Tình hình đại dịch COVID-19 tính đến sáng 22-5

Tính đến 6 giờ 20 phút sáng 22-5 (giờ Việt Nam), trang thống kê Worldometer dẫn nguồn cơ quan y tế các nước ghi nhận toàn thế giới đã có 334.012 người tử vong vì đại dịch viêm đường hô hấp cấp do virus SARS-CoV-2 gây ra (tên chính thức là đại dịch COVID-19), trong tổng số 5.188.011 ca nhiễm.

Như vậy, so với tối 21-5, số ca tử vong tăng 3.906, số ca nhiễm tăng 77.906.

Ngoài ra, thế giới cũng có 2.078.159 bệnh nhân đã hồi phục.

Mỹ: Hơn 500 bác sĩ cảnh báo đóng cửa kéo dài có thể khiến hàng triệu người tử vong

Các bác sĩ và các nhà nghiên cứu cảnh báo rằng các biện pháp phong tỏa kéo dài nhằm khống chế dịch COVID-19 có thể dẫn tới số người chết còn cao hơn cả số người chết do virus, theo hãng tin Sputnik.

Hơn 500 bác sĩ hôm 19-5 đã gởi một lá thư tới Tổng thống Donald Trump để gióng hồi chuông cảnh báo về những hậu quả nghiêm trọng đối với sức khỏe cộng đồng nếu kéo dài các biện pháp phong tỏa.

Nhân viên bệnh viện chuyển những người qua đời do COVID-19 tới nhà xác bên ngoài Trung tâm y tế Brooklyn ở New York, Mỹ hôm 7-5. Ảnh: GETTY

Các bác sĩ cho rằng lệnh phong tỏa toàn quốc gây nguy hiểm cho hàng triệu người Mỹ vì họ buộc phải bỏ lỡ các cuộc kiểm tra định kỳ vốn có thể phát hiện những bệnh nghiêm trọng như ung thư hay ngăn ngừa các trường hợp đột quỵ và đau tim.

“Không thể nói hết được những tác hại ngắn, trung và dài hạn đối với sức khỏe của người dân nếu tiếp tục đóng cửa. Mất việc làm là một trong những điều gây căng thẳng nhất trong cuộc sống”, thư viết.

Các bác sĩ nêu ra một số mặt trái của lệnh phong tỏa như số cuộc gọi tới đường dây nóng về trường hợp tự tử tăng vọt và việc bán rượu cũng tăng mạnh.

Bác sĩ Simone Gold, người dẫn đầu nhóm bác sĩ viết thư đồng thời là người đồng sáng lập một nhóm chống phong tỏa của bác sĩ có tên A Doctor A Day, cho rằng hầu hết nỗ lực nên tập trung vào giúp đỡ phần dân số dễ bị tổn thương nhất, thay vì cố gắng giữ xã hội được “an toàn”.

Nhiều nghiên cứu dự đoán rằng lệnh phong tỏa có thể đưa tới những cái chết tiềm ẩn và gián tiếp. Nghiên cứu của quỹ Well Being Trust công bố trong tháng này ước tính lên tới 75.000 người có thể tử vong do uống rượu hoặc lạm dụng ma túy, tự tử khi đối mặt với áp lực do thất nghiệp, cách ly và cảm giác không chắc chắn.

Một nghiên cứu khác của tổ chức phi lợi nhuận Just Facts kết luận rằng sự bất an do COVID-19 sẽ “hủy hoại cuộc sống của con người gấp bảy lần so với việc có thể cứu người nhờ lệnh phong tỏa”.

Mỹ đến nay vẫn là nước có dịch nghiêm trọng nhất thế giới với 1.618.903 ca nhiễm và 96.228 ca tử vong, theo Worldometer.

Châu Phi: Nam Phi có thể có 50.000 người chết, Đông Phi đối mặt ba mối đe dọa cùng một lúc

Tại Nam Phi, theo kênh Al Jazeera, các mô hình khoa học chỉ ra rằng nước này có thể chứng kiến tới 50.000 người tử vong do COVID-19 và ba triệu ca nhiễm vào cuối năm nay do mùa đông ở Nam Bán cầu khiến tỉ lệ lây nhiễm cao hơn.

Quốc gia này đã ghi nhận số ca nhiễm và số ca tử vong cao nhất châu lục với hơn 19.137 ca nhiễm và 369 ca tử vong, theo Worldometer. Tuy nhiên, lệnh phong tỏa toàn quốc trong sáu tuần qua đã làm chậm đà lây lan dịch bệnh.

Người dân xếp hàng chờ nhận thực phẩm trong thời gian phong tỏa toàn quốc ở TP Johannesburg, Nam Phi. Ảnh: EPA-EFE

Dù vậy, các nhà khoa học và nhà thống kê dự báo đến tháng 11, Nam Phi có thể chứng kiến từ 35.000 tới 50.000 ca tử vong.

Tại Đông Phi, báo The Guardian dẫn báo cáo của Hội Chữ thập đỏ cho biết quốc gia này đang đối mặt với “bộ ba đe dọa” khi mưa lớn đang xảy ra ngăn chặn các nỗ lực đối phó nạn dịch châu chấu giữa mùa đại dịch COVID-19.

Lũ lụt đã giết chết gần 300 người và buộc khoảng 500.000 người di tản. Số người sơ tán này bị nhồi nhét trong những nơi trú ẩn tạm thời vốn khó khăn hoặc không thể thực hiện giãn cách xã hội để tránh nhiễm virus. Trong khi đó, cuộc khủng hoảng châu chấu tồi tệ nhất trong hàng thập kỷ qua đang tàn phá mùa màng.

Ông Simon Missiri, giám đốc Liên đoàn Chữ thập đỏ quốc tế và Hội Trăng lưỡi liềm đỏ tại khu vực châu Phi nói rằng tình trạng lũ lụt đang xảy ra làm trầm trọng thêm các mối đe dọa khác gây ra bởi COVID-19 và nạn dịch châu chấu.

Các biện pháp hạn chế du lịch và di chuyển nhằm làm chậm sự lây lan dịch bệnh đang cản trở các nỗ lực chống các đàn châu chấu tàn phá mùa màng. Lũ lụt cũng làm gia tăng sự lây lan virus vì khó có thể thực hiện các biện pháp phòng ngừa trong tình hình như vậy.

“Chúng tôi lo ngại rằng số người thiếu ăn và đau ốm sẽ gia tăng trong những tuần tới khi lũ lụt và COVID-19 tiếp tục ảnh hưởng nghiêm trọng tới khả năng đối phó của nhiều gia đình trong khu vực”, ông Missiri cho biết.

Theo số liệu của Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh châu Phi, tính đến nay, số người nhiễm COVID-19 tại châu Phi là 95.201. Số người chết do COVID-19 tại châu lục này là 2.997. Ngoài ra, có 38.075 bệnh nhân đã hồi phục tại châu Phi.

Hãng dược AstraZeneca sẽ sản xuất 1 tỉ liều vaccine COVID-19 nếu thử nghiệm thành công

Tập đoàn dược phẩm sinh học toàn cầu đến từ Anh và Thụy Điển AstraZeneca hôm 21-5 cho biết họ hy vọng có thể cung cấp một tỉ liều COVID-19 tiềm năng trong năm nay và năm tới nếu các cuộc thử nghiệm thành công. AstraZeneca nói thêm họ sẽ sớm có kết quả xét nghiệm lâm sàng giai đoạn đầu, theo kênh Channel News Asia.

AstraZeneca cho biết công ty này đã ký các thỏa thuận đầu tiên để cung cấp ít nhất 400 triệu liều vaccine mà họ đang phát triển cùng với ĐH Oxford.

Chính phủ Mỹ đã đặt trước 300 triệu liều vaccine COVID-19 đầy hứa hẹn và hy vọng những liều vaccine đầu tiên này có thể được cung cấp vào tháng 10.

AstraZeneca cho hay họ cũng thừa nhận rằng vaccine có thể không hiệu quả nhưng nếu các kết quả từ các cuộc thử nghiệm của giai đoạn đầu khả quan, họ sẽ đi tới các cuộc thử nghiệm giai đoạn cuối tại một số quốc gia.

Hiện chưa có phương pháp điều trị hay vaccine ngừa COVID-19 nào được phê duyệt để các đại gia dược phẩm trên thế giới thử nghiệm. Các chuyên gia dự đoán để phát triển một loại vaccine ngừa COVID-19 an toàn và hiệu quả có thể phải mất từ 12-18 tháng.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm