Nữ hoàng Elizabeth II - 'hòn đá tảng' của nước Anh đã ra đi

(PLO)- Nữ hoàng Elizabeth II - “hòn đá tảng” của nước Anh đã ra đi yên bình ở tuổi 96 sau hơn 70 năm trị vì. Thái tử Charles kế vị ngai vàng, trở thành Vua Charles III trong ngày đau buồn nhất cuộc đời.
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

18 giờ 30 ngày 8-9 (giờ địa phương), điện Buckingham thông báo Nữ hoàng Anh Elizabeth II “đã ra đi yên bình tại lâu đài Balmoral vào chiều nay”, theo tờ Guardian. Bà thọ 96 tuổi.

Bốn người con của Nữ hoàng gồm Thái tử Charles, Công chúa Anne, Hoàng tử Andrew và Hoàng tử Edward đã đến lâu đài Balmoral lúc bà lâm chung. Hai con trai của Thái tử Charles - Hoàng tử William và Hoàng tử Harry cũng kịp có mặt bên cạnh Nữ hoàng trước khi bà qua đời.

“Sự ra đi của người mẹ kính yêu, Nữ hoàng, là thời khắc đau buồn nhất đối với tôi và tất cả thành viên hoàng gia. Chúng tôi vô cùng thương tiếc sự ra đi của một vị nữ hoàng đáng kính và một người mẹ hết mực yêu thương. Tôi biết sự ra đi của bà sẽ được cảm nhận sâu sắc trên khắp đất nước, các vùng lãnh thổ và Khối Thịnh vượng chung cũng như rất nhiều người trên khắp thế giới” - Guardian dẫn lời thông báo của Thái tử Charles với toàn dân Anh và thế giới sau khi Nữ hoàng Elizabeth II qua đời.

Người dân Anh tập trung trước điện Bukingham tiếc thương Nữ hoàng Elizabeth II ngày 8-9. Ảnh: HENRY NICHOLLS/REUTERS

Người dân Anh tập trung trước điện Bukingham tiếc thương Nữ hoàng Elizabeth II ngày 8-9. Ảnh: HENRY NICHOLLS/REUTERS

Mất mát lớn với nước Anh

Thủ tướng Anh Liz Truss, người vừa được Nữ hoàng bổ nhiệm hôm 6-9, bày tỏ lòng thương tiếc rằng sự ra đi của Nữ hoàng là một cú sốc lớn đối với nước Anh và thế giới: “Nữ hoàng Elizabeth II là hòn đá tảng mà nước Anh hiện đại được xây dựng trên đó. Đất nước chúng ta đã phát triển và hưng thịnh dưới thời trị vì của bà. Nước Anh tuyệt vời như ngày hôm nay là nhờ vào Nữ hoàng”.

Nữ hoàng Elizabeth II là người trị vì nước Anh lâu hơn bất kỳ vị quân vương nào khác và được ngưỡng mộ là một nhân vật uy nghiêm, đáng tin cậy. Nước Anh trong thời gian bà trị vì nhiều lúc khó khăn để tìm chỗ đứng trong trật tự thế giới mới và Hoàng gia Anh đôi khi không đáp ứng sự kỳ vọng của công chúng nhưng bản thân Nữ hoàng vẫn luôn là một biểu tượng của sự ổn định.

Đài BBC ghi nhận rằng Nữ hoàng Elizabeth II là điểm tựa trong một thế giới thay đổi nhanh chóng: Vai trò của chế độ quân chủ bị nghi ngờ, xã hội thay đổi chóng mặt, ảnh hưởng của nước Anh suy giảm. Có thể nói Nữ hoàng được nhớ đến với những thành tựu đáng khâm phục: Khôi phục uy tín nền quân chủ và ảnh hưởng của nước Anh với thế giới.

Hãng tin Reuters cũng ghi nhận trong suốt 96 năm cuộc đời và 70 năm trị vì, thành tựu to lớn mà Nữ hoàng để lại là củng cố vị thế của nền quân chủ Anh trong nhiều thập niên đầy biến động chính trị, xã hội và văn hóa. Bà đã chèo lái thể chế quân chủ vào thời kỳ hiện đại, làm cho thể chế này cởi mở hơn và dễ tiếp cận hơn với công chúng. Chính cháu trai bà - Hoàng tử William từng chia sẻ trong một bộ phim tài liệu vào năm 2012 rằng “bà lãnh đạo để hiện đại hóa và phát triển chế độ quân chủ không giống nơi nào khác”.

Trong 70 năm bà trị vì, nước Anh đã trải qua nhiều thách thức và thay đổi đáng kể. Nước Anh dần trở thành một xã hội đa sắc tộc, mang tính quốc tế hơn nhiều và cũng phát triển thành một xã hội bình đẳng hơn. Cựu Thủ tướng Anh John Major từng ca ngợi Nữ hoàng Elizabeth II trong đại lễ thượng thọ 90 tuổi của bà rằng “bà thông minh, giàu lòng trắc ẩn, có cái nhìn sâu sắc cũng như có những đức tính điển hình và truyền thống”.

Với thế giới, trong thời gian ở cương vị nữ hoàng, bà công du nước ngoài nhiều hơn bất kỳ quốc vương nào trước đây, với hơn 250 chuyến thăm đến hơn 100 quốc gia. Sau chiến tranh vùng Vịnh năm 1991, Nữ hoàng thăm Mỹ và trở thành người đứng đầu Hoàng gia Anh đầu tiên phát biểu trước lưỡng viện Quốc hội Mỹ.

Quốc tang 10 ngày, Thái tử Charles kế vị

Nữ hoàng Elizabeth II và Thái tử Charles trong buổi khai mạc kỳ họp Quốc hội ở London (Anh) vào tháng 10-2019. Ảnh: GETTY IMAGES

Nữ hoàng Elizabeth II và Thái tử Charles trong buổi khai mạc kỳ họp Quốc hội ở London (Anh) vào tháng 10-2019. Ảnh: GETTY IMAGES

Theo Guardian, quan tài của Nữ hoàng Elizabeth II sẽ được đưa về cung điện Buckingham ở thủ đô London, sau đó được chuyển tới cung điện Westminster, tức tòa nhà Nghị viện Anh, để người dân viếng trong năm ngày.

Nước Anh và các quốc gia khác trong Khối Thịnh vượng chung mà Nữ hoàng Elizabeth II là nguyên thủ sẽ tuyên bố quốc tang trong 10 ngày. Thông tin chi tiết về lễ tang cấp quốc gia sẽ được công bố chi tiết sau khi nhà vua kế vị chính thức phê duyệt. Tuy nhiên, theo Guardian, quốc tang sẽ được tổ chức tại tu viện Westminster. Quan tài sẽ được đưa từ cung điện Westminster đến tu viện, sau đó sẽ được đưa đến nhà nguyện St George ở lâu đài Windsor và sẽ được hạ xuống hầm hoàng gia. Đại diện từ các quốc gia và vùng lãnh thổ thuộc Khối Thịnh vượng chung sẽ đến London tiễn đưa Nữ hoàng.

86% người dân ở Anh và xứ Wales chưa bao giờ biết một quốc vương nào khác ngoài Nữ hoàng Elizabeth II, theo phân tích của đài CNN với dữ liệu điều tra dân số của Văn phòng Thống kê quốc gia Anh năm 2021.

Hội đồng Gia nhập - cơ quan nghi lễ được lập sau cái chết của một vị quốc vương để đưa ra tuyên bố chính thức về việc gia nhập của người kế vị ngai vàng - được thành lập trong vòng 24 tiếng sau khi Nữ hoàng qua đời, gồm các cố vấn cơ mật hiện có 670 chính trị gia cấp cao, trong đó có Thủ tướng Liz Truss.

Thái tử Charles đã chính thức trở thành nhà vua của Vương quốc Anh vào ngày buồn nhất trong cuộc đời ông. Vua Charles III cũng trở thành nguyên thủ quốc gia của 14 nước khác trong Khối Thịnh vượng chung, trong đó có Úc, Canada và New Zealand. Ở tuổi 73, ông là người kế vị ngai vàng lớn tuổi nhất trong lịch sử nước Anh.

Thời điểm tổ chức lễ đăng quang của Vua Charles III chưa được công bố. Tuy nhiên, theo Guardian, lễ đăng quang sẽ chính thức diễn ra tại cung điện St James’s ở London trong thời gian sớm nhất có thể. Lễ đăng quang của mẹ ông, Nữ hoàng Elizabeth II diễn ra 16 tháng sau khi bà trị vì.•

Việt Nam và các nước gửi lời chia buồn

Được tin Nữ hoàng Anh Elizabeth II qua đời, ngày 9-9, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc đã gửi điện chia buồn đến Nhà vua Charles III, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã gửi điện chia buồn đến Thủ tướng Anh Elizabeth Truss, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đã gửi điện chia buồn đến Chủ tịch Thượng viện Anh John Mcfall và Chủ tịch Hạ viện Anh Lindsay Hoyle.

Trong điện, lãnh đạo cấp cao Việt Nam gửi lời chia buồn sâu sắc tới Hoàng gia, Chính phủ, Nghị viện và nhân dân Anh, bày tỏ trân trọng tình cảm tốt đẹp và sự ủng hộ quý báu của Nữ hoàng trong việc thúc đẩy quan hệ hợp tác Việt Nam - Anh.

Nhiều nguyên thủ quốc gia cũng bày tỏ sự tiếc thương trước sự ra đi của Nữ hoàng Anh.

Thủ tướng Úc Anthony Albanese chia buồn rằng: “Trái tim người dân Úc hướng về người dân Vương quốc Anh đang đau buồn hôm nay”.

Thủ tướng Canada Justin Trudeau chia sẻ rằng ông cảm thấy “trái tim nặng trĩu khi hay tin vị quân vương trị vì lâu nhất của Canada, Nữ hoàng Elizabeth II qua đời”.

Thủ tướng New Zealand Jacinda Ardern cho biết cờ quốc gia sẽ được hạ xuống nửa độ cao cho tới ngày diễn ra lễ tang Nữ hoàng và nước này sẽ tổ chức quốc tang.

Tổng thư ký Liên Hợp Quốc Antonio Guterres tưởng nhớ Nữ hoàng Elizabeth II là một người bạn tốt của Liên Hợp Quốc, có nhiều cam kết đối với các hoạt động nhân đạo, môi trường, khí hậu, thế giới sẽ nhớ tới sự cống hiến và lãnh đạo của Nữ hoàng trong thời gian dài. Giáo hoàng Francis cầu nguyện cho sự yên nghỉ của Nữ hoàng.

Tổng thống Mỹ Joe Biden đến Đại sứ quán Anh tại thủ đô Washington, D.C. để viết sổ tang chia buồn, ra lệnh treo cờ rủ tại Nhà Trắng và các tòa nhà liên bang, các tàu hải quân Mỹ, các căn cứ quân sự và hải quân, tất cả đại sứ quán và các cơ quan khác của Mỹ ở nước ngoài.

Tổng thống Đức Frank-Walter Steinmeier ghi nhận bà “là người phụ nữ định hình thế kỷ, đã chứng kiến và viết nên lịch sử đương đại”.

Tổng thống Pháp Emmanuel Macron nhìn nhận: “Nữ hoàng Elizabeth II đại diện cho tính liên tục và thống nhất của nước Anh trong hơn 70 năm qua”. Tổng thống Ý Sergio Mattarella ca ngợi “trí tuệ và tinh thần trách nhiệm rất cao” của Nữ hoàng.

Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình bày tỏ lời chia buồn sâu sắc trước sự mất mát to lớn đối với người dân Anh.

Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky gửi lời chia buồn chân thành trước mất mát không thể bù đắp này. Tổng thống Nga Vladimir Putin mong Vua Charles III “sẽ can đảm và kiên cường để đối mặt với mất mát nặng nề không thể bù đắp này”.

Nhiều nước như Cuba, Brazil thông báo quốc tang tưởng nhớ Nữ hoàng Anh.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm