Trong 39 ca tử vong bên ngoài Trung Quốc tính tới thời điểm này, Iran đứng đầu với 15 ca và trở thành một mối lo của toàn cầu về đà lây lan của dịch COVID-19, theo báo South China Morning Post (SCMP).
Bên cạnh con số 15 ca tử vong được chính phủ Iran thông báo chính thức còn có thông tin nước này có tới 50 người chết vì dịch. Thông tin này xuất phát từ nghị sĩ Ahmad Amirabadi Farahani đại diện TP Qom và chính phủ Iran đã lên tiếng bác bỏ.
Tì lệ tử vong (chính thức) cao hơn cả Trung Quốc
Điều đáng chú ý và gây lo ngại là chặng đường từ ngày Iran có ca tử vong đầu tiên đến khi xác nhận có 15 ca tử vong quá nhanh.
Cho đến đầu tuần trước Iran vẫn chưa thông báo mình có ca nhiễm nào. Đến ngày 19-2 Iran bất ngờ xác nhận có hai ca tử vong, là hai người lớn tuổi ở TP Qom cách thủ đô Tehran 145 km về phía nam. Rồi những ngày sau đó Iran liên tục thông báo có thêm các ca tử vong mới.
Người đi đường ở Tehran đeo khẩu trang ngừa dịch. Ảnh: AP
Đến ngày 23-2, Iran thông báo đã có tám ca tử vong. Sang ngày 24-2, Iran xác nhận số người chết đã là 12, tăng tới bốn ca chỉ sau một ngày.
Đến ngày 25-2 Iran lại xác nhận có thêm ba người chết, nâng tổng số ca tử vong ở nước này vì dịch lên 15, theo SCMP. Số ca nhiễm tại Iran hiện là 61 ca.
Thông tin Iran có tới 50 người chết được nghị sĩ Farahani đưa ra ngày 24-2. Ông Farahani còn nói chính phủ Iran đã công bố dịch quá trễ, và TP Qom không đủ hạ tầng y tế để đối phó tình huống y tế công cộng khẩn cấp.
Họp báo trên truyền hình cùng ngày, Thứ trưởng Y tế Iran Iraj Harirchi bác bỏ thông tin này, tuyên bố nếu đó là sự thật thì ông sẽ từ chức.
SCMP dẫn tính toán của nhiều chuyên gia rằng nếu căn cứ vào các con số chính thức Iran công bố thì tỉ lệ người chết trên số ca nhiễm (chính thức: 14/61) ở nước này quá cao, tương đương cứ năm người nhiễm thì sẽ có một người chết. Trong khi đó tỉ lệ tử vong ở Trung Quốc trung bình 2%: 50 người nhiễm mới có một người chết.
Nhiều chuyên gia đặt câu hỏi về tỉ lệ này và cho rằng con số ca nhiễm thật sự ở Iran có khả năng cao hơn con số hiện biết. Nếu căn cứ vào tỉ lệ tử vong trung bình mà các chuyên gia tính toán với dịch COVID-19 (2%) thì số ca nhiễm ở Iran có thể nằm ở mức 600, cao gấp 10 lần số hiện tại.
Dịch vào Iran cách nào?
Phần lớn trường hợp tử vong và nhiễm đều là người sống và từng đến TP Qom - một trung tâm đào tạo người đạo Hồi phái Shia ở của Iran và cả thế giới Hồi giáo. Tuy nhiên ông Minou Mohrez - một quan chức y tế Iran cảnh báo khả năng virus có mặt khắp các địa phương ở Iran.
Người dân Iran mang khẩu trang tại một trạm xe buýt ở Tehran ngày 23-2. Ảnh: AP
Vài ngày trước, một số quan chức Iran nhận định nguồn lây lan có thể là từ các công nhân người Trung Quốc sang hoặc từ các tín đồ Pakistan sang. Tuy nhiên đến ngày 23-2 Bộ trưởng Y tế Iran Saeed Namaki cho rằng nguồn lây lan liên quan đến một thương nhân Iran từ TP Qom thường qua lại giữa Iran và Trung Quốc. Thương nhân Iran này đã đối phó với lệnh cấm bay trực tiếp đến Trung Quốc bằng cách bay các tuyến không trực tiếp để đến Trung Quốc hồi cuối tháng 1. Thương nhân này cũng đã chết vì dịch.
Tại sao dịch ở Iran lại đặc biệt gây lo lắng?
Ngoài Trung Quốc đại lục, dịch đã lan tới 31 nước và vùng lãnh thổ chứ không riêng gì Iran. Tuy nhiên diễn tiến quá nhanh và nghiêm trọng ở Iran - có vị trí địa lý xa tâm dịch Vũ Hán của Trung Quốc khiến nhiều chuyên gia không khỏi lo lắng tới nguy cơ dịch biến thành đại dịch toàn cầu. Ít nhất hai người - một phụ nữ Canada tuổi tầm 30 và một phụ nữ Lebanon 45 tuổi cho kết quả dương tính với virus sau khi đến Iran.
Ngay Tổng giám đốc Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) Tedros Adhanom Ghebreyesus ngày 22-2 cũng cảnh báo “cửa sổ cơ hội” để kiềm chế virus lan ra toàn cầu đang đóng lại rất nhanh.
“Số ca nhiễm chúng ta nhìn thấy ở phần còn lại của thế giới, dù con số chỉ mới nhỏ nhưng vì chúng không liên quan đến Vũ Hán hay Trung Quốc nên rất đáng lo ngại. Các điểm chấm này thật sự rất đáng lo” - SCMP dẫn lời ông Tedros.
Một phụ nữ mua khẩu trang trên đường phố Tehran tuần trước. Ảnh: AFP
Ngoài Iran, ông Tedros muốn nhắc tới các diễn biến nghiêm trọng ở Hàn Quốc (10 ca tử vong, gần 1.000 ca nhiễm tính tới chiều 25-2), Nhật (năm ca tử vong trong đó có bốn ca trên du thuyền Diamond Princess đậu ngoài cảng Yokohama, 848 ca nhiễm trong đó có hơn 691 ca trên du thuyền này); Ý (bảy ca tử vong, 227 ca nhiễm).
Một lý do nữa để lo ngại khi dịch COVID-19 bùng phát ở Iran. Theo nhà nghiên cứu cấp cao Asif Shuja tại Học viện Trung Đông thuộc đại học Quốc gia Singapore (NUS), trong lịch sử gần đây, Iran không hề có kinh nghiệm đối phó với nạn dịch có quy mô như dịch COVID-19. Có thể nhớ lại, dịch MERS (hội chứng hô hấp Trung Đông) chỉ ảnh hưởng nhẹ tới Iran.
Nỗ lực kiềm dịch của Iran và các nước láng giềng
Nhà chức trách Iran đã tạm thời đóng cửa trường học và các cơ sở giáo dục ở 14 tỉnh, phân phát khẩu trang đến các TP có dịch, hủy các sự kiện giải trí, nghệ thuật, thể thao tụ tập đông người.
Trường học, các địa điểm văn hóa đóng cửa ở Iran để hạn chế dịch bệnh. Ảnh: AP
Tại thủ đô Tehran, các trạm xe điện, xe buýt sẽ được khử trùng hằng ngày. Iran có kế hoạch xét nghiệm gần 750 người ở các bệnh viện có triệu chứng nghi nhiễm virus.
Iraq cũng đã cấm dân Iran nhập cảnh. Jordan thông báo cấm công dân Iran nhập cảnh, bên cạnh lệnh cấm nhập cảnh với công dân Trung Quốc và Hàn Quốc trước đó. Kuwait nói sẽ cấm tàu Iran cập cảng nước mình.
Kiểm tra thân nhiệt công dân Iraq từ Iran quay về nước, tại sân bay quốc tế Najaf (Iraq) ngày 21-2. Ảnh: AFP
Các nước láng giềng Thổ Nhĩ Kỳ, Pakistan, Afghanistan, Armenia ngày 23-2 thông báo tạm thời đóng cửa các biên giới đường bộ với Iran.
Saudi Arabia hạn chế đi lại với Iran, vì lo ngại dịch có thể lan tràn từ các thánh địa Hồi giáo Mecca và Medina.