Báo South China Morning Post (SCMP) dẫn số liệu từ Ủy ban Y tế Quốc gia Trung Quốc (NHC) cho biết tính đến 14 giờ 10 phút ngày 13-3, tổng số ca tử vong trên toàn cầu vì dịch viêm đường hô hấp cấp do virus SARS-CoV-2 (dịch COVID-19) gây ra là 4.950. Tổng số ca nhiễm là 131.852. Trên toàn thế giới có 69.847 ca chữa khỏi.
Trong đó, Trung Quốc ghi nhận 3.176 ca tử vong và 80.816 ca nhiễm.
Đến nay số ca tử vong ngoài Trung Quốc đại lục lên đến con số 1.763. Trong đó, Ý cao nhất với 1.016 ca, Iran xếp thứ hai với 429 ca, Tây Ban Nha xếp thứ ba với 84 ca, Hàn Quốc 67 ca, Pháp 48 ca, Mỹ 38 ca, Nhật Bản 22 ca, Anh 10 ca, Iraq và Thụy Sỹ sáu ca; San Marino và Philippines năm ca; Hà Lan, đặc khu Hong Kong bốn ca; Đức, Bỉ, Úc đều ba ca; Lebanon hai ca; Na Uy, Thụy Điển , Áo, Canada, Hy Lạp, Ấn Độ, Thái Lan, Ai Cập, Đài Loan, Ba Lan, Indonesia, Ireland, Algeria, Argentina, Albania, Panama, Morocco, Guyana, Bulgaria mỗi quốc gia một ca.
Tính đến nay, Việt Nam ghi nhận 44 ca nhiễm COVID-19, trong đó 16 ca đã hồi phục hoàn toàn.
Phu nhân thủ tướng Canada dương tính với COVID-19
Kênh truyền hình Channel News Asia dẫn tuyên bố chính thức từ chính phủ Canada hôm 12-3 rằng Thủ tướng Justin Trudeau và vợ - bà Sophie Grégoire Trudeau đã tự cách ly sau khi bà Sophie có kết quả dương tính với COVID-19.
Thủ tướng Canada Justin Trudeau và Phu nhân Sophie Grégoire Trudeau. Ảnh: AFP
"Gần đây sau khi trở về từ một buổi nói chuyện ở London (Anh), phu nhân của Thủ tướng - bà Sophie Grégoire Trudeau bắt đầu biểu hiện các triệu chứng giống như bệnh cúm như sốt nhẹ vào đêm 12-3", tuyên bố từ Văn phòng thủ tướng Canada cho biết.
Tờ National Post của Canada cho biết đêm 12-3 (giờ Canada) bà Sophie đã có kết quả dương tính với virus SARS-CoV-2 (virus gây dịch COVID-19).
Thông tin cập nhật cho biết Thủ tướng Trudeau vẫn đang trong tình trạng "sức khỏe tốt" và vợ ông "đang cảm thấy tốt hơn và các triệu chứng giảm nhẹ”.
COVID-19 bay trong không khí 3 giờ, bám bề mặt 3 ngày
Tạp chí Time dẫn nguồn hãng tin AP cho biết một nghiên cứu công bố ngày 11-3 của Mỹ khẳng định virus gây dịch COVID-19 có khả năng tồn tại trong không khí đến ba giờ và bám trên một số bề mặt đến ba ngày.
Được biết, nhóm nghiên cứu tập hợp hàng loạt các chuyên gia đầu ngành từ Viện Y tế Quốc gia Mỹ, ĐH Princeton, ĐH California, ĐH Los Angeles với nguồn quỹ từ chính phủ Mỹ và Quỹ Khoa học Quốc gia.
Nhân viên an ninh tại sân bay quốc tế Dulles, bang Virginia, Mỹ. Ảnh: REUTERS
Các nhà khoa học đã sử dụng thiết bị khí dung để thử nghiệm việc đưa mẫu virus mới vào không khí, nhằm mô phỏng tình huống tương tự khi một người bị nhiễm virus ho hoặc phát tán virus ra không khí.
Họ phát hiện ra rằng virus vẫn có thể tồn tại sau ba giờ trong không khí, bốn giờ trên bề mặt đồng, 24 giờ trên bìa cứng và tới ba ngày trên bề mặt nhựa và thép không gỉ. Kết quả này khớp với kết quả thu được từ cuộc thử nghiệm tương tự với virus gây ra dịch SARS (Hội chứng hô hấp cấp tính nặng) năm 2003.
GS Julie Fischer thuộc ĐH Georgetown khẳng định phát hiện trên đã chứng minh tầm quan trọng của việc giữ gìn vệ sinh sạch sẽ đồng thời khuyến nghị người dân nên rửa tay thường xuyên hơn.
Trước đó, tờ South China Morning Post dẫn một nghiên cứu khác của Trung Quốc công bố hôm 6-3 trên chuyên san Practical Preventive Medicine chỉ ra virus SARS-CoV-2 có thể lơ lửng trong không khí ít nhất 30 phút và bay xa đến 4,5 m.
10.000 người Anh có thể đã nhiễm virus
Tại một cuộc họp của ủy ban khẩn cấp chính phủ hôm 12/3, Thủ tướng Boris Johnson tuyên bố Anh bắt đầu bước sang "giai đoạn trì hoãn" của cuộc chiến chống dịch, với mục tiêu trì hoãn đỉnh dịch cho đến mùa hè, chấm dứt giai đoạn ngăn chặn triệt để.
"Nó sẽ lây lan rộng hơn", Reuters dẫn lời ông Johnson nói trong một cuộc họp báo, bên cạnh các cố vấn khoa học và y tế hàng đầu chính phủ.
"Tôi phải thành thật với các bạn, thành thật với công chúng Anh rằng sẽ có thêm các gia đình, nhiều gia đình mất đi người thân trước khi họ phải ra đi".
Tại một cuộc họp của ủy ban khẩn cấp chính phủ hôm 12/3, Thủ tướng Boris Johnson tuyên bố Anh bắt đầu bước sang "giai đoạn trì hoãn" của cuộc chiến chống dịch, với mục tiêu trì hoãn đỉnh dịch cho đến mùa hè, chấm dứt giai đoạn ngăn chặn triệt để.
"Nó sẽ lây lan rộng hơn", Reuters dẫn lời ông Johnson nói trong một cuộc họp báo, bên cạnh các cố vấn khoa học và y tế hàng đầu chính phủ.
"Tôi phải thành thật với các bạn, thành thật với công chúng Anh rằng sẽ có thêm các gia đình, nhiều gia đình mất đi người thân trước khi họ phải ra đi".
Số người nhiễm Covid-19, bệnh do virus corona chủng mới gây ra, đã tăng 29% trong 24 giờ hôm 12/3, lên đến 590 ca, trong đó 10 người đã tử vong.
Sau điều trị COVID-19, chức năng phổi giảm 30%
Một số bệnh nhân dù được chữa khỏi sau khi nhiễm COVID-19, chức năng phổi của họ có thể bị suy giảm đến 30%, báo South China Morning Post ngày 13-3 cho biết.
Đây là kết quả do Ban Quản lý bệnh viện Hong Kong công bố hôm 12-3 sau khi theo dõi khoảng 10 bệnh nhân đầu tiên được xuất viện.
Một bác sĩ ở Vũ Hán (Trung Quốc) xem xét hình chụp phổi của bệnh nhân nhiễm COVID-19. Ảnh: AFP
Bác sĩ Owen Tsang Tak-yin, giám đốc y khoa của Trung tâm Bệnh truyền nhiễm thuộc Bệnh viện Princess Margeret (quận Quỳ Thanh) cho biết các bệnh nhân "thở hổn hển khi đi bộ nhanh hơn một chút".
"Một vài bệnh nhân có thể đã giảm 20%-30% chức năng phổi sau khi bình phục" - bác sĩ Tsang nói tiếp.
Ông khuyến cáo các bệnh nhân xuất viện có thể áp dụng các bài tập thể dục cho tim mạch như bơi lội để hồi phục từ từ.