Hàng trăm người Mỹ biểu tình chống hành vi kỳ thị người gốc Á

Hãng tin Reuters cho biết hàng trăm người đã tập trung biểu tình tại thủ phủ bang Georgia ở TP Atlanta, Mỹ hôm 20-3 để ủng hộ cộng đồng người Mỹ gốc Á sau vụ xả súng tại ba tiệm spa ở tiểu bang này hôm 16-1 khiến tám người chết, trong đó có sáu người là phụ nữ gốc Á.

Vụ xả súng diễn ra trong bối cảnh số vụ bạo lực và kỳ thị chủng tộc nhắm vào cộng đồng người gốc Á ở Mỹ đã tăng cao trong hơn một năm qua khi nhiều người đổ lỗi người châu Á trước sự bùng phát của đại dịch COVID-19.

Hàng trăm người biểu tình đeo khẩu trang, cầm trên tay lá cờ Mỹ cùng những tấm áp phích có nội dung “Chúng tôi không phải là virus”, “Hãy chấm dứt sự thù ghét người châu Á” diễu hành bên ngoài tòa nhà liên bang ở Georgia.

Hàng trăm người tập trung biểu tình tại thủ phủ bang Georgia sau vụ xả súng tại ba tiệm spa ở tiểu bang này hôm 16-1 khiến tám người chết, trong đó có sáu người là phụ nữ gốc Á. Ảnh: REUTERS

“Tôi thấy hình ảnh gia đình mình trong những người phụ nữ đã thiệt mạng. Hành vi kỳ thị này đã diễn ra quá thường xuyên, chúng tôi đang dần bị xóa sổ” - một người đàn ông tên Timothy Phan đã lái xe suốt tám tiếng từ Florida để tới tham dự biểu tình cho hay.

Cô Frankie Laguna, 23 tuổi, lớn lên ở Atlanta nhưng hiện sống ở bang Tennessee, là một trong những người tổ chức buổi biểu tình, tiết lộ cô là người đầu tiên trong gia đình sinh ra ở Mỹ sau khi mẹ cô nhập cư từ Đài Loan.

“Tôi chán ngấy việc bị coi thường và bị xâm hại, đồng thời bị căm ghét vì nguồn gốc của mình” - cô  Laguna nói lớn.

“Chúng tôi đã sống vô hình và bị phớt lờ tại quốc gia của chúng ta hơn một thế kỷ. Chúng tôi bị tấn công bạo lực. Vấn đề này chỉ được chú ý khi một cụ ông tại San Francisco đã phải chết. Mọi người chỉ bắt đầu quan tâm khi sáu người phụ nữ chết tại Atlanta” - nam diễn viên Will Lex Ham phát biểu trước đám đông biểu tình.

Người dân Mỹ cầm biểu ngữ "Ngừng thù ghét người châu Á" tại buổi biểu tình ngày 20-3 sau vụ xả súng chết người ở Atlanta, Georgia. Ảnh: REUTERS

Một sinh viên 24 tuổi đến từ Trung Quốc tên Bernard Dong, hiện đang học tại Georgia, chia sẻ anh tham gia cuộc biểu tình để đòi lại quyền lợi không chỉ cho người châu Á mà cho tất cả các nhóm người thiểu số. 

“Người châu Á đã im lặng quá lâu, nhưng thời thế đã thay đổi” - Dong nói, thêm rằng anh rất “tức giận và ghê tởm” trước vụ xả súng và nhũng vụ bạo lực kéo dài nhắm vào người châu Á, dân tộc thiểu số và phụ nữ.

Bà Kay Kim, một cư dân sống tại thành phố Savannah (Georgia) đã lâu năm, chia sẻ rằng tất cả mọi người tại nhà thờ bà thường lui tới đều cảm thấy sợ hãi, Reuters đưa tin.

“Điều đó thật vô nghĩa. Mọi việc không cần phải như thế này. Đây là một nước Mỹ xinh đẹp, nhiều phước lành. Chúng ta không nên phá hủy nó bằng những hành động thế này” - bà Kim nói.

Một bạn nữ trẻ người Mỹ gốc Á tham gia biểu tình để phản đối vấn nạn kỳ thị cộng đồng người châu Á sống tại nước này. Ảnh: AFP

Một đoạn video được đăng trên Twitter cho thấy hai Thượng nghị sĩ bang Georgia Raphael Warnock và Jon Ossof, dẫn đầu dòng người biểu tình, đã cùng những người khác dành khoảnh khắc im lặng để tưởng nhớ các nạn nhân.

“Chúng ta hãy xây dựng một nhà nước và một quốc gia nơi không ai phải sống trong sợ hãi vì nguồn gốc của họ hoặc gia đình họ” - Thượng nghị sĩ Ossoff tuyên bố.

“Tôi chỉ muốn nói với các anh chị em người Mỹ gốc Á của tôi rằng chúng tôi thấy các bạn, và quan trọng hơn, chúng tôi sẽ sát cánh cùng các bạn. Tất cả chúng ta đều sẽ vượt qua khó khăn này cùng nhau” - Thượng nghị sĩ Warnock nói trong những tiếng hò reo vang dội của người biểu tình.

Người biểu tình cầm biểu ngữ "Ngừng thù ghét người châu Á". Ảnh: AP

Hiện các nhà chức trách bang Georgia vẫn chưa xác định được điều gì đã khiến nghi phạm Robert Aaron Long, một thanh niên người da trắng 21 tuổi, thực hiện vụ xả súng chết người tại các tiệm spa ở Atlanta hôm 16-3.

Nghi phạm đã khai với cảnh sát rằng mình không sát hại các nạn nhân vì động cơ chủng tộc và tự nhận mình mắc chứng “nghiện sex”. Theo đó, người này coi các tiệm massage là nơi cám dỗ mình.

“Bất kể bạn muốn luồn lái lý do như thế nào, sự thật vẫn chỉ có một. Đây là một cuộc tấn công vào cộng đồng người châu Á” - bà Bee Nguyen - nghị sĩ gốc Việt đầu tiên của Hội đồng lập pháp bang Georgia nhận định.

Trong số những nạn nhân có người là dân nhập cư và là các bà mẹ, được gia đình và bạn bè mô tả là những phụ nữ chăm chỉ, đầy tình yêu thương và được nhiều người yêu quý, theo Reuters.

Người biểu tình đeo khẩu trang, cầm trên tay những tấm áp phích có nội dung “Hãy chấm dứt sự thù ghét người châu Á” diễu hành bên ngoài tòa nhà liên bang ở Georgia. Ảnh: REUTERS

Thảm kịch ngày 16-3 đã khơi dậy phong trào ủng hộ người gốc Á trên khắp nước Mỹ. Tổ chức có tên gọi Asian American Leaders Table đã lập danh sách các sự kiện liên quan trên toàn nước Mỹ với một số dự tính diễn ra cuối tuần này hoặc vào tháng sau.

Stop AAPI Hate - liên minh quốc gia giải quyết vấn đề phân biệt đối xử chống người Châu Á trong đại dịch - đã ghi nhận gần 3.800 trường hợp kỳ thị người gốc Á từ giữa tháng 3-2020 đến cuối tháng 2-2021 ở Mỹ. Những vụ việc này bao gồm quấy rối, phân biệt đối xử và các hành vi bạo lực.

Trước đó, vào ngày 19-3, Tổng thống Joe Biden và Phó Tổng thống Kamala Harris đã gặp gỡ các nhà lãnh đạo cộng đồng người Mỹ gốc Á ở Georgia để bày tỏ lời chia buồn và kêu gọi người Mỹ cùng nhau chống lại sự thù ghét này.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm