Tình hình đại dịch COVID-19 tính đến sáng 11-4

Tính đến 7 giờ ngày 11-4, trang thống kê Worldometer dẫn nguồn cơ quan y tế các nước ghi nhận thế giới đã có 102.667 người tử vong vì đại dịch viêm đường hô hấp cấp do virus SARS-CoV-2 gây ra (tên chính thức là đại dịch COVID-19), 1.697.356 ca nhiễm.  

Như vậy, so với số liệu tối 10-4, số ca tử vong tăng thêm 5.701 ca, số ca nhiễm tăng thêm 78.283 ca.

Ngoài ra, toàn thế giới có 376.106 người được chữa khỏi, tăng 10.259 ca so với số liệu tối 10-4. Hiện đại dịch đã lan ra 210 quốc gia và vùng lãnh thổ.

Số ca tử vong do COVID-19 trên toàn cầu vượt 100.000 người, ca nhiễm hơn 1,6 triệu

Đã có ít nhất 102.667 người chết vì đại dịch COVID-19, theo số liệu thống kê của Worldometer. Số người nhiễm bệnh tính đến nay là 1.697.356 người.

Theo hãng tin Reuters, số ca tử vong trên toàn cầu tăng từ 6% đến 10% trong tuần qua. Chỉ riêng số liệu hôm 9-4, trên toàn cầu đã có thêm 7.300 người chết.

Các nhân viên y tế đang làm việc tại một điểm xét nghiệm COVID-19 ở khu vực Landover, bang Maryland. Ảnh: AP

Hiện quốc gia có người tử vong cao nhất thế giới vẫn là Ý với 18.849 ca. Cao thứ hai là Mỹ với 18.699 ca. Tây Ban Nha đứng vị trí thứ ba với 16.081 ca và Pháp cao thứ tư với 13.197 ca.

Con số tử vong vì dịch bệnh COVID-19 trên khắp thế giới có thể sẽ còn cao hơn con số được báo cáo, do tại nhiều quốc gia, dữ liệu chính thức chỉ bao gồm các trường hợp tử vong được báo cáo tại bệnh viện, không kể các trường hợp tử vong tại nhà hoặc viện dưỡng lão.

Tính đến nay, Mỹ vẫn đang có số người nhiễm cao nhất thế giới với 501.880 ca. Xếp thứ hai là Tây Ban Nha với 158.273 ca. Ý có số người nhiễm đứng thứ ba thế giới với 147.577 ca và Pháp đứng thứ tư với 124.869 ca.

Mỹ đón tuần lễ Phục sinh không có thánh lễ tại nhà thờ

Theo thống kê của trang Worldometer, số ca tử vong do dịch COVID-19 tại Mỹ đang gần bắt kịp Ý, với 18.699 ca, tức vừa tăng thêm 2.017 ca.

Trong khi đó, số lượng ca nhiễm mới có dấu hiệu giảm, cho thấy hiệu quả của việc chính quyền các bang buộc người dân ở nhà. Trong vòng 24 giờ, Mỹ ghi nhận thêm 33.314 ca nhiễm mới, đưa tổng số ca nhiễm ở nước này lên 501.880 ca, cao nhất thế giới tính đến thời điểm hiện tại.

Thời điểm này, người Mỹ theo đạo công giáo đang chuẩn bị đón lễ Phục sinh. Tuy nhiên, do tình hình dịch bệnh COVID-19 vẫn còn đang diễn biến phức tạp nên các nhà thờ vẫn phải đóng cửa và chỉ tổ chức thánh lễ trực tuyến.

Ngày 10-4, giới lãnh đạo và chuyên gia y tế đã cảnh báo các tín hữu không tập trung tại nhà thờ và vẫn phải đảm bảo giãn cách xã hội.

Dịch bệnh ở Anh có dấu hiệu giảm nhưng vẫn còn rất nguy hiểm

Phó giám đốc Y tế Anh, ông Jonathan Stafford Van Tam nói rằng tình hình dịch bệnh ở Anh vẫn chưa đạt đỉnh và còn rất nguy hiểm, theo đài CNN.

"Điều này chưa kết thúc, chúng ta phải tiếp tục cố gắng duy trì giãn cách xã hội. Chúng ta phải dồn hết tâm trí để có được kết quả trong vài tuần tới" - ông Tam nói tại cuộc họp báo hằng ngày tại số 10 Phố Downing hôm 10-4.

"Tình hình dịch bệnh vẫn còn rất nguy hiểm, chúng ta phải tiếp tục thực hiện các biện pháp để kiểm soát nó" - ông Tam nói thêm.

Một tấm bảng cầu chúc cho Thủ tướng Boris Johnson nhanh khỏi bệnh được đặt tại một góc đường làng Swynnerton, hạt Staffordshire, Anh. Ảnh: REUTERS

Theo đài Channel News Asia, Thủ tướng Boris Johnson đã có thể đi lại trong bệnh viện vào 10-4, khoảng 24 giờ sau khi ông được đưa ra khỏi phòng chăm sóc đặc biệt.

"Thủ tướng đã có thể đi được một đoạn ngắn, vừa đi vừa nghỉ ngắt quãng" - một phát ngôn viên của số 10 Phố Downing cho biết.

Trước đó, ngày 9-4, Thủ tướng Johnson, 55 tuổi, đã phải vào phòng chăm sóc tích cực tại BV St Thomas của London sau khi tình trạng sức khỏe của ông có dấu hiệu xấu đi. Tuy nhiên, đến bây giờ tình trạng sức khỏe của ông đã dần ổn định, hết sốt, có thể ngồi dậy và đi lại. 

Tin tức về tình hình sức khỏe của thủ tướng Anh trái ngược với các số liệu thống kê mới nhất về tình hình dịch bệnh COVID-19 ở nước này.

Tính đến sáng 11-4 (giờ Việt Nam), nước Anh đã có 8.958 ca tử vong, tăng thêm 980 ca chỉ trong vòng 24 giờ. Đây là con số tử vong hàng ngày cao nhất mà nước này ghi nhận được từ khi dịch bệnh bùng phát, Bộ trưởng Y tế Matt Hancock cho biết hôm 10-4.

Nước Anh cũng ghi nhận thêm 8.681 ca nhiễm mới, nâng tổng số ca nhiễm nước này lên 73.758 ca.

Ý kéo dài thời hạn phong tỏa

Thủ tướng Ý Giuseppe Conte ngày 10-4 đã gia hạn phong tỏa toàn quốc đến ngày 3-5 và cho biết một số cửa hàng sẽ được hoạt động trở lại vào tuần tới.

Vào ngày 9-3, chính phủ Ý đã ra lệnh đóng cửa tất cả doanh nghiệp và các cửa hàng trên khắp nước Ý cho đến hết ngày 12-4. Tuy nhiên, do tình hình dịch bệnh COVID-19 vẫn chưa có dấu hiệu tiến triển nên lệnh phong tỏa phải tiếp tục được gia hạn thêm gần một tháng nữa.

“Đây là một quyết định khó khăn nhưng cần thiết” - ông Conte nói tại cuộc họp báo ngày 10-4.

Hai người Ý đeo khẩu trang đi trên một cây cầu ở Venice, Ý. Ảnh: REUTERS

Tuy nhiên, ông Conte cho biết một số doanh nghiệp như hiệu sách, cửa hàng bán quần áo trẻ em có thể mở cửa trở lại từ ngày 14-4. Ông còn cho biết sẽ tiếp tục đánh giá tình hình dịch bệnh hàng ngày và sẽ có hành động phù hợp với điều kiện cho phép.

Tính đến sáng 11-4 (giờ Việt Nam), Ý đã ghi nhận 18.849 ca tử vong do dịch bệnh COVID-19 kể từ khi dịch bệnh bùng phát vào ngày 21-2. Đây là quốc gia có số ca tử vong cao nhất trên thế giới hiện nay.

Quốc gia này hiện đã có 147.577 ca nhiễm, đứng thứ ba thế giới sau Mỹ và Tây Ban Nha.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm