi phạm trong thời gian dài, công khai gây ảnh hưởng xấu đến hình ảnh di sản văn hóa và thiên nhiên thế giới.