Nở rộ tình trạng tạo NFT từ hình ảnh người khác trái quy định

(PLO)-  Dù được người trong giới NFT đánh giá vì mục đích cho vui, việc tạo ra các NFT từ hình ảnh người khác khi chưa xin phép rồi đem bán cũng là vi phạm pháp luật.
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

NFT (Non-Fungible Token) được hiểu là một chứng chỉ xác thực kỹ thuật số không thể sao chép. Nó được lưu trữ trong một blockchain và được sử dụng để đại diện cho quyền sở hữu các loại hàng hóa điện tử của một chủ sở hữu tại một thời điểm.

Gần đây, NFT về hình ảnh của bà Nguyễn Phương Hằng, ông Trịnh Văn Quyết (Chủ tịch HĐQT CTCP Tập đoàn FLC) hay ông Đỗ Anh Dũng (Chủ tịch Tập đoàn Tân Hoàng Minh) được rao bán trên sàn giao dịch OpenSea.

Cụ thể, ảnh của bà Hằng có thể được bán với giá 9 ETH (một loại tiền ảo, tương đương hơn 651 triệu VNĐ). Nhiều người còn rao bán các hình ảnh của ông Dũng và ông Quyết với giá 20 ETH (hơn 1 tỷ đồng) trên sàn Opensea.

Trước đó, những hình ảnh của các nghệ sĩ nổi tiếng như Hoài Linh, Đàm Vĩnh Hưng… cũng xuất hiện trên sàn OpenSea với giá từ 6 triệu đồng lên đến hơn 4,93 tỷ đồng.

NFT hình ảnh của bà Phương Hằng được bán với giá hơn 650 triệu đồng trên nền tảng OpenSea. Ảnh: DH

NFT hình ảnh của bà Phương Hằng được bán với giá hơn 650 triệu đồng trên nền tảng OpenSea. Ảnh: DH

Theo anh Quân Nguyễn, nhà sáng lập VNAC (Vietnam NFT Artists & Collectors), các NFT kể trên không có xác nhận chủ sở hữu, chúng được bán với giá rất cao nhưng không có giá trị. “Những hình ảnh đó chỉ được tạo nên cho vui mà thôi”, anh nói thêm.

Thông thường, người mua NFT sẽ hướng đến độ hiếm và tính độc nhất của tác phẩm để lựa chọn giao dịch. Tuy nhiên, những hình ảnh kể trên có thể được tìm thấy với số lượng rất nhiều trên mạng internet nên hiện vẫn chưa có ai mua các NFT kể trên.

Mặc dù vậy, các vấn đề pháp lý về quyền hình ảnh, quyền sở hữu trí tuệ đối với tác phẩm vẫn cần được đặt ra. Bởi không chỉ là những hình ảnh dễ kiếm trên mạng nên không có người mua mà xa hơn là các tác phẩm hiếm cũng có thể bị rao bán.

Theo ThS Nguyễn Ngọc Phương Hồng, giảng viên khoa Luật, Đại học Kinh tế - Luật, ĐHQG TP.HCM: “Việc sử dụng hình ảnh của bất kỳ ai dù dưới hình thức nào cũng đều cần đến sự cho phép của người đó hay chủ sở hữu tấm ảnh. Không thể sử dụng một tấm ảnh và nói rằng chỉ dùng cho vui. Xét về góc độ pháp lý, điều đó là không được”.

Khi được hỏi về việc liệu người mua có chịu trách nhiệm gì nếu mua các tấm ảnh dưới dạng NFT kể trên hay không, ThS Phương Hồng cho rằng vấn đề pháp lý sẽ nằm giữa người làm ra NFT với chủ sở hữu quyền tác giả hoặc chủ sở hữu hình ảnh.

“Bởi vì chưa có một khung pháp lý để phân định rõ ràng giữa tác phẩm và NFT, NFT chỉ là một đường dẫn đến sự hiển thị của tác phẩm, nó không hề có mối liên quan đến với tác phẩm gốc. Sự vi phạm ở đây là sự vi phạm giữa tác phẩm gốc và bản hiển thị tác phẩm gốc”, ThS Hồng nói.

Ở thời điểm hiện tại, chưa có nhiều vụ kiện liên quan đến NFT xuất hiện ở Việt Nam. Tuy nhiên, trên thế giới, những vụ kiện giữa hãng Hermés với Mason Rothschild về những chiếc túi MetaBirkin, những vụ nghệ sĩ tố cáo bị mạo danh, bị sử dụng hình ảnh cá nhân để thu lợi nhuận trái phép trên các nền tảng giao dịch NFT đã diễn ra và chưa đi đến hồi kết.

Việc mua bán NFT tại thị trường Việt Nam đang trở nên nhộn nhịp hơn trong thời gian gần đây. Nhiều nghệ sĩ cũng bắt đầu đưa những sản phẩm của mình lên các nền tảng số. Chính vì vậy, những nhà làm luật Việt Nam cũng cần nghiên cứu để tạo ra hành lang pháp lý nhằm bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ của các tổ chức, cá nhân.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm