Trong đó, có hai yếu tố thiên về dương là “thử và hỏa”. Thử thường chủ về mùa hè, khí trời oi bức, gây các chứng bệnh như sốt, viêm nhiễm do nhiệt. Hỏa có thể xuất hiện ở tất cả tạng phủ. Hỏa cao quá mức có thể gây sốt và các chứng viêm nhiệt ở phần trên như viêm loét lưỡi, miệng, sưng lợi, mắt đỏ, huyết áp cao.
Để giải quyết cái nóng, nên uống nhiều nước, ăn thêm các loại canh rau có vị đắng như rau má, khổ qua, rau đắng, bồ ngót, sâm đất… Uống nước sắc hoặc các loại trà thảo dược thiên nhiên để thanh nhiệt, mát gan. Y học cổ truyền thường chia thành năm nhóm chính:
- Thanh nhiệt giải thử: gồm các cây cỏ như bạc hà, lá dâu, lá sen, dưa hấu, dưa tây, các loại đậu, lá sương sâm, sương sáo, rong biển, sắn dây, hương nhu… nấu lấy nước uống, có tác dụng làm mát cơ thể, hạ sốt.
- Thanh nhiệt giáng hỏa: gồm cúc hoa, dành dành, tri mẫu, hạ khô thảo, trúc diệp, lô căn (rễ sậy), hạt sen… chữa sốt cao, hoa mắt, huyết áp cao.
- Thanh nhiệt táo thấp: gồm hoàng cầm, hoàng liên, hoàng bá, khổ sâm, râu mèo… giúp giải nhiệt độc cơ thể, chống nhiễm trùng, hạ sốt, dùng chữa viêm gan mật, đau mắt đỏ, kiết lỵ, nhiễm trùng ruột.
- Thanh nhiệt giải độc: gồm kim ngân, liên kiều, sài đất, bồ công anh, thổ phục linh, mã đề… có tác dụng kháng sinh, kháng viêm; trừ ung nhọt, lở loét, nhiễm trùng, viêm nhiễm, đau nhức, ghẻ lở, mụn nhọt.
- Thanh nhiệt lương huyết: gồm cỏ tranh, cỏ mực, râu bắp, huyền sâm, sinh địa, đơn bì, long đởm… giúp mát huyết, tiểu nhiều, hỗ trợ trường hợp sốt, chảy máu cam, khử các loại độc ở ngũ tạng.
Sử dụng các thảo dược có vị đắng, tính mát (hoặc lạnh) có tác dụng giải nhiệt, dưỡng âm sinh tân, nhuận tràng, giải độc, mát gan (như kim ngân, sài đất, cỏ mực, cúc hoa, sắn dây, huyền sâm, sinh địa, rau má, cỏ tranh, mã đề, râu bắp, râu mèo, rong biển...); có thể phối hợp 5-6 vị thành một bài, liều lượng từ 10-12 g (khô) hoặc 30-50 g (tươi) cho mỗi loại, nấu với 1 lít nước, đun còn khoảng 500 ml, uống trong ngày. Tuy nhiên, hạn chế sử dụng đối với những trường hợp già yếu, suy thận, huyết áp thấp; trẻ dưới năm tuổi, trẻ hiếu động đổ nhiều mồ hôi hoặc trẻ hay đổ mồ hôi trộm, trẻ đang tiêu chảy. Người tì vị hư hàn hay lạnh bụng, đi cầu, phụ nữ đang có thai hoặc đang hành kinh không nên dùng.
Lưu ý, khi uống nước mát cần thay đổi liều lượng theo thời tiết. Khi hết bệnh thì ngưng, không nên dùng thường xuyên mỗi ngày vì sẽ sinh tiêu chảy và rối loạn tiêu hóa.
DS LÊ KIM PHỤNG