Kiểm tra kỹ sữa Trung Quốc từ cửa khẩu

Hôm qua (19-9), Thứ trưởng Bộ Y tế Cao Minh Quang cho biết Bộ Y tế đã chỉ đạo Sở Y tế các địa phương thanh tra, kiểm tra vệ sinh an toàn thực phẩm. Tập trung chủ yếu là các cơ sở sản xuất các mặt hàng sữa không rõ nguồn gốc, không có hóa đơn, chứng từ mua hàng, ghi nhãn sai quy định hoặc không có nhãn hàng hóa.

Thứ trưởng yêu cầu các địa phương rà soát và tăng cường công tác thẩm định, đánh giá điều kiện cơ sở vật chất, trang thiết bị, con người... để cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện vệ sinh an toàn thực phẩm đối với các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm có nguy cơ cao, đặc biệt chú ý đến sữa nhập lậu từ các nước châu Á.

Không phát hiện sữa Tam Lộc

Cùng ngày, Phó Chánh thanh tra Bộ Y tế Bùi Đức Phong đã công bố kết quả kiểm tra đột xuất 21 cơ sở sản xuất, chế biến sữa trên địa bàn Hà Nội. Kết quả cho thấy không phát hiện có sản phẩm sữa Tam Lộc. Các sản phẩm sữa bày bán bảo đảm điều kiện vệ sinh và đều đã công bố tiêu chuẩn sản phẩm theo quy định.

Hai công ty chế biến sữa gồm Công ty cổ phần Sữa quốc tế tại Chương Mỹ và Công ty cổ phần Sữa Hà Nội tại Sóc Sơn đều thực hiện tương đối tốt các quy định về vệ sinh an toàn thực phẩm.

Tuy nhiên, thanh tra phát hiện nhiều ki-ốt ở chợ Đồng Xuân kinh doanh hàng thực phẩm, phụ gia thực phẩm Trung Quốc không có nhãn phụ bằng tiếng Việt. Hệ thống cống rãnh khu vực sân lò hơi của Công ty cổ phần Sữa Hà Nội chưa đảm bảo vệ sinh (nhiều đoạn nắp cống hở).

Chiều qua, PGS-TS Nguyễn Thị Lâm, Phó Viện trưởng Viện Dinh dưỡng quốc gia, cho biết đã có kết quả xét nghiệm 21 sản phẩm sữa của Bộ Y tế giao. Về chỉ tiêu hóa lý, vi sinh đều không phát hiện trường hợp bất thường. Hiện Viện mới có quy trình xét nghiệm độc tố melamine có trong sữa Tam Lộc (Trung Quốc) gây nên sỏi thận ở trẻ em nhưng chưa có mẫu độc chất để xét nghiệm.

Thứ trưởng Bộ Công thương Nguyễn Cẩm Tú, Phó Trưởng Ban chỉ đạo 127 trung ương, đã có chỉ đạo yêu cầu Ban chỉ đạo 127 các tỉnh, thành phố chủ động kiểm tra, kiểm soát thị trường để phát hiện, xử lý nghiêm các hành vi kinh doanh sản phẩm sữa không rõ nguồn gốc, sữa nhập lậu, sữa vi phạm nhãn hàng hóa, nhất là từ Trung Quốc.

Thứ trưởng Nguyễn Cẩm Tú cũng yêu cầu lực lượng công an, quản lý thị trường tập trung kiểm tra thị trường nội địa tại các chợ, trung tâm thương mại lớn. Đồng thời tại các tỉnh biên giới, lực lượng chức năng phải ngăn chặn và xử lý nghiêm các sản phẩm sữa giả, kém chất lượng của Trung Quốc ngay từ khu vực biên giới và cửa khẩu.

24 lô sữa nước bị nhiễm

Tại Trung Quốc, tối 18-9, Tổng cục Kiểm dịch-Kiểm nghiệm chất lượng quốc gia đã công bố kết quả kiểm tra sữa dạng nước của toàn bộ doanh nghiệp có sản xuất sản phẩm chế biến từ sữa. Trọng điểm kiểm tra là sữa dạng nước của các doanh nghiệp có thương hiệu, chiếm 70% thị phần ở Trung Quốc như Mingniu, Yili, Bright, Sanyuan, Nestcafe.

Kết quả kiểm tra như sau: 24 lô sản phẩm của ba tập đoàn Mengniu (khu tự trị Nội Mông), Yili và Quang Minh có nhiễm chất melamine. Trong hơn 900 lô sản phẩm của 408 doanh nghiệp khác không phát hiện có melamine.

Kết quả cụ thể như sau: Tập đoàn Mengniu: lấy mẫu 121 lô sản phẩm, trong đó 11 lô có melamine với hàm lượng 0,8-7 mg/kg; Tập đoàn Yili: lấy mẫu 81 lô sản phẩm, trong đó bảy lô nhiễm melamine 0,7-8,4 mg/kg; Công ty Quang Minh: lấy mẫu 93 lô sản phẩm, trong đó sáu lô nhiễm melamine 0,6-8,6 mg/kg.

Căn cứ vào kết quả trên, Tổng cục Công thương Trung Quốc đã thông báo khẩn cấp yêu cầu ngừng tiêu thụ và thu hồi toàn bộ sữa dạng nước bị nhiễm melamine của ba doanh nghiệp trên. Lãnh đạo Tập đoàn Mengniu và Tập đoàn Yili đã công khai xin lỗi người dân.

Ngày 18-9, Văn phòng Quốc hội Trung Quốc đã công bố thông báo hủy bỏ chế độ miễn kiểm tra chất lượng thực phẩm ban hành từ tháng 12-1999. Trước đó, Ủy ban Cải cách và phát triển quốc gia đã ra thông báo khẩn cấp yêu cầu các ban, ngành phải giám sát giá cả nhằm tránh hiện tượng tăng giá sữa gây lũng đoạn thị trường.

Vì gạo nhiễm mốc, bộ trưởng Nông nghiệp từ chức

Tại Nhật, hôm qua (19-9), Bộ trưởng Nông nghiệp Seiichi Ota tuyên bố với báo giới: “Tôi quyết định từ chức bộ trưởng vì gạo nhiễm độc đã gây ảnh hưởng xã hội nghiêm trọng”. Ông nhận lỗi đã không thực hiện các biện pháp cần thiết trong vụ Tập đoàn Mikasa Foods ở Osaka trộn gạo nhiễm nấm mốc và thuốc trừ sâu với gạo tốt bán ra thị trường, trong đó có cả trường học, bệnh viện.

Tập đoàn Mikasa Foods đã thừa nhận sai phạm hồi đầu tháng 9 (Báo Pháp Luật TP.HCM ngày 14-9 đã đưa tin). Bộ Nông nghiệp Nhật khi nhập gạo biết gạo kém phẩm chất nên lúc bán cho các công ty tư nhân có kèm theo điều kiện không được phân phối làm thực phẩm. Khi vụ vi phạm của Tập đoàn Mikasa Foods vỡ lở, Bộ trưởng Nông nghiệp Seiichi Ota lại khẳng định gạo xấu không gây hại cho sức khỏe và người tiêu dùng chỉ lo lắng quá đáng.

TNL

TỐ NHƯ - HỒNG ANH

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm