Ông Trump - bốn năm nắm quyền và những di sản 'để đời'

Với tư cách chủ nhân Nhà Trắng, Tổng thống Donald Trump đã thay đổi chính sách đối nội và đối ngoại thông thường, và thông qua đó làm thay đổi cơ bản vai trò của Mỹ trên thế giới. Có thể nói, trong bốn năm cầm quyền, ông Trump đã có nhiều di sản "để đời" với những tác động có thể kéo dài trong nhiều thập niên.

Tổng thống Donald Trump. Ảnh: GETTY IMAGES

Hệ thống tư pháp

Trong tất cả các di sản chính sách của tổng thống, các cuộc bổ nhiệm tư pháp của ông để lại dấu ấn sâu rộng nhất. Chỉ trong bốn năm cầm quyền, ông đã bổ nhiệm thành công hàng trăm thẩm phán liên bang và đặc biệt là ba thẩm phán Tòa án tối cao. Nhiệm kỳ của các thẩm phán Tòa tối cao là trọn đời nên chắc chắn việc bổ nhiệm của ông Trump sẽ còn có sức ảnh hưởng trong nhiều thập niên sắp tới.

Tuy nhiên, ông Trump cũng là tổng thống bị luận tội nhiều nhất trong trong lịch sử Mỹ.

Cụ thể, sau thất bại trước đối thủ Joe Biden, ông Trump nhiều lần không chấp nhận kết quả cuộc bầu cử. Sự việc lên đến đỉnh điểm khi những người ủng hộ quá khích của ông xông vào Tòa nhà Quốc hội nhằm ngăn cản quá trình công nhận chiến thắng cho ông Biden. Sau vụ việc, Hạ viện đã thông qua nghị quyết luận tội ông với cáo buộc "kích động bạo lực", khiến ông trở thành tổng thống Mỹ đầu tiên trong lịch sử bị luận tội hai lần, sau lần luận tội thứ nhất vào năm 2019.

Ngoài ra, ông cũng sử dụng đặc quyền ân xá của tổng thống để khoan hồng cho gia đình, bạn bè, cộng sự cũ và những cá nhân có liên hệ làm ăn với ông. Vào tháng 7-2019, chính quyền ông Trump cho biết đã khôi phục án tử hình liên bang.

Đối ngoại

Chiến lược quốc phòng của ông Trump được đề cao bởi nỗ lực thúc đẩy Mỹ thoát khỏi các cuộc chiến tranh ở nước ngoài. Còn về mặt đối ngoại, nhiệm kỳ của ông Trump nổi bật với niềm tin rằng Mỹ đang bị các quốc gia khác, kể cả các đồng minh lợi dụng.

Trong thời gian ông Trump tại vị, Mỹ đã rút quân khỏi Syria, Đức, Somalia, Afghanistan và Iraq. Đồng thời, ông cũng được đánh giá cao khi tổ chức hai cuộc gặp thượng đỉnh với Nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un.

Ngoài ra, ông Trump đã ghi dấu ấn khi tiêu diệt được tổ chức khủng bố Nhà nước Hồi giáo tự xưng ISIS ở Afghanistan vào năm 2017 và giết Abu Bakr al-Baghdadi - thủ lĩnh nhóm khủng bố này vào năm 2019. Sau đó, Mỹ và Taliban đã ký một thỏa thuận lịch sử đề ra khả năng rút toàn bộ lực lượng Mỹ ở Afghanistan.

Trong quan hệ Mỹ-Trung, ông nổi tiếng với lập trường cứng rắn với Bắc Kinh về các vấn đề liên quan Đài Loan, Hong Kong, Tân Cương, Tây Tạng và cân bằng quyền lực ở Biển Đông.

Một điểm đáng chú ý khác là chính quyền ông Trump đã làm trung gian cho các hiệp định hòa bình Trung Đông, giúp Israel bình thường hóa quan hệ với bốn nước Ả Rập là Ai Cập, Jordan Sudan và Morocco. Ông cũng chính là người đã công nhận Jerusalem là thủ đô của Israel, mặc dù quyết định này của ông đã gây ra một làn sóng phản đối gay gắt từ thế giới Ả Rập.

Tuy nhiên, trong quan hệ với Iran, ông Trump đã gây nhiều tranh cãi khi quyết định rút khỏi Thỏa thuận hạt nhân Iran và ra lệnh giết vị tướng hàng đầu của Iran Qasem Soleimani.

Kinh tế và thương mại

Thành tựu kinh tế lớn nhất của ông Trump dưới cương vị là ông chủ Nhà Trắng là đưa con số thất nghiệp năm 2019 giảm xuống mức thấp nhất kể từ năm 1969. Tuy nhiên, thành quả này sau đó đã bị xóa bỏ do các chính sách sai lầm của ông trong ứng phó với đại dịch COVID-19, khiến tỷ lệ thất nghiệp tăng vọt.

Theo số liệu từ kênh CNN, hiện tại - hơn 10 tháng sau đại dịch, thị trường việc làm của Mỹ tiếp tục bấp bênh, với khoảng bốn triệu người bị mất việc làm vĩnh viễn. Ngoài ra, ông cũng hứa sẽ vực dậy ngành than nhưng không thành công.

Bên cạnh đó, nhiệm kỳ của ông Trump cũng nổi tiếng vì các chính sách thương mại cứng rắn với Trung Quốc, khiến Bắc Kinh gặp khó khi phải đương đầu với Mỹ trong cuộc chiến tranh thương mại. Đồng thời, các công ty công nghệ Trung Quốc như Huawei và Bytedance cũng khá vất vả khi liên tục bị chính quyền ông Trump cấm ở Mỹ vì lo ngại đe dọa an ninh quốc gia Mỹ và vi phạm quyền con người.

Đừng bỏ lỡ

Đọc thêm