Chính quyền vùng lãnh thổ Đài Loan kêu gọi tất cả các bên ở biển Đông kiềm chế để không làm gia tăng căng thẳng trong khu vực, hãng thông tấn Đài Loan đưa tin trên trang Focus Taiwan.
Trong tuyên bố được đưa ra ngày 24-4, cơ quan phụ trách đối ngoại Đài Loan bày tỏ "quan ngại" về các hành động và tuyên bố của một số quốc gia trong khu vực liên quan đến vấn đề biển Đông, nhưng không đề cập cụ thể đến quốc gia và vụ việc nào ở khu vực.
"Chính quyền Đài Loan kêu gọi tất cả các bên liên quan kiềm chế và tránh các hành động đơn phương có thể làm gia tăng căng thẳng trong khu vực", tuyên bố viết.
Đài Loan cũng kêu gọi các bên bỏ qua bất đồng và thúc đẩy sự phát triển chung và tuyên bố sẵn sàng tham gia cơ chế chung của khu vực để giải quyết các vấn đề ở biển Đông.
Trụ sở Cơ quan phụ trách đối ngoại Đài Loan. Ảnh: TAIWAN TODAY
Tuyên bố của Đài Loan được đưa khi một loạt vụ việc căng thẳng trong khu vực như tàu hải cảnh Trung Quốc đâm chìm tàu cá Việt Nam trên vùng biển thuộc quần đảo Hoàng Sa (thuộc chủ quyền Việt Nam), tàu khảo sát Trung Quốc hoạt động gần tàu khoan thăm dò đáy biển của Malaysia ở nam biển Đông và Trung Quốc thành lập trái phép hai đơn vị hành chính mới ở quần đảo Hoàng Sa và quần ảo Trường Sa (thuộc chủ quyền Việt Nam).
Trước khi Đài Loan lên tiếng, Philippines, Malaysia và Mỹ đã đưa ra các tuyên bố quan ngại về các hành động của Trung Quốc và kêu gọi giải quyết bất đồng ở biển Đông bằng biện pháp hòa bình.
Tuy nhiên, trong tuyên bố ngày 24-4, Đài Loan vẫn tiếp tục nhắc lại yêu sách lãnh thổ phi pháp của họ ở biển Đông, vi phạm nghiêm trọng chủ quyền lãnh thổ và lợi ích của Việt Nam và một số nước Đông Nam Á khác.
Tương tự như Trung Quốc đại lục, vùng lãnh thổ Đài Loan đưa ra yêu sách lãnh thổ phi pháp với phần lớn diện tích biển Đông, trong đó có quần đảo Hoàng Sa và quần đảo Trường Sa (thuộc chủ quyền Việt Nam).
Việt Nam luôn thể hiện lập trường nhất quán về chủ quyền không thể chối cãi của mình đối với quần đảo Hoàng Sa và quần đảo Trường Sa, cũng như phản đối các hành vi trái pháp luật Việt Nam và pháp luật quốc tế ở biển Đông.
Phản ứng trước việc Trung Quốc định danh 80 thực thể ở biển Đông, Phó phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Ngô Toàn Thắng nói trong cuộc họp báo thường kỳ chiều 23-4 rằng: "Việt Nam nhiều lần khẳng định có đầy đủ bằng chứng lịch sử và cơ sở pháp lý để khẳng định chủ quyền đối với quần đảo Hoàng Sa và quần đảo Trường Sa phù hợp với luật pháp quốc tế, đồng thời có quyền chủ quyền, quyền tài phán ở vùng biển như xác lập ở Công ước Luật Biển UNCLOS năm 1982". Ông Ngô Toàn Thắng khẳng định: "Mọi hành vi xâm hại chủ quyền Việt Nam với Hoàng Sa, Trường Sa, quyền chủ quyền, quyền tài phán của Việt Nam với vùng biển của mình đều không có giá trị, không được công nhận và Việt Nam kiên quyết phản đối". |