Đến 7 giờ sáng ngày 29-2, báo South China Morning Post dẫn số liệu từ Ủy ban Y tế Quốc gia Trung Quốc cho biết toàn thế giới đã ghi nhận 2.923 người tử vong vì dịch COVID-19, tổng số ca nhiễm bệnh là 84.132 người và có 36.444 bệnh nhân được chữa khỏi.
Trong đó, số ca tử vong và ca nhiễm tại Trung Quốc đại lục lần lượt là 2.835 và 79.251. Số ca tử vong mới thông báo ngày 29-2 là 47 (45 ca ở tâm dịch Hồ Bắc). Số ca nhiễm mới của Trung Quốc đại lục thông báo ngày 29-2 là 427 ca, nhiều hơn 100 ca so với số ca nhiễm mới ngày 28-2 (327 ca).
So với số liệu tối 28-2, bên ngoài lãnh thổ Trung Quốc đại lục ghi nhận thêm tổng cộng 9 trường hợp tử vong vì dịch COVID-19 và 400 ca nhiễm mới. Các nước có người tử vong mới là Ý (4 người), Hàn Quốc (2 người), Nhật (1 người) và 2 du khách trên du thuyền Diamond Princess.
Người lớn tuổi sống một mình ở Hong Kong là đối tượng dễ tổn thương nhất trong dịch COVID-19. Ảnh: SCMP
Như vậy, có tổng cộng chín nước đã có người chết vì dịch COVID-19, bao gồm Trung Quốc (2.788 người), Iran (34 người), Ý (21 người), Hàn Quốc (16 người), Nhật (5 người), Hong Kong (2 người), Pháp (2 người), Đài Loan (1 người) và Philippines (1 người). Ngoài ra, có 6 du khách trên tàu Diamond Princess đã tử vong.
Riêng tại Việt Nam, 16/16 bệnh nhân mắc COVID-19 đã được điều trị thành công và được xuất viện. Trong số 105 người đang bị cách ly, chưa ghi nhận thêm trường hợp nào dương tính với COVID-19.
WHO cảnh báo dịch bệnh ở mức cao nhất
Hãng tin Reuters dẫn lời Tổng Giám đốc WHO - ông Tedros Adhanom Ghebreyesus - cho biết tổ chức này đã nâng mức báo động toàn cầu của dịch COVID-19.
"Chúng tôi đã tăng mức đánh giá về nguy cơ lây lan và ảnh hưởng của dịch COVID-19 lên mức rất cao ở quy mô toàn cầu" - ông Tedros cho biết, nhấn mạnh đây là mức cảnh báo dịch bệnh cao nhất của WHO.
Tuy nhiên, ông Tedros cũng cho rằng hiện dịch bệnh vẫn còn có thể ngăn chặn được khi phần lớn quá trình lây nhiễm là qua tiếp xúc gần với người bệnh hoặc có liên hệ với những người nhiễm bệnh trước đó.
"Chúng tôi hiện chưa có bằng chứng về việc virus này đang lây lan tự do trong cộng đồng. Với tình hình này, chúng ta vẫn có cơ hội kiềm chế sự lây lan của virus nếu có hành động quyết liệt trong việc phát hiện, cách ly và chăm sóc cho các ca mắc" - Tổng Giám đốc WHO nói.
Israel nói có thể có vaccine ngừa COVID-19 trong 90 ngày. Ảnh: SPUTNIK
"Việc nâng mức báo động phản ánh đúng điều gì đang xảy ra ở quy mô toàn cầu: Ngày càng nhiều quốc gia phải vật lộn với việc ngăn chặn dịch bệnh và vì thế chúng tôi phải nâng mức báo động", Phó Tổng Giám đốc WHO Mike Ryan giải thích về nguyên nhân của quyết định trên.
Điều chế hơn 20 loại vaccine, có thể có sau 90 ngày
Trong cuộc họp báo ngày 28-2, ông Tedros khẳng định thế giới đang có nhiều tiến bộ trong việc điều chế vaccine và xây dựng phác đồ điều trị COVID-19.
"Hơn 20 loại vaccine đang được phát triển trên toàn cầu và một số phác đồ đang được thử nghiệm lâm sàng. Chúng tôi hy vọng kết quả đầu tiên sẽ có trong vài tuần tới", Tổng Giám đốc WHO nói.
Trong khi đó, Bộ Khoa học và Công nghệ Israel thông báo loại vaccine ngừa COVID-19 do nước này phát triển có thể cho kết quả trong vài tuần tới và có sẵn trong vòng 90 ngày tới.
Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Israel, ông Ofir Akunis chúc mừng thành công trên của Viện nghiên cứu Galilee - đơn vị phát triển vaccine - và tin rằng "sẽ còn có những tiến bộ nhanh chóng hơn nữa, cho phép chúng ta đưa ra những phản ứng cần thiết trước mối đe dọa nghiêm trọng của dịch COVID-19 trên toàn cầu".
Theo hãng tin Sputnik, thành quả nhanh chóng này là nhờ quá trình phát triển vaccine ngừa virus viêm cuống phổi ở gia cầm - một chủng virus thuộc họ Corona. Các nhà khoa học nhận thấy sự tương đồng giữa hai chủng virus nên đã áp dụng phương pháp tương tự để điều chế vaccine ngừa COVID-19.
WHO nâng cảnh báo dịch bệnh lên mức "rất cao" và lo ngại nhiều nước chưa sẵn sàng áp dụng các biện pháp kiểm soát dịch giống như Trung Quốc. Ảnh: AP
Theo Giám đốc điều hành của Viện nghiên cứu Galilee, ông David Zigdon, trung tâm này đang "làm mọi thứ có thể để đẩy nhanh việc phát triển vaccine" và cho biết vaccine có thể "có được chứng nhận an toàn trong 90 ngày".
Các nước chưa sẵn sàng chống dịch như Trung Quốc
Tính đến sáng 29-2, đã có tổng cộng 58 quốc gia và vùng lãnh thổ phát hiện có người nhiễm COVID-19. Trong đó, các nước như Hàn Quốc, Iran và Ý đang có nguy cơ trở thành những ổ dịch mới.
Số ca tử vong ở Iran và Ý đã tăng nhanh trong hơn một tuần qua. Hiện hai nước này đã có lần lượt 34 và 21 bệnh nhân qua đời sau khi nhiễm COVID-19. Còn Hàn Quốc là nước có số ca nhiễm bệnh cao nhất bên ngoài Trung Quốc đại lục, với tổng cộng 2.337 ca bệnh.
WHO cho biết nhiều nước chưa sẵn sàng để áp dụng các biện pháp như Trung Quốc đã làm để khống chế sự lây lan của virus COVID-19, theo hãng tin Al Jazeera.
"Hiện chỉ có những biện pháp này được chứng minh tính hiệu quả trong việc chặn đứng hoặc giảm thiếu tối đa chuỗi lây nhiễm ở người", báo cáo của WHO cho biết.
"Nguyên tắc cơ bản của các biện pháp này là chủ động tối đa việc giám sát để phát hiện ngay lập tức các ca bệnh, chẩn đoán rất nhanh chóng và cách ly ngay lập tức, truy tìm nghiêm ngặt và cách ly người có tiếp xúc gần, mức độ hiểu biết cực kỳ cao và sự tuân thủ các biện pháp này từ phía người dân", WHO mô tả.