Phạt Vũ ‘nhôm’ 17 năm tù, kiến nghị xử lý nhiều người

Ngày 20-12, TAND TP.HCM đã tuyên án vụ thất thoát 3.608 tỉ đồng xảy ra tại Ngân hàng Đông Á (DAB).

Cựu tổng giám đốc DAB Trần Phương Bình lãnh án chung thân về hai tội cố ý làm trái và lạm dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản, bị cấm đảm nhận chức vụ liên quan đến hoạt động tín dụng năm năm kể từ khi chấp hành xong bản án. Cựu phó tổng giám đốc DAB Nguyễn Thị Kim Xuyến là đồng phạm tích cực, bị phạt tổng cộng 30 năm tù cho hai tội danh trên và cũng cấm đảm nhiệm chức vụ như ông Bình…

Ông Trần Phương Bình đóng vai trò chính

Đặc biệt có cựu phó tổng giám đốc DAB Nguyễn Thị Ngọc Vân lãnh án hai năm chín ngày tù về tội cố ý làm trái, do đã chấp hành xong nên được trả tự do tại tòa. Các bị cáo còn lại nhận các mức án 2-16 năm tù, trong đó có năm án treo về các tội cố ý làm trái, thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng.

Theo HĐXX, từ năm 2006 đến 2015, ông Bình chỉ đạo bà Xuyến, phòng Ngân quỹ hội sở và các chi nhánh, sở giao dịch lập chứng từ thu chi sai nguyên tắc để chiếm đoạt của DAB hơn 2.008 tỉ đồng và gây thiệt hại cho DAB hơn 1.560 tỉ đồng (tổng thiệt hại là hơn 3.608 tỉ đồng). Hai bị cáo chỉ đạo cấp dưới thu chi sai nguyên tắc mà không báo cáo, xin ý kiến HĐQT và ban tổng giám đốc DAB.

Để che giấu âm quỹ, đối phó kiểm toán độc lập và thanh tra, kiểm tra của Ngân hàng Nhà nước (NHNN), từ năm 2008 đến 2014 vào dịp giữa năm hoặc cuối năm, ông Bình chỉ đạo cấp dưới lập các hợp đồng tín dụng cho khách hàng vay khống tiền, vàng. Ngoài ra còn chỉ đạo hạch toán mua, bán vàng khống; lập chứng từ điều chuyển vốn khống từ hội sở về các chi nhánh, phòng giao dịch. Các chi nhánh, phòng giao dịch điều ngược lại sau khi đã kiểm toán hoặc thanh tra, kiểm tra xong.

Ngoài ra, ông Bình còn chỉ đạo cấp dưới chi lãi ngoài sai nguyên tắc để tất toán khoản vay của cựu trung tá công an Nguyễn Hồng Ánh; tất toán khống một khoản vay… Bị cáo còn nhờ vợ con đứng tên mua hàng triệu cổ phần của DAB, hiện vẫn chưa thanh toán lại được khoản này. Ông Bình phải chịu trách nhiệm chính về số tiền 3.568 tỉ đồng mà DAB bị thiệt hại. Bị cáo Xuyến phải chịu trách nhiệm về số tiền 40 tỉ đồng, liên đới chịu trách nhiệm 1.574 tỉ đồng.

Tòa ghi nhận đóng góp của ông Bình cho xã hội, tại CQĐT và tại tòa thành khẩn khai báo nhưng hậu quả gây ra là nghiêm trọng, gây ảnh hưởng đến hoạt động ngân hàng nên phải có mức án nghiêm khắc nhất.

Cũng theo HĐXX, hành vi của các bị cáo khác đã vi phạm Luật Kế toán trong việc lập chứng từ; vi phạm về chế độ giao nhận tiền mặt, bảo đảm tài sản quý. Những hành vi này đã góp phần cùng ông Bình gây thiệt hại cho DAB nên phải chịu trách nhiệm với vai trò giúp sức tích cực. Các bị cáo này cố ý về hành vi nhưng vô ý về hậu quả, là những người làm công ăn lương, chịu sự lệ thuộc...

Phan Văn Anh Vũ tại tòa sáng 20-12. Ảnh: HOÀNG GIANG

Bác tố cáo và kêu oan của Vũ “nhôm”

Bị cáo Phan Văn Anh Vũ (tức Vũ “nhôm”), chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần Xây dựng Bắc Nam 79, bị phạt 17 năm tù về tội lạm dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản, tổng hợp hình phạt 8 năm tù của bản án trước đó về tội cố ý làm lộ bí mật nhà nước,Vũ phải lãnh 25 năm tù.

HĐXX nhận định ông Bình đã chỉ đạo xuất quỹ của DAB chuyển vào tài khoản công ty của Vũ. Thực tế công ty của Vũ chỉ chuyển cho DAB 400 tỉ đồng nhưng sau đó nhận lại 600 tỉ đồng khi DAB tăng vốn không thành, bao gồm cả 200 tỉ đồng nộp khống. Số tiền này không phải của Vũ nhưng bị cáo này vẫn chiếm đoạt để sử dụng vào mục đích riêng.

Dù biết bị cáo Bình tự ý sử dụng tiền của ngân hàng nhưng Vũ vẫn mặc nhiên đồng ý ký giấy nộp tiền, bản kê loại tiền nộp vào ngân hàng và không nộp bất cứ khoản tiền nào. Sau khi hạch toán, 200 tỉ đồng hiện hữu trong tài khoản Công ty Bắc Nam 79 thực chất là do Vũ chiếm hữu. Sau đó khi không tăng được vốn, Vũ lại dùng chính số tiền đó để mua lại cổ phần của các cổ đông hiện hữu và sử dụng mục đích riêng. HĐXX không chấp nhận quan điểm cho rằng đây là vay mượn cá nhân, buộc Vũ phải chịu trách nhiệm về số tiền 200 tỉ đồng này với vai trò đồng phạm với ông Bình.

Theo HĐXX, các tố cáo của Vũ như lời khai sinh đôi và có dấu hiệu thông cung trong lời khai của ông Bình và ông Vinh gây bất lợi cho Vũ và Vũ bị lăng mạ, bị trích xuất trái luật để điều tra vụ án khác mà không có sự đồng ý của tòa đang thụ lý vụ DAB... là không có cơ sở. Bởi lẽ tại tòa, bị cáo Bình và Vinh xác nhận không được tiếp xúc gặp gỡ, điều tra viên không dẫn dụ lời khai. Tại buổi đối chất với Vũ cũng không có ai được đọc trước bản khai. Trong khi đối chất có lớn tiếng nhưng không có mạt sát, nhục mạ bị cáo.

Tại tòa, các bị cáo xác nhận nội dung đã trình bày tại CQĐT, lời khai giống nhau vì lời khai chỉ có một. Cơ quan điều tra đã cho Vũ và ông Bình đối chất lại, có cho xem lại các tài liệu chứng cứ, hoàn toàn không có nội dung cho các bị cáo đọc lại lời khai, điều này không vi phạm BLTTHS. Việc Vũ “nhôm” viết đơn kêu oan nhưng cho rằng không được hồi đáp, tòa nhận định các đơn được viết dù đã hết thời hiệu khiếu nại nhưng về nội dung Vũ muốn nộp lại tiền đã được xem xét, giải quyết.

Quá trình xét xử, bị cáo Vũ không ăn năn hối cải và chối tội. Nhưng xét bị cáo đã nộp lại hơn 203 tỉ đồng để khắc phục thiệt hại, gia đình đông con, con còn nhỏ nên HĐXX xem xét giảm nhẹ hình phạt nhưng không thể dưới mức đề nghị của VKS.

Đề nghị điều tra các cá nhân tại Ngân hàng Nhà nước

HĐXX nhận định 13,4 triệu USD mà ông Bình chiếm đoạt của DAB và cho Vũ vay chưa xác định có dấu hiệu tội phạm nhưng là vật chứng vụ án nên cần thu hồi để trả lại cho DAB. Hơn 90,5 tỉ đồng Vũ xác định còn nợ ông Bình trong việc mua cổ phần cũng buộc thu hồi. HĐXX kiến nghị CQĐT tiếp tục điều tra làm rõ về số tiền 13,4 triệu USD này, nếu có dấu hiệu tội phạm thì xử lý để tránh bỏ lọt tội phạm và bảo đảm công bằng của pháp luật.

HĐXX nhận định đối với các cổ phần đứng tên Trần Phương Bình, Vũ “nhôm”, Công ty Bắc Nam 79, một số bị cáo tại DAB, xét thấy cần phải tiếp tục tạm giữ để đảm bảo nghĩa vụ của các bị cáo. Đối với các bất động sản là đất của Vũ “nhôm”, Nguyễn Thị Kim Xuyến, Nguyễn Hồng Ánh, Phạm Văn Phước, cần tiếp tục kê biên để đảm bảo nghĩa vụ thi hành án.

HĐXX kiến nghị tiếp tục điều tra làm rõ vai trò của một số cá nhân như nguyên trưởng phòng kế toán hội sở DAB có dấu hiệu tội thiếu trách nhiệm; nguyên giám đốc DAB Chi nhánh Nam Định có dấu hiệu tội lạm dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản. HĐXX cũng kiến nghị nếu có căn cứ thì xử lý đối với các cá nhân tại NHNN, cơ quan thanh tra giám sát NHNN. Bởi trải qua 13 lần thanh tra nhưng không phát hiện sai phạm tại DAB, để mặc các bị cáo hạch toán khống chứ không có nguồn tiền thực chất.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm