Mùa này mưa nắng thất thường, dù tôi chăm con rất kĩ nhưng con trai 1 tuổi của tôi vẫn hay ốm vặt, ho có đờm. Xin bác sĩ chia sẻ phương pháp chăm trẻ đúng cách để giúp con ngừa các bệnh hô hấp? (Nguyễn Mỹ Anh, 35 tuổi, ngụ Tiền Giang)
Trả lời
Hiện nay thời tiết biến động khắc nghiệt, mưa nắng thất thường tạo điều kiện cho virus, siêu vi, vi khuẩn phát triển nhiều. Từ đó dẫn đến nguy cơ trẻ em mắc các bệnh hô hấp.
Trong bối cảnh bệnh hô hấp tăng, phụ huynh cần nắm các biện pháp phòng ngừa phổ quát để chăm sóc trẻ một cách khoa học, giúp trẻ tránh nhiễm khuẩn hô hấp cấp. Tuy nhiên vẫn có một số phụ huynh còn mắc sai lầm trong chăm sóc, phòng ngừa bệnh cho trẻ.
Một số phụ huynh buổi sáng thường rửa mũi, phun khí dung cho trẻ nhưng không chú trọng vệ sinh dụng cụ. Hay nhỏ nước muối sinh lý cho trẻ nhưng không biết rằng lọ nước muối chỉ được sử dụng tối đa 48 tiếng. Nếu xài quá lâu, lọ nước muối cũng có thể bị nhiễm khuẩn.
Những việc này vô tình “cấy” vi khuẩn vào hệ hô hấp của trẻ. Việc sử dụng một khăn tắm để lau cho nhiều trẻ cũng vô tình lây bệnh hô hấp.
Mùa này ban ngày trời nắng nóng, ban đêm trời lạnh khiến trẻ có thể bị nhiễm lạnh, nhiễm khuẩn hô hấp cấp, vì thế cần giữ ấm trẻ. Đa số các phụ huynh chỉ giữ ấm lồng ngực cho trẻ.
Có ba vị trí quan trọng cần giữ ấm cho trẻ để phòng ngừa bệnh hô hấp nhưng nhiều người không chú ý:
- Vị trí thứ nhất là mỏ ác, tức là thóp trước đối với trẻ nhỏ.
- Vị trí thứ hai là lòng bàn chân, nếu lòng bàn chân lạnh thì trẻ cũng dễ bị sụt sịt.
- Vị trí thứ ba là mông, nếu mông trẻ bị ẩm ướt, tã ướt thì trẻ dễ bị sụt sịt.
Để phòng bệnh hô hấp cho trẻ, cần đảm bảo dinh dưỡng theo lứa tuổi.
Với trẻ dưới 2 tuổi, nên tận dụng nguồn sữa mẹ để trẻ được thừa hưởng dòng kháng thể, dinh dưỡng tốt nhất từ sữa mẹ giúp bảo vệ trẻ trước các vi khuẩn tấn công.
Cần cho trẻ tiêm ngừa đúng lịch để trẻ được miễn dịch các bệnh hô hấp cũng như bệnh thông thường như cúm, bạch hầu, uốn ván, ho gà, bệnh haemophilus type b hoặc viêm gan siêu vi B, sởi,… từ đó tạo miễn dịch cộng đồng tốt.
Với trẻ dưới 3 tuổi, nên đưa trẻ đến các cơ sở y tế để uống vitamin A định kỳ, ngừa các bệnh thiếu vitamin A gây ảnh hưởng đến thị lực, niêm mạc đường hô hấp, đường tiêu hóa,... Việc này giúp trẻ tăng cường hệ miễn dịch, ít bị nhiễm trùng gây bệnh hô hấp cấp.
BS CKII Nguyễn Minh Tiến, Phó Giám đốc BV Nhi đồng Thành phố.