Indonesia đã tăng cường năng lực kiểm tra sàng lọc và xét nghiệm cho người nghi nhiễm COVID-19 nhưng chỉ giới hạn xét nghiệm đối với các trường hợp được bác sĩ chỉ định, trang tin Channel News Asia ngày 19-3 đưa tin.
"Chúng tôi biết rằng nhiều ngày qua đã có sự hoảng loạn khi mà mọi người đều muốn được xét nghiệm. Việc xét nghiệm COVID-19 chỉ có thể được tiến hành khi bác sĩ yêu cầu. Không phải ai cũng có thể yêu cầu xét nghiệm" - người phát ngôn chính phủ Indonesia - ông Achmad Yurianto nói.
Tuy nhiên, quy định này vô tình tạo ra sự hoang mang trong người dân khi nhiều người muốn lo lắng nhưng không thể xét nghiệm để chắc chắn mình có nhiễm COVID-19 hay không.
Người dân Indonesia trong một buổi cung cấp thông tin về dịch COVID-19. Ảnh: AFP
Tính đến hết ngày 18-3, Indonesia đã phát hiện 227 ca nhiễm COVID-19, trong đó có 19 trường hợp đã tử vong và 11 bệnh nhân đã được chữa khỏi.
Những người nghi nhiễm sẽ được xét nghiệm
Hôm 17-3, ông Yurianto thông báo rằng không phải ai cũng nên xét nghiệm COVID-19 và chỉ bác sĩ mới có thể đề xuất cho một bệnh nhân nào đó đi xét nghiệm.
Người phát ngôn chính phủ Indonesia kêu gọi người dân tự cách ly tại nhà nếu có các triệu chứng nhẹ và không nên hoảng loạn hay đến các bệnh viện một cách vội vàng, thay vào đó hãy thực hiện tốt các biện pháp phòng dịch đã được khuyến cáo.
Ông Achmad Yurianto cho biết nước này đã chuẩn bị 10.000 bộ kít xét nghiệm và đã cấp phép cho 12 cơ sở được làm xét nghiệm COVID-19. Chỉ hai tuần trước, khi Indonesia phát hiện các ca bệnh đầu tiên, chỉ có một phòng thí nghiệm ở thủ đô Jakarta được phép xét nghiệm cho đối tượng nghi nhiễm.
Một bệnh viện ở Jakarta nói với Channel News Asia rằng chỉ những bệnh nhân có triệu chứng rõ ràng mới được xét nghiệm COVID-19.
Anh Fachri Muchtar, 21 tuổi, đã xuất hiện triệu chứng ho và khó thở sau khi tham gia một sự kiện đông người ở khu phố cổ Jakarta hồi đầu tháng 3.
Anh đến một cơ sở được chỉ định cho bệnh nhân COVID-19 ở Jakarta hôm 15-3 và ngay lập tức được chuyển đến phòng cấp cứu để xét nghiệm máu và chụp X-quang.
Cùng với năm người khác cũng có triệu chứng ho, anh được chuyển đến một phòng bệnh đã được khử trùng trong lúc chờ kết quả chẩn đoán ban đầu. Tối cùng ngày, các bác sĩ xác định anh Muchtar là đối tượng nghi nhiễm COVID-19.
Anh này cho biết căn phòng chỉ có ba giường bệnh, trong khi có tới sáu bệnh nhân. Anh đã phải ngồi trên một chiếc xe lăn trong phòng và chờ tới sáng hôm sau để làm xét nghiệm COVID-19.
Anh được lấy mẫu dịch từ mũi hai lần, vào ngày 16-3 và ngày 18-3, để xét nghiệm COVID-19.
Nhiều người khác lo lắng về sức khỏe của mình nên đã đến các bệnh viện được chính phủ liệt kê trong danh sách cơ sở điều trị COVID-19. Họ chỉ được kiểm tra triệu chứng, không được xét nghiệm và không được nhập viện.
Điều này khiến các bệnh nhân tiếp tục lo lắng vì cũng không thể khẳng định mình không nhiễm COVID-19.
