Mỹ, Israel lo ngại tên lửa siêu vượt âm mới của Iran

(PLO)- Tên lửa siêu vượt âm mới của Iran đang khiến Mỹ, Israel cảnh giác và lo ngại khi được cho là có thể vô hiệu hóa tất cả hệ thống phòng thủ của hai nước này.
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Iran ngày 6-6 công bố tên lửa đạn đạo siêu vượt âm đầu tiên do nước này tự chế tạo, hãng Reuters đưa tin. Tên lửa mới mang tên Fattah được phía Iran tuyên bố là một sự “đột phá mang tính thế hệ” trong công nghệ tên lửa, có thể nhắm bắn các hệ thống phòng thủ tên lửa tiên tiến của đối phương. Mỹ và Israel đã nhanh chóng có phản ứng.

Tên lửa Iran đe dọa an ninh Israel

Tên lửa đạn đạo siêu vượt âm Fattah có tầm bắn 1.400 km (và có thể di chuyển với tốc độ cực nhanh lên đến Mach 15 - nhanh gấp 15 lần vận tốc âm thanh để đánh trúng mục tiêu, hãng tin Al Jazeera ghi nhận. Tên lửa Fattah sử dụng nhiên liệu đẩy rắn cho phép tên lửa có khả năng cơ động cao trong và ngoài bầu khí quyển.

Tên lửa đạn đạo siêu vượt âm Fattah của Iran có tầm bắn 1.400 km. Ảnh: AP

Tên lửa đạn đạo siêu vượt âm Fattah của Iran có tầm bắn 1.400 km. Ảnh: AP

Theo các lãnh đạo quân đội Iran, lợi thế này cho phép tên lửa Fattah qua mặt bất kỳ hệ thống phòng thủ tên lửa nào trên thế giới. Tên lửa Fattah sẽ đem tới khả năng răn đe mạnh mẽ hơn và “tất cả sự thật về sức mạnh của tên lửa Fattah sẽ được tiết lộ vào ngày mà tên lửa này được sử dụng”. Khi đó, “mọi sự nghi ngờ của phương Tây về trình độ phát triển tên lửa siêu vượt âm” của Iran sẽ được bác bỏ.

Al Jazeera nhận định Iran khi công bố tên lửa Fattah đã có sự kiềm chế khi không đe dọa trực tiếp đối thủ số 1 của mình là Israel, như những lần công bố tên lửa trước. Tuy nhiên, các dấu hiệu cho thấy Tehran ngấm ngầm muốn “khoe cơ bắp” với Tel Aviv vẫn hiện rõ.

Cụ thể, tầm bắn hiện tại của tên lửa Fattah đã gần bằng khoảng cách giữa hai thủ đô Tehran và Tel Aviv. Chỉ huy lực lượng hàng không vũ trụ của quân đội Iran - ông Amir Ali Hajizadeh khẳng định trong tương lai sẽ còn những vũ khí siêu vượt âm với tầm bắn xa hơn nữa, lên tới 2.000 km.

Với tốc độ đã tuyên bố, về mặt lý thuyết, tên lửa Fattah có thể tiếp cận các mục tiêu của Israel trong vòng chưa đầy 7 phút. Truyền thông Israel tập trung thông tin rất kỹ về chi tiết “tên lửa siêu vượt âm của Iran có thể vươn tới Israel chỉ trong 400 giây”. Các hệ thống phòng không của Israel do đó sẽ không có nhiều thời gian để phát hiện và đánh chặn, ngay cả đối với hệ thống phòng thủ Vòm Sắt nổi tiếng.

Vũ khí siêu vượt âm, bay với tốc độ tối thiểu gấp năm lần tốc độ âm thanh, được cho sẽ đặt ra những thách thức quan trọng đối với các hệ thống phòng thủ tên lửa vì tốc độ và khả năng cơ động. Mỹ và TQ đang là hai nước đi đầu phát triển loại vũ khí này. Trong khi đó, Nga tuyên bố đã đưa vũ khí siêu vượt âm vào chiến đấu tại Ukraine.

Mỹ, Israel phản ứng ra sao?

Trước thông tin Iran công bố tên lửa đạn đạo siêu vượt âm Fattah, phát ngôn viên Hội đồng An ninh quốc gia Mỹ John Kirby khẳng định quan điểm của Mỹ rất rõ ràng là kiên quyết chống lại các hoạt động gây bất ổn của Iran trong khu vực, bao gồm cả việc phát triển một chương trình tên lửa đạn đạo cải tiến mới.

