Một đám mây khí vô hình đang di chuyển với tốc độ khoảng 700.000 dặm một giờ, được cho là có khả năng gây ra một vụ va chạm với dải Thiên hà và giải phóng một lượng năng lượng đủ để tạo ra hơn 2 triệu ngôi sao mới.
Tuy vậy, các cư dân Trái đất hiện tại không cần lo lắng, vì dự kiến vụ va chạm sẽ xảy ra trong khoảng 30 triệu năm tới đây, theo một nghiên cứu được công bố trên tạp chí Journal Letters Astrophysical.
Đám mây này được nhà thiên văn học người Mỹ Gail P. Smith phát hiện vào năm 1963 và sau này mang tên ông. Kể từ đó, "Đám mây Smith" đã được Đài thiên văn Green Bank và kính viễn vọng Hubble theo dõi kỹ lưỡng.
Đám mây Smith qua phân tích của Kính thiên văn Hubble
Ước tính đám mây được hình thành ở vùng rìa dải Ngân hà, vào thời kỳ khoảng 70 triệu năm trước đây, khi khủng long bước đi trên Trái đất. Sau khi hình thành, đám mây đã bị thổi dạt ra khỏi dải Ngân hà rồi sau đó quay trở lại.
"Hành trình của đám mây cho chúng ta thấy dải Ngân hà có thể giải phóng khí ra ngoài nhưng cũng có thể hấp thụ khí vào." Andrew Fox, trưởng nhóm nghiên cứu tại Viện Khoa học Kính viễn vọng không gian ở Baltimore, Maryland, đã phác thảo chuyển động của khí và nhận thấy nhiều thay đổi đang liên tục xảy ra trong dải Ngân hà.
Bằng cách sử dụng kính viễn vọng Hubble, các nhà thiên văn đã nhận biết được thành phần hóa học của Đám mây Smith, với một lượng rất giàu lưu huỳnh, từ đó chỉ ra rằng đám mây đã được hình thành trong dải Ngân hà.
Theo các nhà thiên văn, đám khí dài khoảng 11.000 năm ánh sáng và rộng khoảng 2.500 năm ánh sáng. Nếu ta nhìn thấy được đám khí bằng mắt thường từ Trái đất, nó sẽ trải rộng trên bầu trời đêm ở một khoảng cách bằng 30 lần đường kính mặt trăng lúc tròn.
Dải Ngân hà chứa khoảng 100 tỉ mặt trời. Nếu đám mây va chạm với dải Ngân hà, một lượng năng lượng đủ lớn sẽ được giải phóng có khả năng tạo ra thêm 2 triệu ngôi sao mới.
"Dải Ngân hà đang xoay chuyển dòng khí thông qua các đám mây, mà đám mây Smith là một ví dụ và sẽ hình thành thêm nhiều ngôi sao ở các nơi khác", Fox cho biết.
Các nhà thiên văn học vẫn đang cố gắng tìm cách lý giải tại sao những đám mây bị đẩy dạt ra khỏi dải Ngân hà khi mới được hình thành.
"Một số tính toán lý thuyết cho thấy một vệ tinh vật chất tối có thể đã thu hút đám khí khi nó trôi ra khỏi Milky Way và và tạo ra hiện tượng này" Jay Lockman, một nhà thiên văn tại Đài quan sát Thiên văn Quốc gia (NRAO) cho biết.