UBND tỉnh Kiên Giang vừa có công văn yêu cầu thủ trưởng các cơ quan và lãnh đạo các địa phương trong tỉnh thực hiện công tác phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao.
Theo đó, UBND tỉnh Kiên Giang yêu cầu các địa phương tuyên truyền, giáo dục cán bộ, công chức, viên chức, người lao động của đơn vị về phương thức, thủ đoạn lợi dụng không gian mạng để lừa đảo, chiếm đoạt tài sản và các biện pháp phòng ngừa. Không tham gia cá cược, đánh bạc trái phép dưới mọi hình thức, vay tiền trực tuyến qua App (phần mềm) cho vay không hợp pháp.
“Xem xét hình thức xử lý kỷ luật cán bộ, công chức, viên chức, người lao động đối với các trường hợp cá cược, đánh bạc trái phép; vay tiền trực tuyến gây ảnh hưởng đến hoạt động ổn định của cơ quan, tổ chức” - Công văn của UBND tỉnh Kiên Giang nhấn mạnh.
|
Theo báo cáo của Công an tỉnh Kiên Giang, sáu tháng đầu năm 2022 tội phạm lợi dụng không gian mạng xâm phạm trật tự xã hội trên địa bàn tỉnh diễn biến phức tạp.
Cụ thể, công an đã phát hiện hai kẻ giả danh cán bộ các cơ quan chức năng thông báo điều tra, từ đó nạn nhân lo sợ và chuyển tiền vào tài khoản do những kẻ này cung cấp rồi bị chiếm đoạt.
Cơ quan công an cũng phát hiện hai kẻ lập website giả mạo trang thương mại điện tử Shopee, tự xưng là nhân viên và sử dụng mạng xã hội lôi kéo nạn nhân làm cộng tác viên kinh doanh online. Những người này đã yêu cầu nạn nhân nạp tiền thực hiện nhiệm vụ thanh toán đơn hàng trước và được hưởng hoa hồng. Đến khi nạn nhân nạp số tiền lớn thì bị chiếm đoạt.
Ngoài ra, còn một số thủ đoạn khác như chiếm quyền tài khoản mạng xã hội (Zalo, Facebook), rồi giả mạo chủ tài khoản để nhắn tin mượn tiền và chiếm đoạt; lập website giả mạo giao diện trang web chính thức của ngân hàng cho vay vốn online; lôi kéo người cần vay chuyển tiền vào tài khoản ngân hàng do đối tượng cung cấp; lôi kéo nạn nhân chuyển khoản đầu tư giao dịch tiền ảo, chứng khoán do các đối tượng tự tạo lập sau đó gây lỗi để chiếm đoạt tiền...
Đối với các hình thức tổ chức đánh bạc và đánh bạc trực tuyến cơ quan chức năng cũng đã phát hiện hai vụ. Trong đó, người chơi bị lôi kéo đầu tư vào các sàn ngoại hối do các đối tượng tổ chức thiết lập...
Công an cũng phát hiện hai vụ có dấu hiệu cho vay lãi nặng với thủ đoạn quảng cáo cho người dân vay tiền trực tuyến qua các App trên điện thoại di động. Khi người vay không có khả năng chi trả, các đối tượng gọi điện, đăng hình ảnh xúc phạm danh dự, nhân phẩm của người vay, thậm chí đăng thông tin của bạn bè, người thân, đồng nghiệp trên mạng xã hội để khủng bố tinh thần, đe dọa tính mạng... gây áp lực để buộc người vay trả nợ.
Đáng chú ý, đã có trường hợp nạn nhân của các vụ lừa đảo, chiếm đoạt tài sản, đánh bạc, vay tiền qua App... là người công tác, làm việc trong các cơ quan, tổ chức trên địa bàn tỉnh.
Điển hình như vụ một cán bộ Văn phòng Huyện ủy huyện Kiên Lương vay tiền qua website. Sau đó, những người cho vay đã cắt ghép hình ảnh, xúc phạm lãnh đạo tỉnh, huyện và gia đình người vay... để gây áp lực buộc trả nợ.
Hay vụ một nhân viên hợp đồng của Bệnh viện Ung bướu tỉnh vay tiền qua App. Các đối tượng cho vay đã nhiều lần gọi điện thoại, nhắn tin cho Kế toán trưởng và lãnh đạo BV với từ ngữ, lời lẽ đe dọa, thô tục để gây áp lực buộc người này trả nợ.
Hay vụ nguyên Chủ tịch UBND xã Cửa Dương, TP Phú Quốc bị những kẻ giả danh Công an, Viện Kiểm sát lừa đảo chiếm đoạt 1,9 tỉ đồng.