Ngay trong ngày Iran công bố tên lửa Fattah, Bộ Tài chính Mỹ công bố gói trừng phạt áp lên 10 cá nhân và thực thể Trung Quốc (TQ), Iran bị Mỹ cáo buộc giúp mua các bộ phận và công nghệ cho các đơn vị chủ chốt chịu trách nhiệm phát triển tên lửa đạn đạo của Iran.

Trong danh sách trừng phạt của Mỹ có Tùy viên quốc phòng của Iran tại TQ Davoud Damghani, theo Reuters. Ông này bị cáo buộc điều phối các hoạt động mua sắm liên quan đến thiết bị quân sự từ TQ cho Iran, bao gồm các công ty con của Bộ Quốc phòng và Hậu cần quân đội Iran. Thứ trưởng Tài chính Mỹ Brian Nelson khẳng định “Mỹ sẽ tiếp tục nhắm mục tiêu vào các mạng lưới thu mua xuyên quốc gia bất hợp pháp hỗ trợ ngầm cho việc sản xuất tên lửa đạn đạo và các chương trình quân sự khác của Iran”.

Về phía Israel, Bộ trưởng Quốc phòng Yoav Gallant tự tin Israel luôn có biện pháp phản ứng vượt trội hơn tên lửa siêu vượt âm Fattah của Iran, dù trong phòng thủ hay tấn công, theo tờ The Times of Israel. Ông Gallant khẳng định “quân đội Israel đủ sức bảo vệ người dân Israel và giáng đòn mạnh vào đối phương nếu họ phát động cuộc chiến nhằm vào chúng tôi”.

Dù vậy, giới chuyên gia vẫn đặt câu hỏi liệu Vòm Sắt của Israel có đủ khả năng chống lại tên lửa Fattah không, khi chính quân đội Israel từng nhiều lần thừa nhận chưa có hệ thống nào có khả năng đánh chặn được tên lửa siêu vượt âm như vậy?

Ngay sau khi Iran công bố tên lửa Fattah, Bộ Chỉ huy phía Bắc của quân đội Israel đã tổ chức liên tiếp hai cuộc diễn tập cấp sư đoàn. Các cuộc diễn tập có kịch bản không quân mở các đợt tập kích chiến lược vào sâu trong lãnh thổ đối phương trong chiến tranh tổng lực, cùng các đợt tấn công và phòng thủ giả định của hải quân.•

Iran tự chế tạo vận tải cơ mới

Không chỉ tên lửa siêu vượt âm, Iran cũng nỗ lực tự chế tạo vận tải cơ mới để tránh phụ thuộc vào công nghệ Mỹ. Công ty sản xuất máy bay Iran (HESA) mới đây công bố mẫu vận tải cơ dùng cánh quạt Simorgh và đã thực hiện thành công chuyến bay đầu tiên, theo trang tin Militay Watch.

Theo các đánh giá do HESA công bố, Simorgh là máy bay vận tải hiệu quả bởi sự linh hoạt, trọng lượng nhẹ và sức chứa hàng hóa lớn, cũng như khả năng thích ứng với điều kiện thời tiết khắc nghiệt của Iran.

Máy bay Simorgh dự kiến ​​sẽ thay thế cho những máy bay vận tải C-130 mua từ Mỹ trong thế kỷ trước. Hiện tại, C-130 vẫn đang là phương tiện vận chuyển chính của không quân Iran. Simorgh có thể được sử dụng cho mục đích dân sự ở chính Iran cũng như ở nước ngoài, giống như C-130 được nhiều quốc gia khai thác cho mục đích dân sự.

Vẫn chưa rõ máy bay Simorgh sẽ được sản xuất ở quy mô nào, mức độ cạnh tranh của nó về chi phí vận hành so với các đối thủ nước ngoài ra sao và liệu nó có được phép phục vụ ngoài Lực lượng Không quân Iran hay không?

Sự xuất hiện của Simorgh cho thấy sức mạnh của nền công nghiệp quốc phòng Iran, mặc dù chịu nhiều cấm vận và khó khăn nhưng nước này vẫn có thể làm nên những điều bất ngờ.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm