Ngày 30-10, UBND tỉnh Kiên Giang tổ chức Đại hội Đại biểu các dân tộc thiểu số lần thứ IV năm 2024, với chủ đề “Cộng đồng các dân tộc thiểu số tỉnh Kiên Giang đoàn kết, quyết tâm đẩy mạnh chiến lược chuyển đổi số góp phần phát huy lợi thế, tiềm năng để hội nhập và phát triển”.
Đến dự có bà Nông Thị Hà, Thứ trưởng, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc.
Tỉ lệ hộ nghèo chỉ còn 2,4%
Theo báo cáo chính trị tại Đại hội, toàn tỉnh Kiên Giang có 69.965 hộ, với 261.134 người là đồng bào các dân tộc thiểu số, chiếm 14,9% dân số của tỉnh. Trong đó, hộ nghèo là 1.679 hộ, hộ cận nghèo là 2.548 hộ,
Xác định công tác dân tộc là một trong những nhiệm vụ trọng tâm, thời gian qua, tỉnh Kiên Giang đã cụ thể hóa, triển khai thực hiện các Chương trình, Nghị quyết của Trung ương về công tác dân tộc và đạt được những kết quả đáng phấn khởi.
Cụ thể, tỉnh Kiên Giang đã hỗ trợ đồng bào vay vốn phát triển kinh tế - đời sống, giảm nghèo cho 6.120 lượt hộ vay vốn, với số tiền khoảng 30,6 tỉ đồng. Cạnh đó, các Chương trình tín dụng khác cũng đã cho gần 20.000 lượt đồng bào vay vốn để sản xuất kinh doanh, với số tiền gần 240.000 triệu đồng.
Ngoài ra, địa phương đã cấp 357.254 thẻ bảo hiểm y tế cho đồng bào ở các xã thuộc vùng khó khăn, với kinh phí hơn 206,7 tỉ đồng. Hỗ trợ cho 250 hộ nghèo dân tộc thiểu số để phát triển sản xuất, với kinh phí hơn 1,2 tỉ đồng.
Mặt khác, tỉnh Kiên Giang đã tổ chức nhiều cuộc tuyên truyền trực tiếp, cấp phát tài liệu tuyên truyền, tổ chức tập huấn, thành lập câu lạc bộ, xây dựng mô hình phòng, chống bạo lực gia đình... cho đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh.
5 năm qua, từ nguồn lực của Trung ương và của địa phương, tỉnh Kiên Giang đã tập trung đầu tư thực hiện các chương trình, dự án, các chính sách vùng dân tộc thiểu số. Từ đó kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số không ngừng phát triển, đời sống của đồng bào ngày càng nâng lên. Cụ thể, nếu năm 2019, tỉ lệ hộ nghèo trong đồng bào dân tộc thiểu số của tỉnh Kiên Giang là 4,7%, thì đến nay đã giảm xuống chỉ còn 2,4%.
Công tác bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa của đồng bào dân tộc thiểu số được duy trì và tăng cường thực hiện. Các lễ hội văn hóa truyền thống, di tích văn hóa, lịch sử được cấp ủy, chính quyền và nhân dân quan tâm, đầu tư nhiều hơn. Công tác giáo dục, đào tạo được quan tâm thực hiện, và ưu tiên đầu tư vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Từ đó, chất lượng dạy và học trong các Trường phổ thông dân tộc nội trú ngày càng được nâng lên.
Tỉnh Kiên Giang cũng đã thực hiện chế độ cử tuyển đối với học sinh vào các Trường dân tộc nội trú hằng năm cho gần 2.000 học sinh. Đồng thời, hỗ trợ học tập, miễn, giảm học phí cho học sinh dân tộc thiểu số ở các cấp học đúng quy định.
Từ năm 2019-2024, tỉnh Kiên Giang đã vận động 113 khoản viện trợ, tài trợ với tổng kinh phí 37,6 tỉ đồng để xây dựng 21 cây cầu, 4 đường giao thông nông thôn, sửa chữa 15 điểm trường, nâng cấp mở rộng 2 công trình cấp nước sinh hoạt tập trung...
Giáo dục là con đường duy nhất đưa quê hương, đất nước phát triển
Phát biểu tại Đại hội, bà Nông Thị Hà, Thứ trưởng, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc nhìn nhận các Chương trình mục tiêu quốc gia đã được tỉnh Kiên Giang triển khai thực hiện đồng bộ, hiệu quả; các thiết chế văn hóa ở cơ sở được quan tâm xây dựng.
Qua đó, bộ mặt nông thôn vùng dân tộc thiểu số có nhiều thay đổi; đời sống mọi mặt của đồng bào được nâng lên; cơ sở hạ tầng phục vụ sản xuất và đời sống đồng bào được cải thiện, đáp ứng việc đi lại, học hành, chữa bệnh... của bà con.
Thời gian tới, bà Nông Thị Hà yêu cầu tỉnh Kiên Giang nỗ lực cao nhất để giải quyết căn bản những vấn đề bức thiết đặt ra trong thực tiễn; tạo sinh kế, nâng cao thu nhập và đời sống của người dân, thực hiện phương châm hành động "không để ai bị bỏ lại phía sau".
Cạnh đó, tiếp tục đổi mới tư duy, hành động quyết liệt, với quyết tâm chính trị cao nhất, phát huy tiềm năng, lợi thế của tỉnh, tập trung nguồn lực cho đầu tư phát triển kinh tế - xã hội. Đẩy mạnh công tác xóa đói giảm nghèo, xây dựng nông thôn mới, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho đồng bào các dân tộc thiểu số.
Thực hiện hiệu quả 3 Chương trình mục tiêu quốc gia, nhất là Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-20230 trên địa bàn tỉnh.
Thứ trưởng, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Nông Thị Hà cũng đề nghị các đại biểu và đồng bào dân tộc thiểu số dù khó khăn vất vả đến đâu cũng phải ưu tiên thời gian và tiền của, tạo mọi điều kiện để cho con em được đến trường, được vui chơi, được học hành đến nơi, đến chốn.
“Chỉ có giáo dục mới là con đường duy nhất đưa bản làng, quê hương, đất nước chúng ta phát triển giàu mạnh được. Chúng ta hãy thay đổi nếp nghĩ, cách làm, không ngừng nỗ lực vượt khó vươn lên, phấn đấu làm giàu chính đáng ngay trên mảnh đất quê hương mình.
Tích cực tham gia đấu tranh phòng chống các hiện tượng tiêu cực, tệ nạn xã hội, đấu tranh với những luận điệu xuyên tạc, chống phá của các thế lực thù địch, không tin, theo, không để kẻ xấu lợi dụng, lôi kéo làm phương hại đến Tổ quốc” - Phó Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc lưu ý bà con dân tộc thiểu số.
Tỉnh Kiên Giang là địa phương có đông đồng bào dân tộc Khmer, đứng hàng thứ ba trong khu vực ĐBSCL, sau tỉnh Sóc Trăng và tỉnh Trà Vinh.