Ông Lê Hà Ân, Phó Giám đốc Trung tâm Quản lý giao thông công cộng TP.HCM, cho biết ngoài việc chia nhỏ 71 tuyến thành 71 gói thầu nhằm tiếp cận khách hàng theo xu hướng bán lẻ, Trung tâm còn cho phép các chủ nhãn hàng được tham gia đấu giá nếu đủ điều kiện.
Trung tâm đã đưa ra nhiều phương án để tiếp cận khách hàng. Ảnh: ĐÀO TRANG.
Cụ thể, chủ các nhãn hàng tham gia đấu giá quảng cáo trên xe buýt phải có biên bản hoặc hợp đồng nguyên tắc với các đơn vị thi công quảng cáo. Các hãng được tham gia đấu thầu được coi là một phương án mở nhằm tiếp cận thị trường quảng cáo đối với các hãng, góp phần cứu vãn những lần đấu giá thất bại trước đó.
"Các hãng được tham gia đấu thầu trực tiếp thay vì mua lại quảng cáo của các công ty quảng cáo sẽ được mua với giá mềm hơn, ưu đãi hơn. Đây cũng là phương thức mới nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho các chủ nhãn hàng tham gia trực tiếp vào thị trường đấu giá này. Tôi tin chắc rằng lần đấu giá thứ 5 sẽ thành công", ông Lê Hà Ân nhấn mạnh.
Nếu đấu giá thành công thì gói thầu lần này thấp nhất là khoảng 550 triệu đồng/tuyến/năm, cao nhất là 5 tỉ đồng/tuyến/năm. Nếu kết quả đấu giá thành công với 1.152 xe buýt, ngân sách có thể thu về 135 tỉ đồng/năm.
Theo kế hoạch sẽ có 71 gói đấu giá, tương ứng với 71 tuyến xe buýt, mỗi gói là một tuyến xe buýt. Thời gian đấu giá diễn ra từ ngày 21-6 đến 18-7. Thời gian thực hiện hợp đồng cũng giải quyết linh động từ 6 tháng, 1 năm, 2 năm hoặc 3 năm do khách hàng tự lựa chọn Số tiền đặt cọc từ 5% đến 15%/gói thầu, tùy theo thời gian theo hợp đồng và một khách hàng có thể tham gia đấu thầu nhiều gói.