Chưa đầy 40 tuổi, Nguyễn Đình Tú trước đó đã sở hữu tám tập truyện ngắn và sáu tiểu thuyết: Hồ sơ một tử tù (2002); Bên dòng Sầu Diện (2006); Nháp (2008); Phiên bản (2009), Kín (2010). Cuốn sách nào của anh cũng gây sốt trên thị trường.
Cuộc trình diễn tiểu thuyết gây ngạc nhiên
. Phóng viên: Để tiểu thuyết Hoang tâmthu hút bạn đọc và truyền thông đến vậy, hẳn là anh đã có chủ ý làm rất tốt công tác quảng bá?
+ Nhà vănNguyễn Đình Tú: Điều này không phải “hữu xạ tự nhiên hương” gì, mà hầu hết phóng viên chuyên viết về văn học ở hầu hết các tờ báo đều ít nhiều “âm thầm” dõi theo quá trình sáng tác của tôi. Mặt khác, lần ra sách này tôi đã cùng với nhà thơ Phan Huyền Thư trực tiếp làm một màn “trình diễn tiểu thuyết” trong buổi ra mắt sách tại Thư viện Hà Nội khiến các phương tiện thông tin đại chúng có vẻ ngạc nhiên và kết quả là sự ngạc nhiên ấy đã được đồng loạt thể hiện trên mặt báo, cả báo tiếng, báo hình lẫn báo giấy.
. Hoang tâmpha tạp trong đó chiến tranh, chém giết, huyền sử, kỳ bí, rạn nứt văn hóa, tồn vong sắc tộc trên nền suy tưởng xuyên không gian, thời gian... Tất cả là một bức tranh phản ánh những bất ổn của xã hội hiện đại, không biết anh muốn gửi thông điệp gì đến bạn đọc?
+ Có quá nhiều thông điệp mà diễn ngôn được ra đây thì tôi đã không cần phải dùng đến hơn 300 trang sách để chuyển tải điều mình muốn nói. Hãy cầm cuốn sách lên và đọc, thiết nghĩ mỗi người sẽ tự tìm thấy được thông điệp mà tác giả gửi tới cho riêng mình.
. Không chỉ Hồ sơ một tử tùđược chuyển thể thành hàng chục tập phim truyền hình đã chiếu trên VTV1, mới đây tiểu thuyết Phiên bảncủa anh cũng được đạo diễn Việt kiều Cường Ngô mua để làm phim điện ảnh. Theo anh đó là may mắn hay do tác phẩm của anh rất gần với khán giả?
+ Tôi nghĩ câu hỏi cũng đã là một phần của câu trả lời rồi.
Nhà văn Nguyễn Đình Tú (bìa trái) cùng nhà thơ - đạo diễn Phan Huyền Thư (bìa phải) biến buổi ra mắt tiểu thuyết Hoang tâm thành cuộc trình diễn tiểu thuyết.
Chỉ viết cái mà đời sống cần
. Trong thời buổi “văn chương rẻ như bèo” mà anh vẫn kiên trì một, hai năm lại cho ra đời một cuốn tiểu thuyết. Vậy chắc hẳn vì lòng đam mê hay còn lý do nào khác?
+ Thực ra cũng không đến nỗi “rẻ như bèo” vì thực tế tôi đang sống được nhờ một phần viết sách đấy chứ. Ngoài ra, văn chương còn mang lại cho tôi nhiều thứ, bạn đọc này, những hợp đồng chuyển thể này, những buổi mời thỉnh giảng, giao lưu, nói chuyện này, chưa kể những tòa soạn báo đặt bài, nhờ giữ chuyên trang, chuyên mục, cả những cuộc thi mời làm giám khảo... Như vậy nếu hết lòng với văn chương thì văn chương cũng cho ta đủ cơm áo để sống, viết và nuôi giữ tình yêu với cuộc đời này, đâu đến nỗi nào.
Tuy nhiên, mọi thứ sẽ không đủ níu kéo ta vào với những con chữ nếu không có sự đam mê. Trong vai trò người kể chuyện, tôi thấy hưng phấn và thú vị. Ngoài ra, nếu coi nhà tiểu thuyết giống như thầy phù thủy có thể tạo ra một thế giới hoang đường mê hoặc người đọc thì đó là một “trò chơi” không phải ai cũng tham gia được và nó rất hấp dẫn tôi.
. Phải nói thật, thời buổi công nghệ số như thế này, người đọc sách ngày một ít đi, nhất là tiểu thuyết. Vậy mà từ Hồ sơ một tử tùđến Nháp, Phiên bảnrồi Kíncứ sau khi phát hành đều được tái bản nhiều lần. Điều đó cho thấy anh đã rất thành công với việc giữ được một lượng độc giả trung thành với mình, liệu có bí quyết gì ở đây không?
+ Mỗi cuốn sách ra đời, tôi lại gặp những phản ứng trái chiều trong dư luận. Người thích thì thích đến mức làm cả thơ tặng tôi, người chê thì chê không tiếc lời, coi tôi là tác nhân góp phần làm cho giới trẻ ngày hôm nay trở nên hư hỏng. Nhưng cuối cùng thì dư luận vẫn chờ đợi tôi ra những cuốn sách mới. Chờ đợi để làm gì? Có thể để người chê thì tiếp tục chê, còn người khen thì tiếp tục khen. Nhưng chê hay hay khen thì rõ ràng vẫn có một lượng người chịu khó đọc những cuốn tiểu thuyết của tôi. Bằng chứng là các công ty sách luôn sẵn sàng ký hợp đồng nhận phát hành những tác phẩm của tôi khi nó còn ở dạng bản thảo. Như vậy có nghĩa là gì? Tôi chỉ có thể nói là tôi đang viết những điều mà đời sống cần.
. Xin cảm ơn anh.
Nhà văn Nguyễn Đức Thiện: Bày đủ món ngon cho bàn tiệc văn chương Sẽ thấy gì sau khi đọc Hoang tâm? Người bình thường bị hấp dẫn bởi những chuyện kỳ thú. Người thích cảm giác mạnh thì thỏa mãn trước những pha chết chóc, máu me, man rợ. Người có chút lãng mạn thì thấy sơn thủy hữu tình, cảm xúc yêu đương lai láng. Còn người có máu nghiên cứu thì ghi nhận về cách nhìn và thái độ của nhà văn về những trầm tích văn hóa. |
THẠCH MIÊN thực hiện