Hãng tin TASS (Nga) ngày 30-12 dẫn lời Ngoại trưởng Nga Sergey Lavrov cho biết nước này sẵn sàng soạn thảo một “phương trình an ninh” mới trong các cuộc đàm phán với Mỹ, trong đó sẽ tính đến tất cả các yếu tố ổn định chiến lược.
Trả lời phỏng vấn TASS, ông Lavrov cho biết: "Khi tình hình toàn cầu tiếp tục xấu đi, chúng tôi muốn Nga và Mỹ chịu trách nhiệm đặc biệt trong việc duy trì an ninh quốc tế, ngồi vào bàn đàm phán để đưa ra một 'phương trình an ninh' mới, trong đó sẽ tính đến tất cả các yếu tố ổn định chiến lược và công nghệ quân sự hiện đại".
Ông Lavrov nhấn mạnh rằng Nga đang đợi chính quyền mới của Mỹ xác định cách tiếp cận đối với tương lai của Hiệp ước cắt giảm vũ khí tấn công chiến lược giai đoạn 3 (New START) và các cuộc đàm phán kiểm soát vũ khí nói chung.
Ngoại trưởng Nga Sergey Lavrov. Ảnh: TASS
"New START vẫn là công cụ luật quốc tế cuối cùng để cùng hạn chế tiềm năng tên lửa hạt nhân của hai cường quốc hạt nhân lớn nhất thế giới và làm cho các hoạt động trong lĩnh vực này có thể dự đoán và kiểm chứng được" – ông Lavrov nói.
"Tôi lưu ý rằng hiệp ước sẽ hết hạn vào tháng 2-2021. Chúng tôi đã nhiều lần bày tỏ sự sẵn sàng gia hạn hiệp ước này mà không có bất kỳ điều kiện tiên quyết nào, cứ để nguyên như vậy, lên đến năm năm. Điều này sẽ giúp duy trì mức độ minh bạch hiện tại trong mối quan hệ chiến lược với Mỹ".
Trước đó, TASS dẫn tuyên bố của Đại sứ quán Nga tại Mỹ hôm 23-12 cho biết Nga kêu gọi Mỹ sử dụng thời gian ít ỏi còn lại và gia hạn New START vì lợi ích của cả hai quốc gia và toàn thế giới.
“Chúng tôi kêu gọi phía Mỹ tận dụng chút thời gian còn lại tới ngày 5-2-2021 để cứu New START vì lợi ích của cả hai nước và toàn thế giới” – tuyên bố của Đại sứ quán Nga tại Mỹ viết.
Moscow nhiều lần kêu gọi Washington nhanh chóng quyết định có gia hạn New START hay không. Nga mô tả hiệp ước cơ bản này là tiêu chuẩn vàng trong kiểm soát vũ khí.
Trước đó, chính quyền Tổng thống Mỹ Donald Trump đề nghị gia hạn New START phải có Trung Quốc tham gia. Tuy nhiên, Bắc Kinh phản đối ý tưởng này. Tổng thống đắc cử Mỹ Joe Biden đã công khai ủng hộ việc gia hạn New START khi còn tranh cử tổng thống.
Nhiều chuyên gia lo ngại sự sụp đổ của New START có khả năng dọn đường cho một cuộc chạy đua vũ trang mới và làm gia tăng căng thẳng Mỹ - Nga vốn đã ở mức tồi tệ kể từ khi Chiến tranh Lạnh kết thúc năm 1991.
New START chính thức có hiệu lực năm 2011, có thể được gia hạn tối đa năm năm.