Xe máy không đề được là một trong những hiện tượng phổ biến hiện nay, khi gặp trường hợp như vậy đã khiến người dùng rất bất tiện và không biết nguyên nhân vì sao. Đặc biệt, đối với những loại xe tay ga không được trang bị cần đạp ga, khi đó bắt buộc người dùng phải đẩy xe tới các cửa hàng sửa chữa, kiểm tra.
Vì sao xe máy không đề được ga?
Một trong những nguyên nhân dễ gặp nhất là do xe không được sử dụng trong một thời gian dài khiến cho lượng không khí trong bình xăng không được điều hòa, dẫn đến khó nổ máy. Đặc biệt, vào thời tiết mùa đông thường dễ có hiện tượng này.
Hiện nay, nhiều xe ga không được trang bị cần đạp ga.
Khi xe máy quá lâu không được bảo dưỡng ắc quy cũng sẽ dẫn đến hiện tượng không đề được ga hoặc tiếng ga bị yếu. Người dùng có thể cảm nhận được tiếng ga lịm dần hay khi dừng xe mấy giây tiếng ga không êm như bình thường, khi đó khả năng cao là ắc quy đã hết điện.
Một trường hợp khác cũng khiến cho ga không đề được là khi hệ thống điện của xe bị hư hỏng (ví dụ như bị chuột cắn). Khi đó, các hệ thống đèn báo sẽ không sáng, còi không kêu, nút khởi động cũng không còn tác dụng.
Ngoài ra, một số nguyên nhân khác khiến cho người dùng thường hay “dính” đó là quên gạt chân chống hoặc mực xăng đã hết cạn.
Cách xử lý khi xe ga không có cần đạp
Một trong những nguyên tắc ban đầu người dùng cần biết là phải bảo dưỡng định kỳ cho xe, thời gian khoảng 6 tháng/lần đối với xe sử dụng mức độ bình thường (chỉ di chuyển trong thành phố). Còn trường hợp, xe sử dụng đi đường xa cần được bảo dưỡng trong nhiều lần hơn với thời gian ngắn hơn.
Hoặc người dùng phải kiểm tra, thay thế bình ắc quy đã hết điện. Bình ắc quy có tác dụng như một nơi trữ điện cho xe, giúp xe có thể khởi động cũng như cung cấp nguồn điện cho các thiết bị trên xe như đèn, còi... Tình trạng xe hết bình thường xảy ra đối với những trường hợp như quên tắt khóa xe, bình ắc quy sử dụng quá lâu và chưa được thay thế (khoảng hai năm)...
Cần bảo dưỡng xe định kỳ để đảm bảo xe không bị "chết máy" giữa đường.
Đối với xe không có cần đạp khởi động, người dùng bắt buộc phải sạc lại bình ắc quy mới có thể khởi động xe được. Thời gian sạc bình khoảng từ 1 tiếng trở lên, nếu sạc đầy có thể lên đến 10 tiếng tùy theo cường độ dòng điện của bình.
Trong trường hợp cần di chuyển gấp, nếu người dùng biết cách xử lý có thể mượn bình ắc quy của xe khác đấu vào để khởi động. Khi động cơ xe đã được khởi động, có thể gỡ bình ắc quy hiện tại ra và lắp bình cũ vào. Cần lưu ý, khi tháo ắc quy cần tháo cọc âm (biểu tượng dấu "-") ra trước để tránh hiện tượng tạo tia lửa điện.
Và một điều lưu ý đối đặc biệt cho người dùng, đừng để bình xăng rơi vào trạng thái cạn kiệt. Vì khi đó sẽ ảnh hưởng đến các bộ phận động cơ của xe. Đồng thời đừng quên gạt chân chống cho việc đề ga khởi động.
Hiện nay, trên các dòng xe tay ga mới không được trang bị cần đạp nổ máy khiến cho người dùng bất tiện khi xử lý. Vì vậy, chủ xe cần nắm vững những nguyên tắc trên để đảm bảo không bị “chết máy” khi tham gia giao thông.
7 hạng mục cần bảo dưỡng định kỳ: · Theo tiêu chuẩn được khuyến nghị bởi các hãng xe tay ga thì người dùng nên thay dầu máy khoảng 1.000 – 1.500 km/lần. · Lưu ý thay dầu láp sau 3 – 5 lần thay dầu máy để đảm bảo điều kiện hoạt động của bộ phận này. Tương đương với khoảng 6.000 – 8.000 km/lần. · Thay dầu phanh, má phanh từ 15.000 – 20.000 km/lần. · Lọc gió quá bẩn, xe chạy yếu, không đốt hết nhiên liệu. Do đó, người dùng nên kiểm tra lọc gió và thay thế khoảng 10.000 km/lần. · Thay nước làm mát nên thay khoảng 10.000 km/lần. · Thay dây cu-roa khoảng 10.000 km/lần. · Bugi là bộ phận đánh lửa, giúp đốt cháy nhiên liệu, sinh công suất cho xe, người dùng cần lưu ý và thay thế theo định kỳ cho xe, chạy khoảng 10.000 – 12.000 km/lần. |