Sau thời gian nghiên cứu về thị trường, công nghệ sản xuất cà phê hòa tan và các vấn đề liên quan đến dự án, Tổng Công ty Tín Nghĩa đã triển khai xây dựng “Nhà máy sản xuất cà phê hòa tan” vào quý 1-2017.
Qua gần hai năm thi công, lắp đặt máy móc thiết bị và chạy thử nghiệm, đến nay nhà máy chuẩn bị đi vào hoạt động với công suất là 3.200 tấn/năm. Đến cuối 2019, Nhà máy sẽ có công suất 5.000 tấn/năm và đến cuối năm 2021 sẽ là 10.000 tấn/năm với tổng vốn đầu tư cho các giai đoạn khoảng 100 triệu USD. Dự kiến lễ khánh thành “Nhà máy sản xuất cà phê hòa tan Tín Nghĩa” được tổ chức vào sáng 8-12-2018, tại đường số 1, KCN Nhơn Trạch 3 (GĐ 2), xã Hiệp Phước, huyện Nhơn Trạch, Đồng Nai.
Khu vực rang sấy của Nhà máy sản xuất cà phê hòa tan Tín Nghĩa
Nhà máy được xây dựng trên diện tích 5,4 ha (KCN Nhơn Trạch 3), nằm trên tuyến đường 25C nối TP.HCM đi sân bay quốc tế Long Thành. Đây là một trong những khu công nghiệp chính của tỉnh Đồng Nai, nằm ở vị trí trung tâm của vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, là đầu mối quan trọng cho việc phát triển kinh tế, xã hội, giao thông của vùng và thành phố mới Nhơn Trạch.
Nhà máy sản xuất cà phê hòa tan hoạt động theo phương châm “Tín và Nghĩa”. “Tín” được thể hiện qua phong cách làm việc chuyên nghiệp, sự tôn trọng và thực hiện các giá trị, cam kết, luôn giữ uy tín trong mọi quan hệ giao dịch và hợp tác. “Nghĩa” là sự tận tâm, nghĩa tình, hướng tới những giá trị nhân văn và vì lợi ích của các bên.
Cà phê là mặt hàng nông sản xuất khẩu có ý nghĩa và tầm quan trọng đặc biệt, gắn liền với đời sống của hàng triệu người dân, đồng thời cũng gắn liền với sự nghiệp kinh doanh của hàng trăm doanh nghiệp. Cà phê đóng góp khoảng 2% GDP của cả nước, 30% GDP các tỉnh Tây Nguyên, tạo công ăn việc làm cho trên 2 triệu lao động trực tiếp và gián tiếp. Vụ 2017-2018, Việt Nam xuất khẩu khoảng 1,8 triệu tấn cà phê nhân với kim ngạch xuất khẩu đạt 3,5 tỉ USD. Tuy nhiên, gần 90% lượng cà phê xuất khẩu dưới dạng cà phê thô chưa qua chế biến, có giá trị thấp, ẩn chứa nhiều rủi ro và không có thương hiệu.
Vì tính chất quan trọng của cây cà phê nên vào năm 2016, Hiệp hội Cà phê Ca cao Việt nam đã lập đề án “Nâng cao năng lực cạnh tranh cà phê Việt Nam theo hướng nâng cao giá trị và phát triển bền vững”. Mục tiêu của đề án: “Ổn định diện tích trồng cà phê khoảng 600.000 ha, trong đó 80% diện tích áp dụng quy trình sản xuất cà phê bền vững, năng suất bình quân 2,7 tấn/ha. Đến năm 2020, tỉ lệ sản xuất cà phê hòa tan, cà phê rang xay đạt 25% sản lượng xuất khẩu; kim ngạch xuất khẩu hàng năm đạt 3,8-4,2 tỉ USD. Tầm nhìn đến năm 2030 là đa dạng hóa sản phẩm theo hướng chế biến sâu, kim ngạch xuất khẩu hằng năm đạt 5-6 tỉ USD”.
Mặc dù là nước xuất khẩu cà phê Robusta lớn nhất thế giới nhưng có khoảng 90% lượng cà phê của Việt Nam được các doanh nghiệp xuất khẩu ra nước ngoài dưới dạng cà phê thô, chưa qua chế biến, không có thương hiệu và giá trị thấp. Các số liệu gần đây cho thấy cà phê hòa tan chiếm 14% nhu cầu tiêu dùng cà phê trên thế giới và sẽ tiếp tục tăng trưởng trong thời gian tới.
Việt Nam đang có cơ hội trở thành quốc gia sản xuất cà phê hòa tan hàng đầu thế giới do sở hữu nguồn cà phê Robusta dồi dào. Hiện Việt Nam nằm trong Top 5 các nước xuất khẩu cà phê hòa tan lớn trên thế giới, sau Brazil, Indonesia, Malaysia và Ấn Độ. Bên cạnh yếu tố thuận lợi từ thị trường thế giới, cà phê hòa tan cũng được tại thị trường trong nước ưa chuộng do cuộc sống hiện đại khiến mọi người không còn nhiều thời gian thưởng thức cà phê pha phin truyền thống.
Đẩy mạnh sản xuất cà phê chế biến sâu, đặc biệt là cà phê hòa tan giúp nâng cao giá trị hạt cà phê xuất khẩu, củng cố vị thế thương hiệu cà phê Việt Nam trên thị trường quốc tế, giải quyết việc làm cho người lao động trong nước là nhiệm vụ quan trọng của các doanh nghiệp sản xuất kinh doanh mặt hàng cà phê tại Việt Nam.