Nghĩ từ sân vận động Mỹ Đình

Khỏi nói không khí hân hoan, cuồng nhiệt của hơn bốn vạn khán giả ngồi chật kín các khán đài lần đầu tiên được chứng kiến tận mắt các cầu thủ của một đội bóng hàng đầu xứ sương mù thi đấu trên sân cỏ nước nhà. Khỏi nói một trận đá bóng đẹp mắt, không khách sáo, dẫu tỉ số có là 7-1 nghiêng về đội bạn nhưng vẫn khiến người xem được vui thích vì sự nhiệt tình cống hiến của cả hai đội. Khỏi nói về tình cảm lưu luyến của người hâm mộ Việt Nam đối với đội Arsenal lần đầu du đấu đến dải đất hình chữ S để lại và mang về nhiều ấn tượng tốt đẹp không chỉ là từ bóng đá. Điều tôi muốn nói chính là cái sân Mỹ Đình với những bất cập khó tin đã có ngay từ ngày đầu làm sân mà cho đến nay vẫn không được khắc phục.

Sân vận động quốc gia Mỹ Đình được đầu tư xây dựng năm 2003 để phục vụ cho SEA Games 22 tổ chức ở nước ta. Hôm khánh thành sân có trận đấu bóng đá giữa đội tuyển Việt Nam và đội Thân Hoa (Thượng Hải, Trung Quốc). Tôi có mặt hôm đó. Trong niềm vui thấy một sân vận động hoành tráng chứa được bốn vạn người thay thế cho sân Hàng Đẫy nhỏ hẹp, tôi đã nhận ra mấy điều khó chịu. Sau này nhiều lần ra sân xem các trận đấu của các đội trong nước cũng như với các đội nước ngoài, tôi càng khó chịu hơn vì những cái mình đã thấy bất cập mà cứ y nguyên. Đó là màn hình điện tử trông thô kệch và nhỏ so với không gian sân. Hồi đầu thì nó còn hiện đồng hồ, còn có chiếu cảnh hai đội ra sân, còn phát lại những pha bóng ghi bàn, đến nay thì cái màn hình đó chỉ làm mỗi việc là hiện tỉ số. Đây không phải trục trặc của màn hình mà là lỗi của con người, của cơ quan quản lý sân. Họ không cho chiếu những cái cần chiếu lên màn hình để người đến sân được xem. Cho nên ở trận Việt Nam - Arsenal, tôi cũng như rất nhiều khán giả sau khi ồ lên trước mỗi bàn thắng rồi nhìn lên màn hình mong được thấy hiện ra tên cầu thủ ghi bàn, được xem đoạn phát lại ngay cảnh ghi bàn nhưng đều thất vọng vì không có. Việc phát như thế là điều bình thường, có thể xem là sơ đẳng trong thời đại điện tử ngày nay, vậy mà ở sân vận động quốc gia lớn nhất nước ta thì không có. Tiếp đến nữa là hệ thống loa phóng thanh. Loa chỉ lắp đặt ở khán đài A, âm thanh kém lại bị nuốt đi trong biển sóng tiếng người hò reo vang động cả một không gian rộng lớn nên người ngồi ở các khán đài B, C, D hầu như không nghe rõ được gì từ phát biểu của các quan chức đến việc xướng tên cầu thủ ra sân hoặc ghi bàn. Chỉ có việc đơn giản là cải tiến hệ thống loa, lắp thêm sang khán đài B mà cũng không ai làm. Tôi không nói thêm ở đây cảnh cho người vào xem quá số lượng trong sân, đứng tràn cả bậc đi lại giữa các hàng ghế khiến nhiều người như tôi có vé hẳn hoi mà cũng đành phải đứng lên mới xem được quang cảnh toàn sân đấu. Tôi cũng chưa nói đến cảnh vứt rác bừa bãi khắp ngoài sân, biến toàn bộ ngoại cảnh sân thành một bãi rác nhếch nhác, bẩn thỉu, không thể nào trông được.

Tôi nói những cái chưa được của sân Mỹ Đình là để nói ý thức trách nhiệm của những người quản lý sân, rộng ra là của những người làm việc vì dân. Mà không riêng gì một cái sân vận động này. Nhà văn hóa thôn Đồng Táng (xã Đồng Chúc, huyện Thạch Thất, Hà Nội) với dãy nhà hai tầng khang trang có đủ các phòng chức năng hiện đại và sân chơi nhưng xây xong bảy năm vẫn bỏ hoang, cho đến bây giờ đã bị xuống cấp nghiêm trọng. Dân thiếu chỗ sinh hoạt vui chơi, nhà bỏ hoang phế, báo chí lên tiếng nhưng các cấp chính quyền vẫn không ngó ngàng đến. Mãi gần đây đài VTV làm một phóng sự phát đi thì chính quyền huyện, xã mới vội vàng có động thái vớt vát. Tại sao cứ phải đến khi bị phê phán, bị phơi bày lên các phương tiện truyền thông đại chúng, những người có trách nhiệm mới ra tay? Họ không thấy hay không muốn thấy những sự việc, hiện tượng ngang trái, bất cập sờ sờ trước mặt? Như thế là họ làm việc quản lý chính quyền mà không xuất phát từ dân, cho dân. Như vụ quy định cộng điểm thi ĐH cho bà mẹ Việt Nam anh hùng vừa rồi của Bộ GD&ĐT thật nực cười ra nước mắt, bị dư luận phản ứng mạnh buộc Bộ phải ra chỉ thị hủy bỏ. Thật đau lòng và phẫn nộ trước một kiểu thi hành công quyền như vậy.

Chỉ cần những người có trách nhiệm trước dân luôn đặt mình vào vị trí người dân thì họ sẽ biết phải làm gì cho dân. Những kiểu chỉ thị, quy định “trời ơi đất hỡi” như vừa qua của các bộ, ngành phải được chấm dứt. Các công trình phúc lợi cho dân phải luôn được sửa sang, chăm lo một cách tốt nhất cho người sử dụng.

PHẠM XUÂN NGUYÊN

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm