Phải sớm có giáo viên chuyên trách tâm lý học đường

(PLO)- Nhà trường cần có giáo viên chuyên trách tư vấn tâm lý để hỗ trợ học sinh.
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Trong tuần qua, bài viết “Gấp rút có giáo viên chuyên trách tham vấn tâm lý học đường” đăngtrên Pháp Luật TP.HCM đãnhận được nhiều sự quan tâm của bạn đọc.

Nhiều bạn đọc nêu ý kiến ủng hộ đề xuất mỗi trường nên có một giáo viên chuyên trách về công tác tham vấn tâm lý học đường tại các trường ở TP.HCM.

Trước sự tác động của môi trường mạng xã hội hiện nay các em ít nhiều sẽ ảnh hưởng bởi lối sống, cách suy nghĩ tiêu cực. Để kịp thời nắm bắt và định hướng hỗ trợ phát triển tâm sinh lý cho học sinh (HS) thì rất cần người làm công tác tâm lý chuyên nghiệp trong nhà trường.

Học sinh cần được hỗ trợ về tâm lý

Ông Phạm Đăng Khoa, Trưởng phòng GD&ĐT quận 3, cho biết sau đại dịch COVID-19, có nhiều trẻ em khó khăn, rơi vào cảnh mồ côi cha mẹ. Các em bị rơi vào sang chấn tâm lý nhưng hiện nay ở các trường chưa có biên chế nhân viên tâm lý học đường. Điều này khiến các trường gặp nhiều khó khăn trong việc tiếp cận, phát hiện và hỗ trợ cho các em.

Ông Khoa kiến nghị TP cần tính toán cấp biên chế, đào tạo giáo viên tâm lý chuyên nghiệp để có nguồn lực, hỗ trợ kịp thời cho HS trong quá trình theo học.

Học sinh Trường Tiểu học Võ Thị Sáu, quận 12 trong một hoạt động ngoại khóa ở trường. Ảnh: PHẠM ANH

Học sinh Trường Tiểu học Võ Thị Sáu, quận 12 trong một hoạt động ngoại khóa ở trường.
Ảnh: PHẠM ANH

Lãnh đạo một trường THCS tại TP Thủ Đức cũng bày tỏ cần thiết phải có giáo viên tâm lý chuyên trách ở trường học cấp tiểu học và THCS. Trong đó cấp THCS là cấp thiết nhất vì đây là lứa tuổi các em bước vào giai đoạn dậy thì, phát triển tâm sinh lý, xa rời dần vòng tay cha mẹ.

Thực tế đã có nhiều vụ bạo lực học đường hay tự tử, tự hành hạ bản thân… chủ yếu rơi vào lứa tuổi 14-15. Việc học ở giai đoạn này cũng bắt đầu áp lực vì những kỳ thi cuối cấp, trong khi cha mẹ bận rộn với công việc và đặt những kỳ vọng lên con cái khiến các em bị áp lực, ít được vui chơi, sinh hoạt ngoại khóa.

Theo vị này, qua thời gian dịch bệnh phải học online, nhiều HS có tâm lý bị ảnh hưởng, học thiếu tập trung và sống nội tâm hơn.

Vì vậy, việc sớm phát hiện biến đổi tâm lý ở các em là cần thiết nên rất cần bổ sung chuyên viên tâm lý. Chuyên viên này sẽ có chuyên môn để nhận biết cũng như tiếp cận chứ trông chờ giáo viên chủ nhiệm là rất khó vì khối lượng công việc nhiều và thiếu nghiệp vụ tiếp cận. Thế nhưng TP hiện nay không có biên chế này, trường nào muốn có cũng tuyển dụng rất khó vì nguồn tuyển ít, chế độ lương và đãi ngộ hạn chế.

“Tôi nghĩ cần có chính sách phù hợp và đặt hàng nguồn đào tạo lực lượng này. Nếu sức khỏe tâm thần của HS không được hỗ trợ kịp thời sẽ ảnh hưởng nhiều vấn đề khác” - vị này chia sẻ.

Cần người có chuyên môn

ThS tâm lý Lê Minh Huân phân tích: Giáo viên chuyên trách tâm lý ở trường học đóng vai trò quan trọng, họ vừa là nhà tư vấn tâm lý vừa là nhà giáo dục, có kỹ năng tiếp cận HS, giải quyết vấn đề tốt.

Họ còn có thể là trợ thủ đắc lực cho ban giám hiệu nhà trường lên kế hoạch dã ngoại giúp cho HS tiếp cận, trải nghiệm giáo dục thông qua thực tế; hỗ trợ cho phụ huynh giải quyết những mâu thuẫn có liên quan đến nhà trường…

“Vai trò của giáo viên chuyên trách tâm lý gắn bó mật thiết với ba lực lượng là gia đình, nhà trường và xã hội. Trong đó, HS là trung tâm” - ThS Huân ý kiến.

ThS Huân nêu: Thực tế Bộ GD&ĐT đã ra Thông tư 31/2017 về việc hướng dẫn thực hiện công tác tư vấn tâm lý trong trường phổ thông.

Theo thông tư thì người làm tư vấn tâm lý học đường trong trường tốt nhất vẫn là người có chuyên ngành tâm lý, tư vấn học đường.

Trường hợp nhà trường không đủ lực lượng chuyên trách thì có thể tổ chức cho các giáo viên được lựa chọn tham gia lớp bồi dưỡng. Những giáo viên được lựa chọn sẽ được bồi dưỡng, đào tạo thông qua một khóa học tại trường đại học. Sau khi được đào tạo, giáo viên sẽ làm việc một cách bài bản hơn.

“Trên thực tế, có một số trường không có giáo viên chuyên trách tư vấn tâm lý mà chỉ là một giáo viên bộ môn kiêm nhiệm. Dù nhà trường có sự quan tâm, giáo viên bộ môn có lòng nhiệt tình nhưng người làm tư vấn học đường mà không có chuyên môn thì có thể để lại hậu quả không tốt cho người được tư vấn tâm lý” - ThS Huân ý kiến.•

Phụ huynh cần sự hỗ trợ từ giáo viên tham vấn tâm lý

Từ bài viết “Gấp rút có giáo viên chuyên trách tham vấn tâm lý học đường”, nhiều bạn đọc đã quan tâm bình luận:

- “Con tôi đang là học sinh cấp II. Ở nhà cháu vẫn sinh hoạt bình thường nhưng kết quả học tập lại sa sút, chỉ nói rằng không thích học nữa. Tôi hỏi thăm cô chủ nhiệm cũng không tìm ra được nguyên nhân. Nếu như có giáo viên tâm lý trong trường học tốt biết mấy” - bạn đọc Thanh Hà.

- “Đọc mấy vụ HS bị trầm cảm rồi tự tử trong thời gian gần đây, tôi thấy lo quá. Thời của tôi không bị ảnh hưởng bởi mạng xã hội nên cách suy nghĩ về cuộc sống cũng rất đơn giản. Giờ suy nghĩ bọn trẻ không thể đoán được nên bên cạnh gia đình thì cần sự quan tâm của giáo viên tâm lý, vì thời gian các con ở trường hết hai buổi/ngày rồi” - bạn đọc Trần Khoa.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm