“Khát” giữa thành phố du lịch

Nấu ăn bằng nước mặn

Từ cảng Cầu Đá (phường Vĩnh Nguyên) mất hơn 10 phút đi thuyền ra đảo Trí Nguyên. Tại đây, trước mắt chúng tôi là cảnh hàng chục phụ nữ, trẻ em vây quanh cái giếng cổ sâu gần 30 m kéo từng gầu nước lợ ít ỏi về dùng.

Ở đảo Trí Nguyên, gia đình nào cũng có 5-10 cái thùng để chứa nước. Toàn đảo có ba giếng cổ thì hai giếng đã bị nhiễm mặn, chỉ còn một giếng có thể tạm dùng để nấu ăn.

Hằng ngày mỗi gia đình phải cử một thành viên có nhiệm vụ đi lấy nước cho cả nhà từ cái giếng trên. Vì nước khan hiếm nên thời gian múc nước cũng được người dân trên đảo phân chia rõ ràng. Trung bình mỗi hộ mất 3-4 giờ đồng hồ để múc nước. Theo người dân ở đây, một năm chỉ có tháng 9, 10 và 11 là không thiếu nước do trời mưa nhiều, còn những tháng còn lại thì phải sống trong cảnh thiếu nước sinh hoạt trầm trọng.

Tình trạng trên càng trở nên gay gắt hơn đối với những hộ dân sống gần biển và trên phần cao của đảo. Phần lớn những hộ này phải mua nước ngọt của hai chủ thuyền chở từ đất liền ra bán với giá 80.000-150.000 đồng/m3. Ông Huỳnh Niên, một người dân trên đảo, nói: “Tính sơ sơ mỗi tháng gia đình tôi phải bỏ ra hơn 1 triệu đồng mua nước ngọt để sinh hoạt”.

Vẫn chưa có giải pháp

Theo tìm hiểu, ở đảo Trí Nguyên hiện nay các công trình thiết yếu như điện, hệ thống thu gom rác thải đều đã có, riêng chỉ có hệ thống nước sạch là chưa được đầu tư. “Bao đời nay chúng tôi phải sống trong tình trạng khát nước sạch. Chúng tôi nhiều lần kiến nghị các cấp chính quyền quan tâm đưa nước sạch ra đảo nhưng đến nay vẫn chưa có. Chúng tôi sẵn sàng đóng góp tiền của, sức lực để cùng chính quyền xây dựng, lắp đặt đường ống nước sạch ra đảo” - ông Huỳnh Niên nói.

Còn ông Nguyễn Mười, người chuyên chở nước sạch từ đất liền ra bán cho người dân ngoài đảo Trí Nguyên, cho biết mỗi ngày ông chở được năm chuyến với 50 m3 nước ra bán cho bà con. “Đây là nghề đem lại thu nhập cho gia đình tôi trong hơn 20 năm qua. Tuy nhiên, tôi cũng tha thiết mong chính quyền sớm đầu tư đường ống đưa nước sạch ra đảo. Còn gia đình tôi sẽ tìm hướng chuyển đổi sang công việc khác” - ông Mười nói.

Bà Võ Thị Lệ Chua, Chủ tịch UBND phường Vĩnh Nguyên, cho biết đảo Trí Nguyên trên 3.000 nhân khẩu. Cuộc sống của người dân ở đây chủ yếu dựa vào nghề đánh bắt, nuôi trồng thủy hải sản. Theo bà Chua, phường cũng đã kiến nghị lên UBND TP Nha Trang, UBND tỉnh nhưng đến nay vẫn chưa được. “Phường cũng rất mong thành phố, UBND tỉnh quan tâm đầu tư đưa nước sạch ra đảo Trí Nguyên, đáp ứng mong đợi của bà con bấy lâu nay” - bà Chua cho biết.

Được biết tại buổi làm việc với UBND phường Vĩnh Nguyên mới đây, ông Trần Sơn Hải - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa đã chỉ đạo cho UBND TP Nha Trang sớm tiến hành khảo sát và đưa ra phương án khả thi nhất để giải quyết tình trạng thiếu nước sinh hoạt cho người dân trên đảo Trí Nguyên… Đây có lẽ là tin vui nhất đối với bà con trên đảo này.

X.PHƯƠNG - N.VĂN

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm