Hãng tin Reuters dẫn lời Bộ trưởng Tài chính Đức Olaf Scholz cho biết EU đã gần đạt được một thỏa thuận về một gói cứu trợ kinh tế cho dịch COVID-19, sau khi các bộ trưởng tài chính EU phải đàm thoại gần 16 giờ xuyên đêm ngày 7-4.
"Đây là một vấn đề cấp thiết và tương lai của châu Âu đang phụ thuộc vào nó" - Bộ trưởng Nông nghiệp Tây Ban Nha Luis Planas nhấn mạnh.
Bộ trưởng Tài chính Đức Olad Scholz. Ảnh: EURONEWS
Cuộc họp phải kéo dài do sự bất đồng quan điểm giữa các nước Bắc Âu với quan điểm bảo thủ với Hà Lan đóng vai trò lãnh đạo, và phía còn lại gồm các nước Nam Âu đang phải vật lộn với dịch bệnh.
Các quan chức cho biết Hà Lan cương quyết rằng gói cứu trợ cần đi kèm các điều kiện, và các nước muốn nhận cứu trợ sẽ cần được đánh giá các tiêu chí kinh tế cụ thể.
Ngược lại, Ý cho biết họ sẵn sàng chấp nhận các tiêu chí chung về kinh tế, song không được quá cụ thể vì tình hình dịch bệnh và tác động của nó lên nền kinh tế còn chưa rõ, vì thế việc đặt ra các tiêu chí sẽ không khả thi.
Gói cứu trợ được thảo luận nằm trong Cơ chế Ổn định châu Âu, trong đó sẽ hỗ trợ tiền mặt trị giá 2% sản lượng kinh tế của cả khối - tương đương 240 tỉ euro cho 19 quốc gia trong khu vực.
Trong khi các bộ trưởng tài chính EU tranh cãi về gói hỗ trợ tài chính, Ngân hàng Trung ương châu Âu cảnh báo khối này cần các biện pháp tài khóa trị giá đến 1500 tỷ euro để có thể đối phó với tình hình khủng hoảng do dịch COVID-19.
EU đã thả lỏng các hạn chế đối với các quốc gia nhằm giúp 27 thành viên chiến đấu với dịch bệnh và tái khởi động nền kinh tế. Song, các nước lại chưa thể thống nhất về giá trị của gói cứu trợ kinh tế cũng như việc kiểm soát đi lại giữa các thành viên của khối Schengen.