Ngày 23-4, Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo đã có phiên họp trực tuyến với những người đồng cấp ASEAN-Mỹ về tình hình đại dịch COVID-19 cũng như những căng thẳng gần đây với Trung Quốc trên biển Đông, theo hãng tin AP.
Về những động thái của Bắc Kinh, Ngoại trưởng Mike Pompeo khẳng định ngay cả khi đang ứng phó với đại dịch COVID-19, khối ASEAN vẫn cần hết sức lưu ý rằng những "mối đe dọa an ninh dài hạn" khác vẫn chưa hề biến mất.
"Thực tế, những mối đe dọa đó đã trở nên rõ ràng hơn. Bắc Kinh đã có những bước đi tận dụng việc thế giới đang mất tập trung vì đại dịch COVID-19 để đơn phương thành lập các quận đảo tại các đảo và vùng biển đang tranh chấp, bên cạnh việc đâm chìm một tàu cá Việt Nam vào đầu tháng này và xây dựng các 'trạm nghiên cứu' trái phép trên đá Chữ Thập và đá Subi (thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam - PV)" - ông Pompeo nhấn mạnh.
Phiên họp trực tuyến ngày 23-4 giữa Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo (hàng dưới cùng, thứ hai từ trái sang). Ảnh do Bộ Ngoại giao Singapore cung cấp.
Người đứng đầu Bộ Ngoại giao Mỹ cũng cáo buộc Trung Quốc tiếp tục điều động thêm lực lượng dân quân biển và các tàu thăm dò địa chất để dọa nạt các nước trong khu vực thực hiện các hoạt động khai thác, thăm dò dầu khí.
"Chúng ta cần nhận thức rõ ràng là Trung Quốc đang lợi dụng việc thế giới tập trung vào cuộc khủng hoảng COVID-19 để thực hiện những hành động mang tính khiêu khích. Trung Quốc đang sử dụng sức mạnh quân sự để cưỡng ép các nước đang có tranh chấp chủ quyền biển Đông, thậm chí không ngần ngại đâm chìm tàu cá Việt Nam. Mỹ lên án mạnh mẽ hành vi bắt nạt của Trung Quốc và chúng tôi hy vọng các quốc gia khác sẽ cũng lên tiếng buộc Trung Quốc phải chịu trách nhiệm" - Ngoại trưởng Pompeo nói.
Về tình hình dịch COVID-19, ông Pompeo nhấn mạnh Mỹ trong thời gian tới sẽ tiếp tục hợp tác với ASEAN nhằm đẩy lùi đại dịch COVID-19 và cùng nhau thúc đẩy tăng trưởng kinh tế hậu đại dịch. Ông Pompeo cũng gửi lời cảm ơn tới các đối tác ASEAN vì những hỗ trợ có thiện chí.
Đơn cử, Việt Nam đã hỗ trợ đơn giản hóa thủ tục thông quan cho các chuyến bay vận chuyển 2,2 triệu bộ quần áo bảo hộ cá nhân sang Mỹ và phía Mỹ trông đợi thêm nhiều chuyến hàng thiết bị bảo hộ cá nhân trong thời gian tới. Malaysia cũng hỗ trợ vận chuyển hơn 1,3 triệu kg găng tay cho các nhân viên y tế Mỹ trong khi Campuchia được cảm ơn vì đã hỗ trợ đưa công dân Mỹ về nước từ du thuyền Westerdam.
"Đến nay, Mỹ đã hỗ trợ hơn 35,3 triệu USD cho các khoản tài trợ y tế khẩn cấp để giúp các nước ASEAN ứng phó với COVID-19, nối tiếp các khoản tài trợ cho y tế cộng đồng với tổng giá trị 3,5 tỉ USD dành cho toàn khu vực ASEAN trong 20 năm qua" - Ngoại trưởng Pompeo tuyên bố.
Quan chức này cũng thông báo thành lập một dự án mới là Sáng kiến Tương lai Y tế Mỹ-ASEAN để tăng cường hợp tác hai bên trong đào tạo chuyên viên thuộc lĩnh vực an ninh y tế thông qua các hoạt động nghiên cứu, hỗ trợ y tế cộng đồng.
Cuối cùng, ông Pompeo cho biết phía Mỹ đang hết sức quan ngại về các báo cáo cho thấy việc Bắc Kinh vận hành các đập ở thượng nguồn đang biến đổi dòng chảy của sông MeKong. Hành động này đang đặt 60 triệu người sống nhờ vào dòng sông này vào tình thế nguy hiểm.