Vụ thảm sát tại tuần báo châm biếm Charlie Hebdo ở thủ đô Paris khiến chín nhà báo và hai cảnh sát thiệt mạng là sự kiện mở đầu cho “cơn ác mộng” mà Pháp phải hứng chịu trong suốt mấy ngày qua. Một nhóm thuộc phe cánh hữu tự xưng là “Người châu Âu yêu nước chống lại Hồi giáo phương Tây” đã yêu cầu người biểu tình đeo băng tay màu đen và giữ im lặng một phút tưởng niệm các nạn nhân trong vụ khủng bố tại Paris. Điều này càng khiến người ta lo ngại về làn sóng chống Hồi giáo sẽ lan rộng, phân cực thế giới.
Hồi giáo - Do Thái: Cuộc chiến ngàn năm
Sau khi các cơ quan chức năng Pháp vừa giải quyết xong hai vụ khủng bố bắt cóc con tin liên hoàn tại thủ đô Paris, đã bắt đầu rộ lên những thông tin về một cuộc “tản cư” mới của người Do Thái khỏi kinh đô ánh sáng của châu Âu. Nhiều chuyên gia nhận định không phải ngẫu nhiên mà bọn khủng bố nhắm đến Pháp - hay nhắm đến các tụ điểm có đông đảo người Do Thái sinh sống.
Người Do Thái đang lo sợ phải một lần nữa đối mặt với sự thù hằn đầy chết chóc mà những tín đồ Hồi giáo cực đoan luôn nhắm vào suốt hơn nửa thế kỷ nay. Sự thù hằn này bắt nguồn từ chính sự ra đời của Israel vào năm 1946, khi mà tất cả quốc gia Ả Rập đã thề sẽ không bao giờ thừa nhận sự tồn tại của nhà nước Do Thái. Những cuộc chiến liên miên giữa Israel và các quốc gia Ả Rập, những xung đột không bao giờ chấm dứt tại Dải Gaza giữa người Palestin và chủ nghĩa “Phục quốc Do Thái” trong những năm nửa sau thế kỷ 20 đã đẩy người Do Thái vào tình cảnh bị các tín đồ cực đoan thù hằn đến xương tủy.
Tổ chức khủng bố Al-Qaeda ở bán đảo Ả Rập (AQAP) đã đe dọa sẽ có những cuộc tấn công quy mô lớn hơn vào nước Pháp cũng như các đồng minh trong “cuộc chiến chống khủng bố”. Ảnh: EKEKEEE
Năm 2012, một nhóm Hồi giáo cực đoan đã tấn công vào một ngôi trường Do Thái ngay giữa TP Toulouse. Sự kỳ thị sắc tộc tại Pháp trước nay vốn đã lớn, nay lại càng gay gắt hơn đe dọa tính mạng của cộng đồng người Do Thái khi bọn bắt cóc hôm 9-1 đã nhắm vào khu dân cư Porte de Vincennes, một khu vực có rất nhiều người Do Thái sinh sống. Ngay khi hay tin vụ khủng bố bắt cóc con tin tại một tiệm tạp hóa Do Thái ở khu phố Porte de Vincennes, chính quyền Israel không đợi Pháp nhờ vả đã tức tốc lên tiếng: “Sẵn sàng điều động Mossad (tình báo và đặc nhiệm hàng đầu của Israel - NV) đến hỗ trợ cảnh sát Pháp về mọi mặt”.
Tờ Telegraph tối 9-1 còn đưa tin ngay khi cuộc đột kích vào hai cứ điểm bắt con tin tại Paris đang diễn ra, có sẵn một biệt đội Mossad đã “súng mũ sẵn sàng”, chỉ chờ mỗi một lệnh xuất quân của chính phủ Tel Aviv. Người Do Thái luôn ám ảnh về thảm cảnh dân tộc mình bị diệt chủng hết lần này đến lần khác. Và lần này, trước một không khí khủng bố Hồi giáo đang bao trùm cả châu Âu, họ đang hoang mang hơn bao giờ hết. Chỉ cần là người Do Thái còn hiện diện nhiều (hay ít) ở châu Âu thì nơi này sẽ còn rủi ro chết chóc từ mối thù truyền kiếp giữa Hồi giáo cực đoan và Do Thái.
“Liên minh ma quỷ” sẽ không tha châu Âu
Vài giờ sau khi xảy ra vụ tấn công đẫm máu tại tòa soạn báo Charlie Hebdo, hãng Reuters dẫn lời của một phần tử thánh chiến ở Syria cho biết đây là vụ tấn công do tổ chức Sư tử Hồi giáo thực hiện. Trong khi đó, hãng thông tấn Pháp AFP cho biết Amedy Coulibaly, tay súng khủng bố, bắn chết viên cảnh sát và tấn công bắt cóc con tin tại siêu thị Do Thái ở Porte de Vincennes, trước khi bị cảnh sát bắn chết đã gọi điện thoại cho đồng bọn thúc giục “phe nhà” đẩy mạnh các cuộc tấn công nhằm nhấn chìm nước Pháp trong bể máu. Thẩm phán của Bộ Tư pháp Paris François Molins tiết lộ tên khủng bố Amedy vẫn còn một đồng phạm khác - chính là cô bạn gái tên Boumeddiene - hiện vẫn chưa bị bắt. Theo các kết quả điều tra ban đầu thì “cặp đôi sát thủ” này đã có hơn 500 cuộc trao đổi qua điện thoại với anh em nhà Kouachi. Điều này càng làm vững chắc hơn tuyên bố “hợp tác” của cả hai vụ khủng bố. Truyền hình Pháp cho hay nhóm khủng bố anh em nhà Kouachi và Amedy đã hành động cùng nhau dưới tên gọi Al-Qaeda tại Yemen và Nhà nước Hồi giáo tự xưng IS.
Trong khi đó, vào ngày 8-1, tổ chức phiến quân IS lần đầu tiên đã lên tiếng về vụ thảm sát tại tuần báo châm biếm Charlie Hebdo. Cùng với IS, tổ chức Al Qaeda ở Bắc Phi Hồi giáo đã ra sức ca ngợi đồng bọn - anh em nhà Kouachi và “cặp đôi sát thủ” Amedy là những anh hùng. Bọn ủng hộ thánh chiến còn mượn các phương tiện mạng xã hội để nhấn mạnh vụ thảm sát tại Charlie Hebdo là nhằm báo thù vì tờ báo này “phạm tội ác đối với người Hồi giáo”.
Hiện tồn tại một “liên minh ma quỷ” giữa IS và Al-Qaeda và chúng đã bắt đầu gieo rắc nỗi sợ hãi khắp thế giới. Khi Amedy và anh em nhà Kouachi đã “tử vì đạo” thì việc Al-Qaeda và IS sẽ quay lại trả thù là điều không khó dự báo. Huống hồ chi diễn đàn Media Platform của các phần tử thánh chiến viết: “Nước Pháp là một trong những kẻ thù tàn bạo nhất của Hồi giáo nói chung và IS nói riêng”. Đài truyền hình France 24 dẫn lời Tổng Giám đốc Cơ quan tình báo nội địa Anh Andrew Parker cho biết sau vụ “đẫm máu” tại Paris, lực lượng Al-Qaeda ở Syria không chịu dừng, ngược lại chúng đã lên kế hoạch gây ra các vụ “tấn công hàng loạt” ở phương Tây, trong bối cảnh tình báo châu Âu sẽ bị chúng “vô hiệu hóa”. Vị này cảnh báo Al Qaeda đang chuẩn bị tấn công khủng bố nhằm vào Anh tương tự vụ tấn công báo Charlie Hebdo ở Pháp. Hãng thông tấn Pháp AFP cũng cho biết một kẻ cầm đầu của Al-Qaeda ở bán đảo Ả Rập (AQAP) đã đe dọa sẽ có những cuộc tấn công quy mô lớn hơn vào nước Pháp cũng như các đồng minh trong cuộc chiến chống khủng bố.
Cuộc chiến giữa khủng bố và “phần còn lại” của thế giới
Khi khủng hoảng Paris tạm thời lắng sau các vụ thảm sát, bắt cóc con tin thì cũng là lúc người dân châu Âu ý thức rằng nơi mà họ cho là yên bình suốt những năm qua nay đang đứng trước nguy cơ chiến tranh. Đó không phải đơn giản là một cuộc chiến tranh “chớp nhoáng” - điều mà họ kỳ vọng rất nhiều vào những “công cụ” hữu hiệu như hệ thống đồng minh, nổi bật là Mỹ hay hệ thống quân sự hùng mạnh NATO. Quan trọng hơn cả là người châu Âu đang phải chống lại chính những người cùng gốc là châu Âu nhưng bị tiêm nhiễm bởi một loại ý thức hệ man rợ, diệt chủng từ bọn khủng bố. Đó là chưa nói đến sự trỗi dậy của lực lượng cực hữu, bài ngoại đứng đầu là FN và cha con Le Pen.
Chính Tổng Giám đốc Cơ quan tình báo nội địa Anh Andrew Parker cũng thừa nhận sự quan ngại của châu Âu trước những trường hợp chiến binh thánh chiến người châu Âu vừa trở về từ chiến trường Syria. Nhiều khả năng họ đã bị điều khiển, rất có thể sẽ tấn công vào các địa danh nổi tiếng trên chính quê hương mình. Rất khó đề phòng các trường hợp “người nhà đánh nhau”. Từ khi lực lượng IS nổi dậy tại Trung Đông năm 2014, cùng với sự bất lực tương đối của cuộc tổng tiến công chinh phạt IS của Mỹ và liên minh hùng mạnh, châu Âu trở thành nơi thiếu an toàn nhất. Những người sống sót có mặt tại tòa soạn báo Charlie Hebdo hôm bị tấn công đã thừa nhận “họ tưởng những kẻ sát thủ kia đang làm một trò đùa trước khi từng người một nằm dài trên vũng máu”.
Báo chí phương Tây cho biết hàng loạt cuộc biểu tình tại Pháp và một số nước châu Âu sẽ diễn ra chuẩn bị cho “cuộc chiến khủng bố” tại châu Âu. Chủ tịch Hội đồng châu Âu Donald Tusk và Chủ tịch Ủy ban châu Âu Jean-Claude Juncker cho biết họ sẽ đến Pháp để tham gia vào buổi gặp mặt “xốc lại tinh thần” tại Paris vào ngày Chủ nhật sau vụ tấn công đẫm máu tòa báo Charlie Hebdo.