Theo tờ trình gửi Chính phủ, Bộ GTVT cho biết Luật Quy hoạch (vừa được Quốc hội thông qua) có hiệu lực từ 1-1-2019, vì vậy phải sửa đổi các nội dung liên quan đến quy hoạch trong Luật Giao thông đường bộ, Luật Giao thông đường thủy nội địa, Bộ luật Hàng hải Việt Nam. Mục đích nhằm đảm bảo sự đồng bộ, thống nhất với các quy định của Luật Quy hoạch.
Trong đó, đáng chú ý là việc sửa đổi nội dung về quy hoạch trong Luật Giao thông đường bộ. Theo đó, Bộ GTVT đưa ra hai chính sách sửa đổi. Cụ thể, chính sách 1, sửa đổi Luật Giao thông đường bộ theo hướng Bộ GTVT chỉ lập quy hoạch “mạng lưới đường bộ cấp quốc gia”. Tuy nhiên, Bộ GTVT khẳng định chính sách này không khả thi. Nếu triển khai trên thực tế sẽ gây ra khoảng trống trong quy hoạch và không phân định được trách nhiệm của các cấp.
Đối với chính sách 2, sửa đổi Luật Giao thông đường bộ theo hướng sửa lại tên quy hoạch trong Luật Quy hoạch là “Quy hoạch kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ”. Bộ GTVT khẳng định chính sách này khả thi. Vẫn đảm bảo chỉ có một quy hoạch ngành kết cấu hạ tầng quốc gia trong lĩnh vực đường bộ và đáp ứng được hiệu quả quản lý, không làm phát sinh thêm chi phí hay các nguồn lực khác của xã hội so với việc thực hiện dự thảo Luật Quy hoạch và các quy định hiện tại của Luật Giao thông đường bộ.
Trước đó, trong đánh giá tình hình thực hiện chính sách, pháp luật về quy hoạch hạ tầng giao thông. Bộ GTVT khẳng định trong những năm qua việc quy hoạch phát triển giao thông vẫn được chú trọng. Cụ thể, về đường bộ, ưu tiên triển khai đầu tư khoảng 2.000 km đường cao tốc theo quy hoạch. Đặc biệt, lựa chọn đầu tư những đoạn có nhu cầu trên tuyến đường bộ ven biển gắn với đê biển.
Đường sắt, tập trung, ưu tiên nâng cấp, hiện đại hóa tuyến đường sắt Bắc-Nam. Bên cạnh đó, tiếp tục nghiên cứu các phương án khả thi để có kế hoạch đầu tư xây dựng phù hợp đường sắt mới khổ 1.435 mm. Nghiên cứu xây dựng mới các tuyến đường sắt thuộc hai hành lang và một vành đai kinh tế Việt Nam-Trung Quốc, kết nối ASEAN, các tuyến nối đến cảng biển, các khu kinh tế lớn, tuyến nối các tỉnh Tây nguyên, nối TP.HCM - Vũng Tàu và Cần Thơ. Đối với hàng không, tập trung, ưu tiên đầu tư nâng cấp đồng bộ, hiện đại cảng hàng không quốc tế (Nội Bài, Cát Bi, Đà Nẵng, Tân Sơn Nhất, Cam Ranh...) và đầu tư, khai thác có hiệu quả các cảng hàng không hiện có.
Bộ GTVT thừa nhận quy hoạch giao thông còn phải chỉnh sửa nhiều trong quá trình thực hiện.
Tuy nhiên, quy hoạch giao thông do thời gian yêu cầu lập quy hoạch gấp, giá cả nhiều biến động ảnh hưởng rất lớn công tác dự báo và xây dựng các chủ trương chính sách thực hiện quy hoạch nên phải điều chỉnh nhiều trong quá trình thực hiện…