Xử sai nhưng không thể kháng nghị vì quá hạn

Mới đây, VKSND Tối cao có thông báo rút kinh nghiệm toàn ngành về một bản án kinh doanh thương mại của TAND TP.HCM có hiệu lực nhưng không thể kháng nghị vì đã quá thời hạn đề nghị.

Đó là vụ tranh chấp hợp đồng tín dụng giữa nguyên đơn là một ngân hàng và bị đơn là ông Q. Nguyên cuối năm 2010, ông Q. ký hợp đồng tín dụng vay 2,6 tỉ đồng của ngân hàng. Thời hạn cho vay bốn năm kể từ ngày giải ngân đầu tiên. Tài sản đảm bảo là nhà đất do ông Q. và bà N. đứng tên theo hợp đồng thế chấp. Năm 2011, hai bên đã hai lần ký phụ lục hợp đồng điều chỉnh lãi cho vay. Trong quá trình thực hiện hợp đồng, do ông Q. vi phạm nghĩa vụ trả lãi và trả không đúng hạn nên ngân hàng khởi kiện.

Tháng 5-2012, TAND TP.HCM đã tuyên xử sơ thẩm buộc ông Q. phải trả trên 3,5 tỉ đồng (trong đó tiền vốn là 2,6 tỉ và tiền lãi hơn 950 triệu đồng) cho ngân hàng. Nếu ông Q. không có điều kiện thi hành thì ngân hàng có quyền yêu cầu cơ quan thi hành án phát mại tài sản đã thế chấp.

Sau đó ông Q. có đơn kháng cáo án sơ thẩm. Tại các phiên tòa phúc thẩm cuối năm 2012 và đầu 2013 ông Q. đều vắng mặt nên Tòa Phúc thẩm TAND Tối cao tại TP.HCM (nay là TAND Cấp cao tại TP.HCM) đã đình chỉ xét xử phúc thẩm. Từ đó bản án sơ thẩm có hiệu lực.

Tháng 7-2015, VKSND Tối cao nhận được đơn của ông Q. đề ngày 9-2-2014 đề nghị xem xét theo thủ tục giám đốc thẩm và tái thẩm đối với quyết định đình chỉ nêu trên. Lý do xem xét là ngân hàng giả chữ ký và chữ viết của ông để lập phụ lục hợp đồng tín dụng, tự tăng lãi suất lên, ba lần tòa phúc thẩm xử ông đều có đơn xin hoãn với lý do chính đáng.

VKSND Tối cao nhận thấy tại thời điểm ký hợp đồng tín dụng, lãi suất cho vay do Ngân hàng Nhà nước công bố là 9%/năm. Việc tòa án cấp sơ thẩm áp dụng mức lãi suất 27%/năm là quá cao so với quy định, vi phạm nghiêm trọng Điều 476 BLDS 2005. Việc áp dụng pháp luật của tòa sơ thẩm là không chính xác.

Nhưng bản án có hiệu lực từ ngày 8-4-2013, tính đến ngày 31-7-2015 VKSND Tối cao mới nhận được đơn của ông Q. là quá thời hạn xem xét kháng nghị theo luật. Do vậy không thể kháng nghị theo thủ tục giám đốc thẩm mặc dù bản án sơ thẩm có vi phạm. Cạnh đó đơn của ông Q. nêu ra hai vấn đề đều thuộc các tình tiết xem xét giám đốc thẩm chứ không có nội dung nào thể hiện có tình tiết mới làm thay đổi nội dung vụ án để làm căn cứ kháng nghị theo thủ tục tái thẩm.

Theo khoản 1 Điều 284 BLTTDS sửa đổi, bổ sung năm 2011 (nay là khoản 1 Điều 327 BLTTDS 2015): Trong thời hạn một năm kể từ ngày bản án, quyết định của tòa có hiệu lực, nếu phát hiện vi phạm pháp luật thì đương sự có quyền đề nghị bằng văn bản với những người có quyền kháng nghị tại Điều 285 của bộ luật này để xem xét kháng nghị theo thủ tục giám đốc thẩm.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm