Nếu có dịp cầm trên tay những bản sách xưa của một số nhà xuất bản (NXB) in trước 1975 tại Sài Gòn, phần cuối trang ta thấy có ghi những dòng chữ ngắn như sau:
“… Do Cảo Thơm ấn hành lần thứ nhất, ngoài những bản thường có in thêm ba mươi bản đặc biệt trên giấy bạch vân ghi dấu riêng…”.
“… Ngoài những bản thường còn in thêm năm bản quý. Mỗi bản đều có triện son của tác giả…”.
“… Có in thêm năm bản trên giấy ngân nhũ đặc biệt mang chữ CT, L.N, VHV…100 bản trên giấy Bạch Ngọc đánh số từ Văn Tuyển 001 đến Văn Tuyển 100, tác giả dành riêng cho bạn hữu”.
Đây là một thái độ trân trọng của NXB đối với tác giả. Khi một quyển sách của mình được in ra và phát hành, các tác giả có trong tay những bản in đặc biệt để lưu trong tủ sách nhà mình cũng như để tặng bạn bè những bản sách quý mà chỉ có tác giả và những người thân mới có, không được bán trên thị trường. Những bản sách này còn được những người chơi sách săn lùng, mua lại khi có dịp đặc biệt, bất ngờ nào đó. Cho đến nay tôi được biết hầu như chưa có NXB nào khi in sách cho các tác giả đều có in thêm những bản sách đặc biệt như tôi vừa nêu kể trên. Ngay cả những tác giả đang dùng chữ hái tiền cho các NXB như Nguyễn Nhật Ánh, Tony Buổi Sáng, Nguyễn Ngọc Tư… ngoài những quyển sách bìa dày, bán giá cao thì cũng chưa được có những bản đặc biệt quý hiếm mà NXB in riêng dành riêng cho tác giả.
Chưa hết, có những NXB còn dám in lại những quyển sách của các tác giả tiền chiến như Nguyễn Tuân… bằng giấy croquis có vân mỏng khiến quyển sách trở nên dày và nặng hơn một quyển sách bình thường. Có những quyển sách khi in xong, các trang giấy chỉ được gấp lại chứ không xén. Mỗi khi người đọc xem đến trang nào thì tự rọc giấy, khá cầu kỳ. Tất nhiên những bản in dạng này giá cũng khá cao và chỉ dành riêng cho những người chơi sách.
Trong quyển Thú chơi sách của cụ Vương Hồng Sển tôi không thấy đề cập đến cách sưu tầm những quyển sách loại có ấn bản đặc biệt này. Có những người thích sưu tầm những bản sách có chữ ký, thủ bút của tác giả và cũng có những người thích sưu tầm những bản sách đặc biệt loại này nhưng hiện nay những dạng sách đặc biệt như tôi vừa nêu trên thuộc dạng hiếm và phải nói là không có. Tuy nhiên, nói đi thì cũng nói lại, in sách dạng này sẽ làm NXB hơi tốn kém và kén chọn khách hàng. Nhưng dầu sao tôi thấy các NXB cũng nên in một số bản đặc biệt cho các tác giả, chắc cũng chẳng tốn kém gì nhiều. Mặt khác, NXB vẫn có thể bán sách loại này với giá cao cho những nhà sưu tầm những bản sách đặc biệt trong cả nước. Biết đâu những bản sách đặc biệt hiếm này cũng thu về cho các NXB một số thu khá quan trọng khi biết đầu tư vào các nhà sưu tầm - vốn chẳng tiếc tiền khi tìm mua được những bản sách đặc biệt hiếm, có cả chữ ký của tác giả.
Đã qua thời kỳ sách in được bao cấp với những cuốn sách giấy vàng, ố, chữ in lem nhem. Sách bây giờ được in đẹp, giấy nhẹ tênh, cầm lên sướng cả tay. Các NXB đang đua nhau tìm các tác giả có những tác phẩm hay cũng như in, trình bày bìa làm sao cho đẹp. Thiết nghĩ các NXB cũng nên “mở lòng” mà có những bản in đặc biệt dành riêng cho tác giả - bây giờ chưa thấy quý nhưng một bản sách đặc biệt biết đâu sẽ là dấu ấn của NXB và tác giả để lại cho con cháu và hậu thế!