Những tranh cãi xung quanh dự thảo nghị định thay thế Nghị định 86/2014 đang lên tới đỉnh điểm. Xung đột lợi ích giữa mô hình kinh doanh truyền thống-hiện đại vẫn là bài toán đau đầu cho các nhà làm chính sách trong cuộc cách mạng công nghiệp 4.0. Theo tôi, các quy định pháp lý cho các mô hình taxi truyền thống nay được áp dụng để quản lý các dịch vụ đặt xe trực tuyến có lẽ đã lỗi thời và không hiệu quả.
Đi ngược nhu cầu thực tiễn
Dự thảo nghị định về kinh doanh và điều kiện kinh doanh vận tải bằng ô tô thay thế Nghị định 86/2014 quy định tất cả loại xe dưới chín chỗ được đặt qua hình thức trực tuyến phải thực hiện chuyển đổi sang hình thức taxi truyền thống. Bên cạnh đó, Bộ GTVT cũng đề xuất xóa bỏ hình thức hợp đồng điện tử cho các ô tô dưới chín chỗ, một đề xuất đi ngược lại với nhu cầu thực tiễn của việc sử dụng dịch vụ nhanh, gọn, minh bạch thông qua kết nối nền tảng công nghệ. Theo tôi, đây là cách tiếp cận chính sách theo kiểu đồng bộ hóa, “chưa vừa thì phải gọt cho vừa”.
Đề xuất lần này cũng đi ngược lại chính tinh thần của đề án thí điểm của Bộ GTVT cách đây ba năm. Thời điểm đó, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt đề án thí điểm của Bộ GTVT cho phép xe hợp đồng dưới chín chỗ áp dụng hợp đồng điện tử bên cạnh hình thức hợp đồng bằng văn bản giấy thông thường. Sau ba năm thí điểm, đề án đã góp phần “cách mạng hóa” chất lượng dịch vụ vận tải với sự trợ giúp của kỹ thuật số. Nhiều đơn vị cung cấp phần mềm ứng dụng thực hiện hợp đồng vận tải điện tử “made in Vietnam” đã xuất hiện bên cạnh Grab, Uber như VATO, FastGo…, tạo ra một thị trường cạnh tranh hơn.
Xa hơn nữa, việc sửa đổi Nghị định 86/2014 theo hướng gọt khuôn chính sách sẽ triệt tiêu tinh thần khởi nghiệp, sáng tạo, tinh thần 4.0 mà chúng ta đang hướng tới. Nhiều chuyên gia kinh tế quốc tế cho rằng hiện nay Việt Nam mới chỉ là quốc gia thụ động chờ đợi, tiếp nhận thành quả của 4.0. Theo tôi, ngay cả những thành quả đó cũng đang đứng trước nguy cơ bị cho ra lề bởi cách làm chính sách hiện nay.
Theo đề xuất của Bộ GTVT, tới đây các xe Grab đều phải gắn mào taxi như taxi truyền thống. Ảnh: HOÀNG GIANG
Bảo hộ doanh nghiệp truyền thống?
Nên nhớ rằng bản chất của đề án thí điểm là thí điểm việc dùng hợp đồng vận tải điện tử thay thế cho hợp đồng bằng văn bản giấy chứ không phải phát minh ra một loại hình dịch vụ vận tải mới. Hợp đồng vận tải điện tử chỉ tận dụng sự trợ giúp của công nghệ để kết nối các thành phần trong xã hội chứ không trực tiếp thực hiện hoạt động trong lĩnh vực đó (như vận chuyển hành khách đối với Grab hay kinh doanh khách sạn đối với Airbnb). Đang có sự nhầm lẫn giữa việc coi các đơn vị cung cấp phần mềm như các doanh nghiệp (DN) truyền thống, trong khi đó các đơn vị công nghệ chỉ đóng vai trò kết nối giữa đơn vị kinh doanh vận tải và hành khách mà thôi.
Sự nhầm lẫn đó dẫn đến việc buộc các DN công nghệ phải đáp ứng điều kiện của toàn bộ quá trình kinh doanh vận tải. Đây là một sự bất công, không khác gì bắt cá phải leo cây. Quy định này không chỉ làm biến đổi bản chất hoạt động của đơn vị cung cấp phần mềm, triệt tiêu phần lớn những ưu điểm mà các dịch vụ kết nối mang lại, biến nó trở thành đơn thuần là một kênh liên lạc không hơn không kém.
Nếu quy định này đi vào thực hiện, trong trường hợp đơn vị vận tải không muốn đeo mào trên xe hợp đồng thì họ sẽ không được hưởng thành quả tiến bộ của công nghệ mới để tiết kiệm chi phí, nâng cao sức cạnh tranh. Quy định này cản trở sự sáng tạo của ngành kinh tế số, tạo ra gánh nặng và chi phí vô lý cho các DN, cuối cùng ảnh hưởng tới người tiêu dùng.
Sự trói buộc đối với công nghệ nền tảng thường được biện minh bởi sự cần thiết phải tạo sân chơi bình đẳng cho cả DN truyền thống và công nghệ. Tuy nhiên, trong bối cảnh chúng ta lấy cạnh tranh làm động lực cho nền kinh tế, cho chính phủ kiến tạo, việc sửa đổi Nghị định 86/2014 theo hướng bảo hộ cho DN truyền thống là điều khó lý giải. Điều này được ví như việc kéo cho xe taxi và xe công nghệ thành “đôi bạn cùng lùi.” Đây là tiền lệ nguy hiểm trong bối cảnh Chính phủ đang ra sức thúc đẩy, khuyến khích khởi nghiệp và phát triển nền kinh tế 4.0.
Phân biệt đối xử giữa các doanh nghiệp
Không những không tạo được sự cạnh tranh bình đẳng mà chính việc sửa đổi Nghị định 86/2014 lại đang có dấu hiệu phân biệt đối xử với DN. Việc ngăn cấm sử dụng hợp đồng điện tử cho xe hợp đồng dưới chín chỗ là dấu hiệu của việc phân biệt đối xử đối với một số đơn vị kinh doanh.
Buộc xe công nghệ cũng phải đi theo hình thức kinh doanh kiểu taxi cũng hạn chế quyền tự do lựa chọn hình thức kinh doanh của DN. Bởi lẽ hiến pháp đã khẳng định: “Mọi người có quyền tự do kinh doanh trong những ngành nghề mà pháp luật không cấm”. Sự cạnh tranh bình đẳng ở đâu khi chúng ta lại tăng thêm nhiều thủ tục hành chính và chi phí cho DN khi buộc hàng trăm ngàn xe công nghệ phải đầu tư thêm việc gắn phù hiệu, chuyển đổi sang loại hình taxi.
Bất cứ thay đổi chính sách nào cũng cần phải hướng tới mục tiêu bảo vệ cho lợi ích của người dân và DN, hai nhân tố quan trọng trong câu chuyện phát triển bền vững của Việt Nam.
Kinh nghiệm các nước Kinh nghiệm quốc tế cũng cho thấy phần lớn các nước trong khu vực không coi ứng dụng gọi xe dựa trên nền tảng công nghệ là dịch vụ vận tải. Singapore không yêu cầu các xe hợp đồng điện tử chuyển đổi thành xe taxi và cho phép hoạt động song song cả hai loại hình xe taxi và xe hợp đồng ứng dụng công nghệ. Malaysia cho phép các phương tiện đặt qua mạng (e-hailing vehicle) có sức chứa từ bốn đến không quá 11 người được sử dụng để vận chuyển hành khách trên bất cứ hành trình nào và việc sắp xếp, đặt chỗ, giao dịch, giá cước có thể được thực hiện thông qua một ứng dụng di động điện tử. Indonesia thì phân loại xe được gọi trực tuyến là dịch vụ xe hợp đồng đặc biệt và chỉ đưa ra các yêu cầu đối với nhà cung cấp dịch vụ công nghệ. Nếu dự thảo được thông qua, người dân sẽ chỉ có quyền đi xe taxi hoặc phải mang giấy bút làm hợp đồng và ký giấy khi gọi xe trực tuyến. Một việc tưởng chừng như lạ đời lại đang có nguy cơ thành sự thật trong thời buổi chúng ta đang hướng tới việc tận dụng công nghệ để nâng cao chất lượng cuộc sống cho người dân. PGS-TS NGÔ TRÍ LONG |