'Xử' nặng ngân hàng chạy đua tăng lãi suất tiết kiệm

Cụ thể, theo công văn của Ngân hàng Nhà nước (NHNN), thời gian qua đã xuất hiện hiện tượng các tổ chức tín dụng, chi ngánh ngân hàng nước ngoài điều chỉnh lãi suất tiền gửi bằng VND nhanh và khá lớn ở một số kỳ hạn hoặc triển khai các sản phẩm chứng chỉ tiền gửi với mức lãi suất cao.

NHNN cho rằng động thái tăng lãi suất này tiềm ẩn nhiều rủi ro ảnh hưởng đến sự ổn định và phát triển lành mạnh của hệ thống ngân hàng, tạo ra diễn biến tâm lý tiêu cực trên thị trường, có nguy cơ dẫn đến cuộc đua về lãi suất huy động giữa các tổ chức tín dụng, gây bất ổn thị trường tiền tệ.

NHNN sẽ theo dõi sát việc triển khai giải pháp về lãi suất và tín dụng của các tổ chức tín dụng và sẽ có biện pháp xử lý nghiêm trường hợp vi phạm quy định của pháp luật và chỉ đạo của NHNN. Trong đó bao gồm cả biện pháp thu hẹp chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng của tổ chức ngân hàng vi phạm.

Để đảm bảo ổn định thị trường tiền tệ, góp phần thực hiện mục tiêu ổn định kinh tế vĩ mô, thống đốc đã yêu cầu các tổ chức tín dụng duy trì mặt bằng lãi suất huy động ổn định hợp lý, phù hợp với khả năng cân đối vốn, khả năng mở rộng tín dụng lành mạnh, chấp hành quy định về lãi suất tiền gửi, tăng cường kiểm soát tín dụng vào các lĩnh vực rủi ro. Tăng cường kiểm soát chặt chẽ về việc chấp hành tín dụng đối với khách hàng và người có liên quan…

Ảnh minh họa.

Thời gian gần đây, nhiều ngân hàng tư nhân nhỏ cũng như những ngân hàng lớn đồng loạt đẩy lãi suất các kỳ hạn từ sáu tháng trở lên rất cao, mức tăng phổ biến 0,2-0,8 điểm %. Ở nhiều ngân hàng, lãi suất kỳ hạn sáu tháng đưa lên quanh mức 8%/năm, tương đương với kỳ hạn dài từ một năm trở lên. 

Ngoài sản phẩm tiền gửi thông thường là qua sổ tiết kiệm cho khách hàng cá nhân, một số ngân hàng còn cho khách hàng "lách" dưới dạng hợp đồng tiền gửi để được lãi suất cao hơn. Ví dụ ở ngân hàng V., khách hàng nếu gửi dạng hợp đồng tiền gửi 24 tháng lãi suất cao hơn hẳn tiền gửi thông thường nhưng khách có thể rút ra khi qua sáu tháng mà được hưởng nguyên lãi.

Thậm chí không ít các ngân hàng còn triển khai dạng chứng chỉ tiền gửi có kỳ hạn một năm, hai năm... cho đến năm năm với lãi suất trên dưới 9%/năm, hoặc thậm chí có ngân hàng còn đẩy lên trên 10%/năm. Đây là các mức huy động vốn của các công ty tài chính tiêu dùng - vốn chỉ được huy động vốn của tổ chức nhưng cho vay với cá nhân dạng tín chấp.

Chẳng hạn như tại ABBank, ngày 20-8, Ngân hàng TMCP An Bình (ABBank) thông báo tăng lãi suất tiết kiệm kỳ hạn sáu tháng lên 7,5%/năm và 12 tháng là 8,5%/năm, lần lượt tăng 0,7% và 0,8% so với mức lãi suất cũ. 

Trước đó, ngày 19-8, Ngân hàng TMCP Bản Việt (Viet Capital Bank) đã gây "sốc" khi tung ra sản phẩm chứng chỉ tiền gửi với lãi suất tới 10,2%/năm. Theo đó, chỉ cần 10 triệu đồng trở lên với khách hàng cá nhân và khách hàng tổ chức từ 100 triệu đồng với bốn kỳ hạn cố định: 24 tháng, 36 tháng, 48 tháng và 60 tháng là đã được lãi suất tương ứng với các kỳ hạn gửi là mức lãi 9,5%/năm, 9,8%/năm, 10,0%/năm và 10,2%/năm. 

Như vậy, mức lãi suất mà Viet Capital Bank đưa ra đang vượt trội hơn hẳn về lãi suất so với các ngân hàng khác vốn đang ở quanh mức 9%/năm. Khoản tiền gửi thông thường của ngân hàng này cũng đang chiếm lĩnh vị trí quán quân trên thị trường với 8,6%/năm.

Tương tự, SHB cũng điều chỉnh lãi suất cao nhất của ngân hàng lên mức 8,2%/năm, áp dụng với tất cả khoản tiền gửi kỳ hạn 13 tháng. Lãi suất kỳ hạn sáu tháng cũng được đẩy từ 7% lên đến 7,8%/năm, kỳ hạn chín tháng, 12 tháng lần lượt là 8%/năm, 8,1%/năm. Trước đó, lãi suất cao nhất của ngân hàng này chỉ ở mức 7,2%/năm. 

Một ngân hàng khác là OCB cũng công bố biểu lãi suất áp dụng từ ngày 12-8 với lãi suất gửi tiết kiệm cao nhất tại quầy là 8%/năm, áp dụng với kỳ hạn 36 tháng. So với biểu lãi suất trước đó, tỉ lệ này đã tăng 0,3 điểm %. 

BIDV và VietinBank đều niêm yết lãi suất tiền gửi 12 tháng ở mức 7%/năm, tăng 0,1-0,2 điểm % so với trước đó.  

Đừng bỏ lỡ

Đọc thêm

Đề xuất cơ chế tránh độc quyền vàng miếng

Đề xuất cơ chế tránh độc quyền vàng miếng

(PLO)- NHNN Chi nhánh TP.HCM kiến nghị xem xét đề xuất cơ chế quản lý phù hợp, hiệu quả tránh độc quyền vàng miếng, tạo lợi ích nhóm cho các đơn vị kinh doanh vàng miếng tự niêm yết giá.