Ngành kiểm sát giảm 550 biên chế/năm

Tại phiên họp ngày 12-1, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã nghe và thảo luận về báo cáo nhiệm kỳ công tác 2016-2020 của VKSND Tối cao và TAND Tối cao. Một nội dung đáng chú ý là Viện trưởng VKSND Tối cao Lê Minh Trí đã báo cáo, giải trình về công tác cán bộ, về biên chế mà theo ông đây là vấn đề trăn trở của ông và Ban cán sự Đảng VKSND Tối cao.

Đã giảm 171 phòng thuộc VKSND cấp tỉnh

Theo ông Lê Minh Trí, VKSND Tối cao rất coi trọng công tác cán bộ, coi đây là khâu đột phá, là nhiệm vụ quan trọng có tính quyết định nhằm bảo đảm thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ của ngành kiểm sát.

Kiểm sát viên phát biểu tại một phiên tòa hình sự. Ảnh minh họa: HOÀNG GIANG

Theo đó, ngay từ đầu nhiệm kỳ, Ban cán sự Đảng, viện trưởng VKSND Tối cao đã ban hành nhiều nghị quyết, chỉ thị về công tác cán bộ; chủ động rà soát, bổ sung quy hoạch cán bộ lãnh đạo quản lý, nhất là lãnh đạo cấp chiến lược của ngành theo phương châm “động và mở”.

Đồng thời, chú trọng luân chuyển, điều động, biệt phái từ cấp tối cao về địa phương và ngược lại nhằm đào tạo, rèn luyện, thử thách để tạo nguồn cán bộ.

VKSND Tối cao cũng đã có nghị quyết chọn cán bộ trong nguồn quy hoạch cán bộ chiến lược bố trí tại một số vị trí, lĩnh vực công tác trọng yếu và các địa bàn trọng điểm nhằm đào tạo, bồi dưỡng, rèn luyện, thử thách.

Cạnh đó, ngành kiểm sát mạnh dạn giao việc để thử thách, phát hiện được những nhân tố mới; điều chuyển, thay đổi vị trí công tác để tạo môi trường mới, tạo động lực phấn đấu cho cán bộ và phòng ngừa sự trì trệ, tiêu cực, nhất là những vị trí nhạy cảm, dễ phát sinh tiêu cực…

Đáng chú ý, ngành kiểm sát đã thực hiện nghiêm các nghị quyết của Đảng về tinh gọn tổ chức bộ máy, tinh giản biên chế. Trong hai năm 2019-2020, VKSND các cấp đã tinh giản 10,32% biên chế; đã sáp nhập, giảm 171 phòng thuộc VKSND cấp tỉnh (giảm 23,5%).

Ở góc độ cơ quan thẩm tra, Ủy ban Tư pháp Quốc hội đánh giá VKSND Tối cao đã chú trọng và thực hiện nhiều giải pháp hiệu quả để nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, nhất là đội ngũ kiểm sát viên nhằm đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ.

Ủy ban Tư pháp cũng cho rằng ngành kiểm sát đã thực hiện nghiêm Nghị quyết 39 của Bộ Chính trị, sắp xếp, kiện toàn tổ chức bộ máy theo hướng giảm đầu mối, tinh gọn, phù hợp với yêu cầu nhiệm vụ… Cạnh đó, VKSND Tối cao đã chú trọng đổi mới công tác thanh tra, tăng cường kỷ luật, kỷ cương và trật tự nội vụ trong toàn ngành; xử lý nghiêm những trường hợp để xảy ra vi phạm. “Nhìn chung chất lượng, trách nhiệm của đội ngũ cán bộ VKSND các cấp ngày càng được nâng cao” - báo cáo thẩm tra đánh giá.

Chấp hành giảm nhưng rất trăn trở

“Về biên chế, đã có một năm tôi cắt không đặt vấn đề này nữa. Nhưng suy đi nghĩ lại, hết một nhiệm kỳ thì đây vẫn là trăn trở của Ban cán sự Đảng và của viện trưởng nên tôi nói lại vấn đề này” - ông Trí mở đầu phần giải trình thêm.

Theo ông Trí, trong xu thế phát triển kinh tế - xã hội và hội nhập quốc tế sâu rộng của đất nước, áp lực công việc đối với mọi ngành, nghề đều tăng lên. Riêng lĩnh vực tư pháp, quyền con người được bảo đảm nên đặt ra rất nhiều nhiệm vụ, yêu cầu, chưa kể tội phạm cũng phát triển tăng theo. Trong bối cảnh đó, ngành kiểm sát vẫn chấp hành rất nghiêm chủ trương tinh giản biên chế, mỗi năm giảm mạnh 550 người.

“Chúng ta cố gắng ứng dụng công nghệ thông tin, cải tiến lề lối làm việc và nhiều động tác khác nhằm nâng cao chất lượng cán bộ nhưng cũng phải có lộ trình chứ không thể nào thực hiện ngay được trong hai năm này. Vì vậy nên anh em rất áp lực, làm việc không tính ngày, tính giờ” - ông Trí nói và lo ngại những cố gắng này không kéo dài mãi được.

Ông Trí nói tiếp: “Chúng ta cứ cào bằng hết ở mức 10% thì khó, cũng có ngành cố gắng được, có ngành giảm nhưng chỉ ở mức độ nào đó thôi. Ở đây nói về mặt khoa học hợp lý, tôi kiến nghị coi lại, không riêng ngành kiểm sát, tòa án, mà các ngành khác, ngành đặc biệt quá, liên quan đến trách nhiệm pháp lý nặng quá thì chúng ta cũng phải quan tâm đến anh em”.

“Nếu không nói ra thì cảm giác có áp lực rất mạnh như thế mà chúng ta lại không dám nói hoặc nói nửa vời, không hết. Tôi nói để các đồng chí có sự chia sẻ với ngành. Còn cấp có thẩm quyền cho thì tốt, không cho phải chịu, chúng tôi vẫn chấp hành nghiêm” - vẫn lời ông Trí.

Tập trung chống oan, sai và chống bỏ lọt tội phạm

Báo cáo của VKSND Tối cao khẳng định trong nhiệm kỳ, viện trưởng VKSND Tối cao đã xác định chống oan, sai và chống bỏ lọt tội phạm là nhiệm vụ xuyên suốt, quan trọng hàng đầu và trọng tâm nhất của các đơn vị nghiệp vụ. Điều này được thể hiện rõ trong các chỉ thị công tác hằng năm và đặc biệt đã ban hành bốn chỉ thị chuyên đề để quán triệt, chỉ đạo toàn ngành thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp bảo đảm thực hiện tốt nhiệm vụ nói trên.

Về nội dung này, cơ quan thẩm tra là Ủy ban Tư pháp ghi nhận công tác thực hành quyền công tố, kiểm sát điều tra các vụ án hình sự của VKSND các cấp tiếp tục được tăng cường và đạt nhiều kết quả tích cực.

Cụ thể, tỉ lệ tố giác, tin báo về tội phạm và kiến nghị khởi tố được kiểm sát tăng qua các năm, giảm mạnh số lượng tố giác, tin báo quá hạn giải quyết, qua đó hạn chế việc bỏ lọt tội phạm. Ủy ban Tư pháp cũng đánh giá ngành kiểm sát đã kéo giảm tỉ lệ oan, sai trong giai đoạn điều tra.

Tuy nhiên, theo cơ quan thẩm tra, công tác trên còn một số tồn tại, hạn chế. Đó là để xảy ra các trường hợp bị oan trong giai đoạn khởi tố, điều tra, truy tố có liên quan đến trách nhiệm của VKSND. Có 157 trường hợp VKS đã phê chuẩn lệnh bắt người bị giữ trong trường hợp khẩn cấp, gia hạn tạm giữ, sau đó trả tự do vì người bị bắt, bị tạm giữ không có hành vi vi phạm pháp luật. Có 139 trường hợp bị đình chỉ trong giai đoạn điều tra và 47 trường hợp bị đình chỉ trong giai đoạn truy tố do không có sự việc phạm tội hoặc hành vi không cấu thành tội phạm.

Cạnh đó, Ủy ban Tư pháp cũng cho rằng chất lượng thực hành quyền công tố trong một số vụ án chưa đáp ứng yêu cầu dẫn tới còn để xảy ra các trường hợp bị truy tố oan. Cụ thể, trong nhiệm kỳ có 41 trường hợp VKS truy tố oan dẫn đến tòa án cấp sơ thẩm tuyên không phạm tội.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm