Đó là tình trạng lãng phí, là căn bệnh thích dự án “hoành tráng”, trong khi đó kỷ luật vi phạm lại không nghiêm. Theo ĐB Nguyễn Minh Thuyết (Lạng Sơn), những căn bệnh này đã từng được nhắc tại nhiều kỳ họp nhưng vẫn chưa chữa được. Đặc biệt, căn “bệnh hoành tráng” càng ngày càng nặng nề hơn. “Việt Nam có “bệnh” là cái gì cũng thích to nhất, dài nhất, đường sắt cao tốc đang trình ra cũng dài nhất thế giới; bánh chưng cũng muốn to nhất để ghi vào kỷ lục Guinnes…” - ông bức xúc.
ĐB Thuyết còn chỉ ra thêm một căn “bệnh” mà ông tạm đặt tên là “bệnh thích dự án”. “Tại sao vỉa hè đang yên đang lành thì bóc ra để thay bằng thứ đá trơn trượt hơn, ít nữa lại bóc thứ đá đó đi để thay lại, chỗ này tôi nghĩ chắc có vấn đề “dự án”. Theo ông Thuyết, những căn “bệnh” trên nếu không chữa tích cực thì không thể nào khắc phục được tình trạng nợ nần chồng chất. “Chi ngân sách ra rồi không hoàn thành được nhiệm vụ và gây tốn kém nhà nước, chẳng thấy ai bị kỷ luật, chẳng thấy ai từ chức, không thấy ai xin lỗi nhân dân. Có những đơn vị liên tiếp để xảy ra ba, bốn vụ sập cầu mà chẳng ai bị xử lý. Cầu sập không phải chỉ là vấn đề giao thông, xây dựng, đấy là vấn đề chi ngân sách” - ông Thuyết chỉ rõ.
ĐB Phạm Thị Loan (Hà Nội) thì tâm tư: “Những vấn đề về ngân sách mà chúng tôi phát biểu vẫn cứ lặp đi lặp lại hàng năm nhưng vẫn chưa thấy có một sự cải thiện rõ rệt. Cho nên chúng tôi rất băn khoăn và tự hỏi là những điều mình phát biểu ra thì có được ghi nhận và có được sửa cho căn cơ, thay đổi cục diện, thay đổi tình hình hay không?”.
ĐB Trần Du Lịch (TP.HCM) cho rằng với cách làm ngân sách và quy trình lập ngân sách, giám sát ngân sách như hiện nay thì QH không thể kiểm soát được ngân sách. “Nếu dự án cần nhiều ngân sách thì ở các nước khác, Chính phủ phải năn nỉ QH xem. Nếu QH không xem, không quyết tiền thì không bao giờ chính phủ làm được. Nhưng ở ta thì lại làm ngược. Chỉ khi nào QH kiểm soát ngân sách và quyết được ngân sách thì “quyền lực cao nhất” mới được thể hiện” - ông khẳng định.
Chiều cùng ngày, QH cho ý kiến về dự án Luật Người khuyết tật. Theo dự luật, đến năm 2020, các công trình công cộng như trụ sở cơ quan nhà nước, nhà ga, bến xe, bến tàu, bệnh viện, trường học,… phải đảm bảo điều kiện sử dụng cho người khuyết tật. Đối với tất cả nhà chung cư, các công trình hạ tầng kỹ thuật công cộng lộ trình lùi đến năm 2025.
T.VĂN - V.TIẾN