Nguy cơ châu Phi bị 'quá tải' khi đại dịch COVID-19 lan rộng

Giới chức y tế thế giới dự báo đến hết tháng 4-2020, châu Phi sẽ có hơn 10.000 ca nhiễm COVID-19 vì châu lục đang thiếu hụt lớn lượng máy trợ thở và các vật tư y tế quan trọng khác, hãng tin AP cho hay.

Theo Trung tâm kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh châu Phi (Africa CDC), tính đến ngày 2-4, 54 quốc gia châu Phi xác nhận 6.470 ca nhiễm COVID-19 với hơn 240 người thiệt mạng. Hiện 4 nước gồm Comoros, Lesotho, Sao Tome và Principe, Nam Sudan là chưa báo cáo về các ca nhiễm COVID-19.

“Châu Phi hiện có trên 6.000 ca nhiễm nhưng chỉ ở thời kỳ đầu của đợt bùng phát dịch bệnh, châu lục này cũng đang rất gần với thời điểm của bùng phát mạnh như ở châu Âu sau 40 ngày đầu tiên” -  Tiến sĩ John Nkengasong, Giám đốc Africa CDC nói.

Giám đốc Africa CDC -Tiến sĩ John Nkengasong. Ảnh: SABC NEWS

Ông Nkengasong khẳng định: “Virus SARS-CoV-2 là một mối đe dọa mang tính sống còn đối với lục địa của chúng ta. Sự lây lan dịch bệnh tại các địa phương, trong cộng đồng đã xuất hiện ở nhiều nơi”.

Lo ngại về hệ thống y tế tại Châu Phi

Các chuyên gia cảnh báo các hệ thống chăm sóc sức khỏe vốn “yếu đuối” ở các nước châu Phi có thể bị “quá tải” khi phải đối mặt với đại dịch COVID-19.

Một số quốc gia chỉ có một vài máy trợ thở, thậm chí như Cộng hòa Trung Phi chỉ có ba cái, theo hãng tin AP.

Ông Nkengasong cho biết nhà chức trách các nước đang gấp rút tìm kiếm các nguồn máy trợ thở cũng như đầu tư sản xuất và tái chế để đáp ứng nguồn thiếu hụt hiện nay.

Còn WHO hiện không biết toàn châu Phi có bao nhiêu máy trợ thở cho những người bị suy hô hấp nặng. Thông tin trên được Giám đốc khu vực châu Phi của WHO - Tiến sĩ Matshidiso Moeti cho biết với báo giới.

“Chúng tôi đang cố gắng tìm hiểu thông tin này từ các đồng nghiệp ở các nước. Chúng tôi có thể khẳng định mà không bất kỳ nghi ngờ nào rằng là có một khoảng cách rất lớn giữa nhu cầu và sự đáp ứng của trang thiết bị y tế” - bà Moeti nói.

Các bác sĩ tìm hiểu cách sử dụng thiết bị bảo hộ trước khi đến đến điều trị cho bệnh nhân COVID-19 tại Bệnh viện Quốc gia Kenyatta ở thủ đô Nairobi, Kenya hôm 2-4. Ảnh: AP

“Các quốc gia như Cameroon vừa mới bùng phát ngày 1-4, Bờ Biển Ngà, Burkina Faso cũng lên tiếng nói rằng họ đã hết kho dự trữ giường bệnh tại các bệnh viện” – TS Nkengasong nói.

Các quan chức y tế cũng lên tiếng kêu gọi các quốc gia giàu có hơn san sẻ, và trợ giúp các vật tư y tế thiết yếu cho châu Phi, trong đó có khẩu trang, dù rằng các cường quốc này vẫn đang chống chọi với COVID-19.

“Đã có rất nhiều thiện chí bày tỏ hỗ trợ châu Phi từ các đối tác song phương và đa phương, nhưng chúng ta muốn thấy điều đó thành hành động cụ thể” – ông Nkengasong nói thêm.