Một phụ nữ 25 tuổi đã đến một bệnh viện ở Jakarta hôm 13-3 vì xuất hiện triệu chứng cảm cúm sau khi ở gần một bệnh nhân nghi nhiễm COVID-19 lúc người này được các nhân viên y tế trong bộ quần áo bảo hộ đưa đi. Tuy nhiên, cô không được xét nghiệm để xác nhận không nhiễm COVID-19.
"Dựa trên kết quả xét nghiệm máu và chụp X-quang, bác sĩ nói rằng tôi vẫn ổn. Trong khi nhẹ nhõm vì kết quả xét nghiệm cho thấy tôi vẫn ổn, tôi vẫn không tin chắc rằng mình hoàn toàn an toàn để có thể về nhà" - cô nói.
Nhân viên an ninh kiểm tra thân nhiệt cho một du khách tại một ga xe lửa ở Bắc Sumatra, Indonesia. Ảnh: AP
Cô Karoline Sinaga, 30 tuổi, bị sốt nhẹ sau khi trở về từ Hàn Quốc hồi cuối tháng 2. Cô đến bệnh viện hôm 3-2 nhưng chỉ xét nghiệm máu và chụp X-quang và được thông báo là các triệu chứng của COVID-19 ở cô là không rõ ràng.
"Tôi đã hỏi tại sao tôi không được xét nghiệm dịch đường hô hấp và họ trả lời rằng gói khám COVID-19 chỉ có những xét nghiệm này" - cô Sinaga nói.
Các bác sĩ yêu cầu cô về nhà theo dõi sức khỏe trong 14 ngày và trở lại bệnh viện nếu các triệu chứng nặng thêm.
Cách phản ứng của chính phủ có hợp lý?
Chuyên gia y tế Hasbullah Thabrany của Trung tâm nghiên cứu chính sách ThinkWell Global cho rằng quy định chỉ xét nghiệm bệnh phẩm đối với các ca nghi nhiễm COVID-19 là hợp lý.
Ông cho rằng việc xét nghiệm tất cả mọi người là không hiệu quả: "Chi phí sẽ đắt đỏ và có thể khiến những người có nguy cơ nhiễm bệnh cao không có khả năng xét nghiệm" bởi vì nguồn lực trong nước là hạn chế.
Tuy nhiên, những lo lắng của người dân ngày càng nghiêm trọng hơn khi họ cho rằng chính phủ đã thiếu minh bạch khi công bố số ca nhiễm và ca tử vong, cũng như thông tin về quy trình khám bệnh liên quan đến dịch COVID-19.
Cô Sinaga cho biết các tiêu chí xét nghiệm COVID-19 không được chính phủ công bố công khai. "Dễ hiểu (cho việc người dân đang bối rối - PV) vì chính phủ chưa cung cấp thông tin chính xác cho công chúng về thủ tục và chi phí" khám bệnh cho các ca nhiễm COVID-19.
Bệnh nhân nữ phía trên có tổng chi phí khám bệnh là 650.000 rupiah (gần 945.000 đồng), trong khi chi phí khám bệnh của cô Sinaga là 1,4 triệu rupiah (khoảng 2.035.000 đồng).
Còn anh Muchtar, dù được xét nghiệm COVID-19, cũng cho rằng chính phủ và các cơ sở y tế ở nước này đã thiếu minh bạch về tình hình dịch bệnh và thiếu hoạt động điều phối hiệu quả để phản ứng với dịch bệnh.
"Trong suy nghĩ của tôi, điều này thực sự tạo ra sự hoảng loạn bởi vì các thông tin được công bố là khó hiểu" - anh Muchtar nói.
Tính đến trưa 19-3, Indonesia là quốc gia Đông Nam Á có số người tử vong vì COVID-19 cao nhất, cao hơn nhiều ổ dịch của khu vực là Malaysia (790 ca nhiễm và 2 trường hợp tử vong).
Toàn thế giới đã có gần 210.800 ca nhiễm COVID-19, 8.843 ca tử vong và 84.215 bệnh nhân đã được chữa khỏi, theo báo South China Morning Post.