“Tình cảm đùm bọc, gắn bó tối lửa tắt đèn có nhau của bà con luôn khiến chúng tôi thấy thoải mái và hạnh phúc. Chúng tôi quyết định gắn bó với một nơi đáng sống như vậy dù nhà cửa còn hơi chật chội”.
Khu vực ngoại thành TP.HCM hiện có nhiều khu dân cư quy mô nhỏ, mới hình thành khoảng 10 năm nay. Mỗi khu dân cư có vài trăm hộ dân, chủ yếu từ các địa phương khác đến TP.HCM sinh sống và làm việc. Xen lẫn trong một TP náo nhiệt, những khu phố này có không gian khá yên ả, người dân sống đùm bọc, quan tâm lẫn nhau, tạo thành một cộng đồng gắn kết rất bền chặt.
Chẳng khác gì nông thôn
Chúng tôi ghé thăm nhà một người bạn tại tổ 7, khu phố 9, phường Trường Thọ, quận Thủ Đức đúng vào giờ cơm tối. Mọi người vừa ngồi vào bàn ăn thì nghe tiếng mấy người hàng xóm đi thể dục từ ngoài đường chào vọng vào, chẳng khác gì nếp sống làng xã ở nông thôn. Chị Nguyễn Thị Lan Anh, chủ nhà cho biết đó là việc rất bình thường ở khu phố này. Chị kể, vợ chồng chị mỗi khi đi công tác xa thường yên tâm giao nhà, giao con cho hàng xóm trông nom, chẳng khác mấy so với hồi còn ở nông thôn.
Một lễ cầu an do cư dân tổ 54B, khu phố 4, phường Tân Thới Nhất, quận 12 tổ chức. Ảnh: BCH
Khu phố này còn khá nhiều điều thú vị về tính cộng đồng, sự đoàn kết, chung sức chung lòng của 75 hộ dân vốn không cùng quê hương. Tận dụng những khoảng trống chưa có người ở, một số hộ dân vỡ đất, trồng rau và cả xóm cùng nhau chăm sóc, mỗi nhà đều có thể dùng rau như của chính nhà mình. Ngoài ra, trong khu phố còn nhiều lô đất trống, cây cỏ mọc um tùm gây mất vệ sinh, thế là các gia đình tự nguyện góp tiền mua luôn cái máy cắt cỏ và thường xuyên rủ nhau dọn dẹp vệ sinh.
Ông Nguyễn Thiên Tân, một trong những “già làng” của khu phố, cho biết: Cứ sau giờ tan sở, cánh đàn ông trong phố lại cùng ngồi trò chuyện, chia sẻ thông tin bên ấm trà, không phân biệt già trẻ, còn phụ nữ thì dắt con đi dạo quanh công viên. “Tuy khác thế hệ nhưng chúng tôi vẫn luôn tìm thấy tiếng nói chung. Người già thì không có cảm giác cô đơn, còn người trẻ cũng rất vui vẻ, thoải mái vì được ngồi “chiếu trên” với các cụ” - ông Tân hóm hỉnh.
Cả xóm cùng bắt trộm và chữa cháy
Khá nhiều lần gia đình bà Đặng Thị Thúy Ngần ở tổ 64, khu phố 4, phường Tân Quý, quận Tân Phú tính mua căn nhà mới rộng rãi hơn ở một khu vực khác. Thế nhưng sau cùng bà cũng không nỡ dứt đi vì tiếc tình làng nghĩa xóm đã gắn bó hơn chục năm trời. Bà Ngần kể, trong khu phố này mọi người có thể chia sẻ từng bát canh ngon, quan tâm đến nhau mỗi khi một nhà trong xóm có ma chay, cưới hỏi. “Tình cảm đùm bọc, gắn bó tối lửa tắt đèn có nhau của bà con luôn khiến chúng tôi thấy thoải mái và hạnh phúc. Chúng tôi quyết định gắn bó với một nơi đáng sống như vậy dù nhà cửa còn hơi chật chội” - bà Ngần chia sẻ.
Cũng như những khu phố tại quận Thủ Đức và Tân Phú, cư dân tổ 54B, khu phố 4, phường Tân Thới Nhất, quận 12 thường tổ chức cầu an cho toàn thể cư dân trong khu phố. Ông Phạm Phú Chín, tổ phó tổ 54B, cho biết nghi lễ này đã hình thành từ năm 2002 được tổ chức vào mùng 10 âm lịch hằng năm. Theo ông Chín, nghi lễ này luôn nhận được sự tham gia của tất cả các cư dân và trở thành một nét văn hóa đặc biệt trong khu phố.
Theo PGS-TS Nguyễn Minh Hòa, Trưởng bộ môn đô thị học, Trường ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn TP.HCM, các khu phố của những người dân nhập cư sống ổn định thường khả năng gắn kết cao và có xu hướng quan tâm, đùm bọc lẫn nhau. “Quan hệ cộng đồng theo kiểu làng xã như vậy giúp cho đời sống của người dân đô thị thêm phần ấm cúng. Đây là nếp sống văn hóa đẹp và nghĩa tình, cần duy trì và nhân rộng, nhất là trong bối cảnh đô thị hóa mạnh mẽ như hiện nay” - ông Hòa nói.
VIỆT HOA