Sở GTVT lên tiếng về đường riêng cho xe buýt

Liên quan đến việc TP.HCM đang nghiên cứu mở hai làn đường ưu tiên cho xe buýt mà Pháp Luật TP.HCM đã phản ánh trong những ngày qua, một số ý kiến cho rằng cần phải thử nghiệm, đặc biệt thử nghiệm ở những nơi đường đông đúc mới có giá trị.

Ông TRẦN CHÍ TRUNG, Giám đốc Trung tâm Quản lý và điều hành vận tải hành khách công cộng, Sở GTVT TP.HCM:

Tìm đường khác cho người dân

Quyết định 6204/2016 của UBND TP.HCM triển khai thực hiện nghị quyết Đại hội Đảng bộ TP về chương trình giảm ùn tắc giao thông, tai nạn giao thông giai đoạn 2016-2020 yêu cầu thực hiện thí điểm làn đường riêng cho xe buýt trên các đường Võ Thị Sáu và Điện Biên Phủ... Vì vậy, về nguyên tắc thì phải mở làn đường ưu tiên cho xe buýt trên các đường này. Vấn đề là cách làm như thế nào để mang lại hiệu quả cao.

Trong thời gian đầu hoạt động, xe buýt trên đường dành riêng sẽ ảnh hưởng nhiều đến xe cá nhân. Tuy nhiên, khi thực hiện sẽ tổ chức điều chỉnh đèn, biển báo và đặc biệt là tổ chức lại giao thông ở các tuyến đường lân cận để người dân có thể lựa chọn các lộ trình thích hợp khác thay thế.

Các đường Điện Biên Phủ, Võ Thị Sáu đang đông đúc, nếu lấy một phần cho xe buýt thì phần đường còn lại sẽ bị bóp hẹp, sẽ gây ùn ứ. Nhưng khi đó giao thông khu vực sẽ được phân luồng lại để người dân có thêm các lựa chọn khác chứ không phải chỉ duy nhất có hai đường trên là đi được.

Ngoài ra, trung tâm cũng đề nghị người dân chia sẻ khó khăn trong đi lại, chọn tuyến đường di chuyển phù hợp và ủng hộ việc làm đường dành riêng cho xe buýt để TP.HCM đẩy nhanh phát triển vận tải hành khách công cộng.

Nhiều chuyên gia cho rằng xe máy và xe buýt không thể “chung sống hòa bình” trên cùng một làn xe. Ảnh: MP

ThS LÊ TRUNG TÍNH, nguyên Trưởng phòng Quản lý vận tải,  Sở GTVT TP.HCM:

Phải thử ở đường đông xe

Một nguyên tắc được các nước áp dụng là cứ phương tiện nào chở được nhiều người thì được ưu tiên. Xe buýt là phương tiện công cộng, chở nhiều người nên cần ưu tiên, thay vì để nó “tự bơi” trong biển xe máy, ô tô.

Việc mở đường ưu tiên hoặc làn dành riêng thì mới đẩy được tốc độ của xe buýt, rút ngắn thời gian đi lại và thu hút hành khách. Lẽ ra TP.HCM phải bố trí việc này từ lâu chứ không phải đến bây giờ mới bàn.

Tôi cho rằng nên chọn những tuyến đường đông đúc, khó nhất để thí điểm thì mới có giá trị. Tuyến đường càng đông đúc, càng phải làm thử và khi thành công (như tuyến BRT ở Hà Nội bị phản ứng mạnh trước khi thử nghiệm song vẫn thành công) thì mới mong mở rộng ra các đường khác.

Trước tiên, nếu chưa tổ chức làn đường riêng thì dành một làn ưu tiên cho xe buýt. Khi xe buýt hoạt động thì các loại phương tiện khác phải né và nhường đường. Về sau sẽ dành hẳn một làn đường dành riêng cho xe buýt như tuyến xe buýt nhanh ở Hà Nội. Các xe buýt này vẫn phải theo hệ thống đèn tín hiệu chung, nghĩa là phải dừng tại các điểm giao cắt khi gặp đèn đỏ. Hoạt động này thành công thì tiến tới một bước nữa là tổ chức đèn tín hiệu giao thông ưu tiên cho xe buýt khi qua giao lộ và tạo thành “làn sóng xanh” để xe buýt đi xuyên suốt, chỉ phải dừng đón/trả khách tại các trạm chứ không phải dừng chờ đèn tín hiệu.

Dự kiến các đường Võ Thị Sáu và Điện Biên Phủ (đều rộng 12 m với ba làn xe một chiều) sẽ được phân thành bốn làn xe, trong đó dành riêng một làn đường cho xe buýt.

Theo tính toán, khi xe buýt đi trên hai tuyến đường này sẽ giúp rút ngắn ít nhất 30% thời gian hành trình. Trong đó, đường Võ Thị Sáu có sáu tuyến xe buýt với 850 chuyến/ngày, đường Điện Biên Phủ có bảy tuyến xe buýt với 1.193 chuyến/ngày.

Đừng bỏ lỡ

Đọc thêm