TS Meredith McMorrow tại Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Mỹ (CDC) nói với AP rằng hiện Mỹ vẫn đang phải vật lộn với dịch bệnh và khó có khả năng đáp ứng viện trợ ở nước ngoài ngay bây giờ.

Tuy nhiên, bà McMorrow cho rằng Mỹ vẫn đang giúp các quốc gia châu Phi mua sắm thiết bị từ các nước ngoài ở mức nhanh nhất có thể.

Một công nhân thành phố phun thuốc khử trùng tại một trường học để giúp ngăn chặn sự lây lan của COVID-19 ở thủ đô Dakar, Senegal. Ảnh: AP

Ngay cả tại Nam Phi - quốc gia phát triển nhất trên lục địa, nhà chức trách thừa nhận việc đánh giá số ca nhiễm COVID-19 cũng là một khó khăn bởi nước này vẫn còn rất nhiều hàng đống ca cần phải xét nghiệm nhưng chưa được thực hiện.

Các quốc gia khác phải chịu cũng chịu cảnh thiếu hụt bộ kit xét nghiệm và tăm bông lấy mẫu bệnh phẩm dù hồi tháng 2-2020, 43 quốc gia ở khu vực Hạ Sahara của Châu Phi đã được hỗ trợ để tiến hành xét nghiệm.

Phong tỏa đất nước, đi lại ở châu Phi gây không ít khó khăn

Nếu tiếp nhận trang thiết bị, việc đưa chúng đến các quốc gia châu Phi cũng là một thách thức bởi lệnh hạn chế đi lại tại châu lục này. Trước đó, một số quốc gia cũng đã có ngoại lệ đối với các chuyến bay khẩn cấp nhân đạo hay vận chuyển hàng hóa.

Việc nhiều quốc gia phong tỏa khiến hàng triệu người thu nhập thấp, những người phải ra ngoài mưu sinh hằng ngày, gặp không ít các khó khăn.

“Đó là một thách thức rất lớn. Ngoài ra, hàng trăm ngàn trẻ em cũng đã nghỉ học” – bà Moeti nói.

Những người vô gia cư bị dồn vào cách ly tại sân vận động Caledonia ở trung tâm Pretoria, Nam Phi hôm 2-4. Ảnh: AP

Vẫn còn quá sớm để nói về việc phong tỏa ở những quốc gia như Nam Phi có giảm các ca nhiễm bệnh xuống hay không.

Nhưng theo bà Moet, điều thấy rõ trước mắt là hàng trăm người vô gia cư (đa phần là người nghiện) bị dồn vào một sân vận động ở thủ đô Pretoria (Nam Phi) để cách ly. Tại đây, họ được ở trong các lều trú ẩn và được phát thuốc methadone. Thế nhưng khu vực này vẫn còn thiếu chất khử trùng, và xà phòng rửa tay.

“Đừng nên phong tỏa toàn bộ đất nước. Phong tỏa các thành phố hoặc cộng đồng sẽ giảm các tác động xã hội nếu dịch bệnh lây lan. Nhưng nếu sự lây lan dịch bệnh đang lan rộng trên toàn quốc, thì không còn lựa chọn nào cả” – TS Nkengasong nói.

Những người vô gia cư sống cách ly tại sân vận động Caledonia, Nam Phi, trong đó có nhiều người già. Ảnh: AP

Các chuyên gia y tế ở châu Phi đang tìm hiểu xem liệu các yếu tố như dân số trẻ (khoảng 70% người dân châu lục dưới 30 tuổi) có phải là một lợi thế của châu Phi để chống lại đại dịch hay không, cũng như các vấn đề sức khỏe phổ biến về suy dinh dưỡng, HIV, lao và sốt rét có thể ảnh hưởng đến khả năng miễn dịch của họ hay không.

“Nỗi lo lớn nhất của chúng tôi là các chương trình giải quyết những vấn đề lâu năm đó sẽ bị ảnh hưởng bởi những cuộc khủng hoảng hiện nay” - ông Nkengasong nói. “Thời gian để thực hiện cho các chương trình đó không phải là khi COVID kết thúc mà là bây giờ”.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm