Ngày bầu Hiển đưa “Hà Nội 2” từ Thủ đô vào đổi tên thành Sài Gòn FC nhiều người đã thấy dị dị. Dị nhưng người TP.HCM vẫn kiên nhẫn chờ bởi ở đấy có một lời hứa hẹn từ những “người lớn” mà họ khoác vào đấy mỹ từ mang đội bóng vào tặng người có vai vế ở TP.HCM.
Bầu Hiển, người mang "Hà Nội 2" vào TP.HCM đổi tên Sài Gòn FC và được nói rằng đây là món quà tặng "người thân" ở TP.HCM. Ảnh: ANH PHƯƠNG |
Chẳng bao lâu thì “người lớn” không thể lớn được nữa và những người khai sinh đội bóng vỡ lẽ ra rằng đất Sài Gòn cũng không dễ để kinh doanh bắt đầu từ đội bóng như mọi địa phương khác.
Và Sài Gòn FC đã được bán cho hai ông chủ ít ồn ào ở TP.HCM với cái giá rất rẻ. Chủ đổi chứ tên không đổi và những người tiếp nhận đội bóng đã mở ra một chiến dịch PR thật hoành tráng. Cái tên Sài Gòn FC, có lúc nhờ vào chiến dịch đấy mà làm chìm đi cái tên CLB TP.HCM đã định hình từ bóng đá trẻ TP.HCM phát triển lên.
Cái slogan “Vì yêu mà đến” gắn với những tuyên bố của một ông bầu mới lộ diện cùng với thành tích thuyết phục ngay mùa đầu đổi chủ khiến người Sài Gòn bắt đầu nhen nhúm với một thứ tình yêu từ một cái tên và lời hứa làm bóng đá tử tế.
Nhen nhúm một tình yêu đối với người hâm mộ TP.HCM "Vì yêu mà đến". Ảnh: ANH PHƯƠNG |
Nhưng bóng đá tử tế cần phải có những cái tâm của những người tử tế và nhất là đừng bao giờ dùng đội bóng để làm công cụ cho những phi vụ ở đất Sài Gòn.
Sau một mùa thăng tiến, Sài Gòn FC bắt đầu có sự phân hoá. Hai ông chủ hai phe và người lộ diện càng lộ nhiều với các chiến dịch hoành tráng như liên kết với Nhật Bản để Nhật hoá Sài Gòn FC. Người còn lại vẫn cứ ẩn, dần dần họ không còn gặp nhau ở điểm đến.
| |||
| ||
Sài Gòn FC vẫn còn cái đầu nhưng đấy là cái đầu của ông chủ từng thành công trong lĩnh vực kinh doanh nhưng lại thiếu cái đầu làm bóng đá. Thầy Nhật đến rồi thầy Nhật lẳng lặng đi và cầu thủ Nhật cũng đi bởi bóng đá Việt Nam khác xa với Nhật nhiều lắm. Sài Gòn FC tuột dần từ mùa bóng đá nửa chặng thì nghỉ dịch sang đến mùa chỉ có 1 đội xuống hạng.
Gắng nhiều, gượng nhiều cho đến không thể gượng được nữa thì lại có một cú chuyển giao chết người. Thương trường họ tinh lắm khi chỉ ra ngay là ông chủ bất động sản này đuối quá đã cấn nợ cho ông chủ bất động sản khác để phủi tay bỏ lại một mớ hồ sơ dang dở trong đó nhiều cầu thủ đá ¾ mùa vẫn chưa nhận được tiền chuyển nhượng, lót tay…
Xuống hạng và giải tán. Ảnh: ANH PHƯƠNG |
Khi niềm tin bị đánh cắp. Ảnh: ANH PHƯƠNG |
Đúng lúc Sài Gòn FC cần sự động viên lớn nhất về tinh thần và cần những khoản kinh phí để tồn tại thì họ hoang mang. Ông chủ mới lặn tăm không khác gì bất động sản đóng băng. Cơ ngơi Thành Long mua về mong được chuyển mục đích sử dụng nhưng vẫn chưa có một động thái nào đảm bảo cho sự lay chuyển đấy…
Cầu thủ bắt đầu lo cho số phận của mình khi nhìn ra đến người nhận lời về giúp đội như Lê Huỳnh Đức mà cũng không liên lạc được với ông chủ, không tìm được chỗ bám và phải bỏ cả con thuyền đắm thì họ là cái đinh gì?
Trước trận cầu quyết định khu VIP sân Thống Nhất chẳng có ai của Sài Gòn FC trong khi sân Hà Tĩnh thì rừng người đến hò reo để chờ mở hội sau 90 phút cuối giải. Đến giờ thì hơn ai hết ban huấn luyện Sài Gòn FC lẫn từng cầu thủ mới cảm nhận rõ hơn về slogan “Vì yêu mà đến”.
Những giọt nước mắt rưng rức sau 90 phút trên sân Thống Nhất đã nói thay tất cả. Chỉ còn các cầu thủ gặm nhấm nỗi đau của chính mình. Có người giải nghệ, người tìm bến đỗ mới nhưng đau nhất vẫn là niềm tin.
Từ niềm tin vào lời hứa hẹn của người lớn như hồi bầu Hiển mang con vào TP.HCM lấy tên Sài Gòn FC đến niềm tin làm bóng đá tử tế theo kiểu “Vì yêu mà đến”.