Ngày đẫm máu ở Ukraine

Sau nhiều tuần yên ả, bạo lực đã bùng phát trở lại ở Ukraine. Ngày 18-2 (giờ địa phương) là ngày đẫm máu nhất ở Ukraine từ khi bắt đầu làn sóng phản đối Tổng thống Viktor Yanukovych từ chối ký hiệp định liên kết với EU vào tháng 11-2013. Reuters nhận định có thể đây là ngày đẫm máu nhất từ khi Ukraine tuyên bố độc lập vào năm 1991.

Tại thủ đô Kiev, trong khi Quốc hội đang xem xét sửa đổi hiến pháp nhằm hạn chế quyền hạn của tổng thống, phe đối lập đã tổ chức biểu tình gần tòa nhà Quốc hội để gây sức ép với các nghị sĩ.

Một số phần tử quá khích ném đá vào cảnh sát. Cảnh sát trả đũa bằng hơi cay, lựu đạn gây choáng và đạn cao su. Những người biểu tình đốt xe tải. Tổ chức cực hữu Praviy Sektor (cánh hữu) kêu gọi người có vũ khí đối đầu với cảnh sát.

Đêm 18-2, vài giờ sau khi Hội đồng An ninh quốc gia ra tối hậu thư sẽ sử dụng biện pháp mạnh đối với những người biểu tình đang chiếm cứ quảng trường Độc Lập, cảnh sát bắt đầu tấn công.

Quang cảnh quảng trường Độc Lập ở Kiev như bãi chiến trường. Ảnh: WASHINGTON POST 

Ba xe bọc thép trang bị vòi rồng tiến vào quảng trường. Đi đầu là lực lượng đặc nhiệm chống bạo động, kế đến là cảnh sát. Cảnh sát bắn hơi cay và lựu đạn gây choáng. Những người biểu tình chống trả bằng bom xăng, pháo, gạch đá.

Quang cảnh quảng trường như bãi chiến trường. Khói lửa bao trùm trong mớ hỗn độn chướng ngại vật.

Rạng sáng 19-2, cảnh sát bắn cấp tập lựu đạn cay và lựu đạn gây choáng để mở màn cho đợt tấn công mới. Lều trại của những người biểu tình cháy ngùn ngụt.

Những người biểu tình đốt vỏ xe lập bức tường lửa ngăn chặn cảnh sát. Sau hàng rào lửa là phòng tuyến gồm những người đội mũ trùm đầu, trang bị gậy gộc và khiên.

Nửa đêm 18-2, Tổng thống Viktor Yanukovych đã phát biểu với quốc dân đồng bào. Ông khẳng định sẽ truy tố các lãnh đạo biểu tình đã vượt quá giới hạn khi kêu gọi cầm súng tiếm quyền. Viện trưởng Viện Công tố tối cao Viktor Pshonka tuyên bố người kích động và chỉ đạo bạo động trong ngày 18-2 sẽ bị trừng phạt nghiêm khắc nhất.

Tổng Thư ký LHQ Ban Ki-moon đã kêu gọi kiềm chế và thiết lập đối thoại thực sự ở Ukraine. Cao ủy đối ngoại EU Catherine Ashton tuyên bố lo ngại tình hình leo thang ở Ukraine. Pháp tố cáo Ukraine sử dụng bạo lực không cân xứng. Đức kêu gọi EU cấm vận đối với các nhà lãnh đạo Ukraine.

Nhà Trắng tuyên bố Mỹ bị sốc với bạo lực xảy ra ở Ukraine và kêu gọi Tổng thống Viktor Yanukovych nối lại đàm phán với phe đối lập. Phó Tổng thống Joe Biden đã điện đàm và đề nghị tổng thống Ukraine rút cảnh sát khỏi đường phố Kiev. Ông ghi nhận Mỹ lên án bạo lực bất kể xuất phát từ bên nào và đặc biệt chính phủ Ukraine phải có trách nhiệm xoa dịu tình hình.

Không riêng gì thủ đô Kiev, làn sóng chống đối xuất hiện ở nhiều địa phương. Tại Ternopil, những người biểu tình ném chai xăng đốt trụ sở cảnh sát. Tại Ivano-Frankivsk, 50 người biểu tình chiếm văn phòng chính quyền địa phương.

Đêm 18-2 ở Lviv, những người biểu tình tấn công tòa thị chính và trụ sở cảnh sát, đồng thời ném chai xăng đốt nhà cửa quân đội. Khoảng 5.000 người chiếm các kho vũ khí.

HOÀNG DUY

Ngày 18-2, Bộ Ngoại giao Nga ra thông cáo nêu rõ: “Các biến cố đang diễn ra là hậu quả trực tiếp của thái độ chiều chuộng mà giới chính trị phương Tây và các thể chế châu Âu thể hiện từ đầu khủng hoảng. Đó là nhắm mắt trước hành động hung hăng của các lực lượng cực đoan ở Ukraine, khuyến khích chúng leo thang và khiêu khích chính quyền hợp pháp. Một lần nữa chúng tôi kêu gọi phe đối lập Ukraine ngừng đe dọa, ngừng đưa ra tối hậu thư và đàm phán xây dựng với chính quyền để tìm lối ra cho khủng hoảng sâu sắc”.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm